TIN TỨC & SỰ KIỆN

Theo Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học mà Bộ GD-ĐT mới ban hành, việc mở các khóa học đào tạo từ xa sẽ không cần sự cho phép của Bộ GD-ĐT như quy định hiện hành.

Thay vào đó, quy chế mới quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về về điều kiện thực hiện chương trình đào tạo từ xa đặc biệt là các điều kiện đảm bảo chất lượng của chương trình.

Cụ thể, tại điều 3 của quy chế đặt ra điều kiện tối thiểu để thực hiện chương trình từ xa với 9 khoản, từ việc xây dựng hệ thống, chương trình, bộ máy tổ chức, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác đào tạo từ xa.

Điểm mới nhất của điều kiện thực hiện chương trình đào tạo từ xa trong quy chế mới chính là việc thực hiện chương trình đào tạo từ xa phải được xác định trong sứ mạng, tầm nhìn, phương hướng, kế hoạch phát triển của trường đại học đã được Hội đồng đại học, Hội đồng trường hoặc Hội đồng quản trị quyết nghị thông qua.

So với quy định cũ tại Thông tư số 40 ban hành nằm 2003, quy chế mới đã cụ thể hóa các điều kiện về cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật, thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo từ xa.

Trong quy chế, khoản về việc đảm bảo cơ sở vật chất bao gồm tới 7 điểm, quy định rõ về yêu cầu đối với phòng kỹ thuật, thiết bị, hệ thống kỹ thuật, hệ thống kiểm tra đánh giá, trang tin điện tử, thư viện điện tử, đơn vị sản xuất học liệu cho đào tạo từ xa.

Việc mở chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học sẽ không cần phải có sự cho phép của Bộ GD-ĐT như trước đây. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, khác với quy định hiện hành, quy chế mới lại quy định khá rõ về trạm đào tạo từ xa. Theo đó, trạm đào tạo từ xa đặt tại cơ sở giáo dục có đủ điều kiện đảm bảo các yêu cầu về môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, thiết bị thí nghiệm, thực hành, thực tập, cán bộ quản lý để thực hiện chương trình đào tạo từ xa.Ngoài ra, quy chế mới cũng giao quyền quyết định đặt trạm đào tạo từ xa cho thủ trưởng các trường đại học cho từng ngành trên cơ sở ý kiến của Hội đồng khoa học và đào tạo.

Việc đặt trạm cũng được yêu cầu báo cáo cho Bộ GD-ĐT, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tại nơi đặt trạm trước khi khai giảng.

Trong việc tổ chức đào tạo từ xa, quy chế mới cũng yêu cầu giảng viên cơ hữu của trường đại học phải thực hiện ít nhất 50% khối lượng giảng dạy của chương trình đào tạo từ xa.

Tuy nhiên, quy chế mới không quy định chi tiết về số giờ học tập trung như quy định cũ mà chỉ yêu cầu đảm bảo sự tương tác thông qua 4 hoạt động học tập chính: tham dự buổi học, buổi hướng dẫn, seminar và hội thảo.

Một điểm quan trọng khác là quy chế mới yêu cầu các cơ sở đào tạo triển khai tự đánh giá chương trình đào tạo từ xa và đăng ký tham gia kiểm định chất lượng chương trình đào tạo từ xa theo quy định hiện hành với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

Ghi rõ hình thức đào tạo từ xa trên văn bằng

Quy chế mới cũng bỏ đi nhiều quy định chi tiết về việc tổ chức thi và xét tốt nghiệp đối với chương trình đào tạo từ xa.

Theo đó, quy chế mới chỉ yêu cầu tổ chức thi phải được thực hiện tại trường hoặc trạm đào tạo từ xa và bổ sung quy định, đề thi cho chương trình phải rút ra từ ngân hàng đề thi chung với đào tạo chính quy.

Việc tổ chức các kỳ thi kết thúc học phần, cách tính điểm và xếp hạng tốt nghiệp do thủ trưởng các trường đại học quy định trên cơ sở quy định của hình thức giáo dục chính quy.

Đối với vấn đề cấp bằng tốt nghiệp, quy chế mới ghi rõ, hình thức đào tạo từ xa được ghi trong văn bằng tốt nghiệp.

Điều này khác với quy định hiện hành. Theo đó, vào thời điểm ban hành năm 2003, Thông tư 40 chỉ quy định ghi theo quy định của Bộ GD-ĐT về quản lý văn bằng, chứng chỉ.

Thông tư Ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học của Bộ GD-ĐT vừa được ký ban hành 28/4 và sẽ có hiệu lực từ 12/6 tới đây.

Đối với những khóa đào tạo từ xa trước ngày quy chế này có hiệu lực, việc đào tạo được áp dụng theo quy chế hiện hành.


Chương trình đào tạo từ xa (ĐTTX) được thực hiện ở Việt Nam từ năm 1993.

Hiện nay, cả nước có 21 trường đại học tiến hành các chương trình ĐTTX nhưng đến nay chỉ có 17 trường đại học tuyển sinh được. Trong khoảng 3 năm trở lại đây quy mô ĐTTX giảm sút.

Năm 2012, có 17 trường đại học đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh ĐTTX với tổng số là 68.020 chỉ tiêu, quy mô là 161.047 sinh viên theo học 90 chương trình đào tạo (chiếm 6% so với tổng số sinh viên ĐH, CĐ toàn quốc).

Hiện nay, quy mô sinh viên theo học chương trình này giảm đáng kể, từ 161.047 sinh viên (tháng 10/2012) giảm xuống chỉ còn 70.425 sinh viên (tháng 10/2016).

Trong 3 năm gần đây, số lượng sinh viên theo học các nhóm ngành cụ thể như: Kinh doanh - quản lý: 36%; Khoa học xã hội: 41%; Giáo dục: 15%; Kỹ thuật - Công nghệ: 9%.

 

 

Cần phát triển nhưng phải kiểm soát chất lượng

Phát biểu tại Hội thảo nâng cao chất lượng Đào tạo từ xa (ĐTTX) mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, mô hình đào tạo từ xa cần mở rộng, phát triển mạnh mẽ nhưng phải kiểm soát chất lượng.

"Ở đây cuối cùng quyết định là chất lượng chứ không phải loại hình đào tạo. Suy cho cùng, người học phải cảm nhận được chất lượng đào tạo. Do đó, chúng ta cần có sự mạch lạc về văn bằng đào tạo nếu không sẽ tạo ra sự mơ hồ cho người sử dụng. Đào tạo hình thức nào phải ghi rõ hình thức đó, chứ không thể tốt nghiệp ra giống nhau hết" - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.

Theo Lê Văn - Báo Vietnamnet.vn

Our website is protected by DMC Firewall!