Tiêu chuẩn kiểm định

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo Quy định về Kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học (GD ĐH) để lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành.

Dự thảo đã quy định bộ tiêu chuẩn mới đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học (gọi tắt là Bộ tiêu chuẩn 2016) thay thế Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học được ban hành kèm theo Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 01/11/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 37/2012/TT-BGDĐT ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (gọi tắt là Bộ tiêu chuẩn 2007). Đây được xem như biện pháp đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với khu vực Đông Nam Á. Bộ tiêu chuẩn 2016 có một số điểm mới cơ bản như sau:

1. Về số lượng và kết cấu
Bộ tiêu chuẩn 2016 gồm 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí trong khi đó Bộ tiêu chuẩn 2007 chỉ có 10 tiêu chuẩn, 61 tiêu chí.

Bộ tiêu chuẩn 2007 không phân chia các nhóm tiêu chuẩn mà kết cấu theo hướng liệt kê các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học gồm sứ mạng, mục tiêu; tổ chức và quản lý; chương trình đào tạo; hoạt động đào tạo; đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, nhân viên; người học; nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; hợp tác quốc tế; thư viện, trang thiết bị, cơ sở vật chất; tài chính và quản lý tài chính. Bộ tiểu chuẩn 2016 chia các tiêu chuẩn, tiêu chí thành 04 nhóm: Đảm bảo chất lượng về mặt chiến lược (08 tiêu chuẩn, 37 tiêu chí; Đảm bảo chất lượng về mặt hệ thống (04 tiêu chuẩn, 19 tiêu chí); Đảm bảo chất lượng về mặt thực hiện chức năng (09 tiêu chuẩn, 39 tiêu chí); Kết quả hoạt động (04 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí).

2. Về cách tiếp cận
Bộ tiêu chuẩn 2016 có điểm nổi bật hơn so với Bộ tiêu chuẩn 2007 ở cách tiếp cận mang tính khu vực và hội nhập quốc tế sâu rộng. Tính khu vực và quốc tế thể hiện ở việc Bộ tiêu chuẩn 2016 được xây dựng chủ yếu dựa trên Bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục do Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN-QA) mới ban hành tháng 7/2016; 10 nguyên tắc về đảm bảo chất lượng bên trong của Khung đảm bảo chất lượng ASEAN (ASEAN QA Framework), 10 tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng bên trong được nêu tại Phần 1 của Bộ tiêu chuẩn và hướng dẫn đảm bảo chất lượng trong lĩnh vực giáo dục đại học của Châu Âu (Guidelines for Quality Assurance in the European Higher Education Area – ESG 2015) và Khung thành tích xuất sắc Balridge (Balridge Performance Excellence Framework-Education-2015/2016).

3. Về nội dung của tiêu chuẩn, tiêu chí
- Bộ tiêu chuẩn 2007 được thiết kế cũng dựa trên triết lý đảm bảo chất lượng theo quy trình PDCA (Plan, Do, Check, Act). Tuy nhiên, quy trình PDCA không được thể hiện rõ ràng bởi từng tiêu chí trong cùng tiêu chuẩn mà được mô tả trong cùng một tiêu chí (Tiêu chí 1.2: Mục tiêu của trường đại học được xác định phù hợp với mục tiêu đào tạo trình độ đại học quy định tại Luật Giáo dục và sứ mệnh đã tuyên bố của nhà trường; được định kỳ rà soát, bổ sung, điều chỉnh và được triển khai thực hiện) hoặc thậm chí thể hiện không rõ ràng (Tiêu chí 2.3: Chức năng, trách nhiệm và quyền hạn của các bộ phận, cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên được phân định rõ ràng) vì thế không tạo nên tính hệ thống của quy trình PDCA trong cùng 1 tiêu chuẩn. Điều này đã dẫn tới khó khăn cho các trường đại học khi theo dõi, tiến hành tự đánh giá để xác định nội hàm của tiêu chí yêu cầu về lập kế hoạch, triển khai thực hiện, rà soát hay cải tiến. Trong khi đó, Bộ tiêu chuẩn 2016 cũng dựa trên triết lý chung PDCA nhưng một hoặc hai tiêu chí trong một tiêu chuẩn thể hiện rõ một nội dung của quy trình PDCA. Ví dụ: Tiêu chuẩn 1 có 5 tiêu chí, trong đó tiêu chí 1.1, 1.2 là P (lập kế hoạch), tiêu chí 1.3 thể hiện D (triển khai thực hiện), tiêu chí 1.3 thể hiện C (rà soát) và tiêu chí 1.5 thể hiện A (cải tiến).

- Nhiều nội dung mới được đưa vào Bộ tiêu chuẩn 2016 để đánh giá một cách toàn diện, có hệ thống về chất lượng trường đại học như: văn hóa; hệ thống quản trị; quản trị chiến lược; các mạng lưới và quan hệ đối ngoại; hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong; quản lý thông tin đảm bảo chất lượng bên trong; kết nối và phục vụ cộng đồng; đánh giá kết quả hoạt động của trường đại học ở 4 nội dung: giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, tài chính và thị trường. Bộ tiêu chuẩn 2016 không chỉ đánh giá hiện tại mà còn chú trọng, nhấn mạnh xu hướng tương lai, chiến lược của từng trường đại học.

4. Về thang điểm đánh giá
Bộ tiêu chuẩn 2007 được triển khai thực hiện để đánh giá chất lượng trường đại học theo 2 mức là Đạt hoặc Không đạt. Cơ sở để xác định Đạt hay Không đạt dựa trên Công văn số 1237/KTKĐCLGD-KĐĐH ngày 03/08/2016 của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT về việc sử dụng tài liệu hướng dẫn đánh giá chất lượng trường đại học. Công văn số 1237 hướng dẫn đánh giá theo Bộ tiêu chuẩn 2007 cũng chỉ đưa ra mốc chuẩn tham chiếu tối thiểu để đánh giá mức Đạt tiêu chí. Trong khi đó, để đánh giá theo Bộ tiêu chuẩn 2016, dự thảo quy định 7 mức đánh giá cụ thể. Việc quy định 7 mức đánh giá mới này sẽ có ưu điểm hơn so với cách đánh giá trước đây, cụ thể:

- Đánh giá theo 7 mức sẽ tạo điều kiện, động lực để các trường phấn đấu, liên tục cải tiến chất lượng để đạt mức điểm cao hơn ở mức đáp ứng cao hơn yêu cầu của tiêu chí, tiêu chuẩn (mức 5) hoặc trở thành hình mẫu (mức 6) hay xuất sắc (mức 7), trong khi đó đánh giá mức Đạt theo Bộ tiêu chuẩn 2007 không có sự phân biệt rõ ràng giữa đạt trên 85% tiêu chí với đạt 90% yêu cầu tiêu chí nên khó tạo động lực cho trường đại học tiếp tục phấn đấu, cải tiến chất lượng liên tục.

- Sử dụng đánh giá bằng điểm (điểm của từng tiêu chí, điểm của tiêu chuẩn là điểm trung bình cộng của tiêu chí, điểm trung bình của tiêu chuẩn là điểm trung bình cộng của tiêu chuẩn trong cùng nhóm) sẽ có độ chính xác cao hơn khi đánh giá chất lượng của trường đại học thay vì đánh giá bằng Đạt theo tỷ lệ %.

- Sử dụng thang đánh giá theo 7 mức thống nhất, tương tự AUN sẽ tạo điều kiện cho các trường đại học tiếp tục hoàn thiện, cải tiến để đánh giá ở cấp khu vực Đông Nam Á, tạo thuận lợi trong việc công nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá.

Xem chi tiết và góp ý nội dung dự thảo tại Cổng TTĐT của Bộ http://www.moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1319.

DMC Firewall is developed by Dean Marshall Consultancy Ltd