TIN TỨC & SỰ KIỆN

Tại Hội nghị thường niên của Mạng lưới Chất lượng châu Á – Thái Bình Dương (AQPN) với chủ đề “Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học trong thế giới đang thay đổi: Viễn cảnh tương lai châu Á – Thái Bình Dương” do Đại học Ngoại thương tổ chức, có hơn 110 nhà lãnh đạo, các học giả, các nhà nghiên cứu giáo dục của các tổ chức giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục đến từ 34 nước thành viên tại châu Á - Thái Bình Dương và lãnh đạo của hơn 50 trường Đại học trong nước. 

 

Trào lưu du học và mở rộng các chương trình liên kết đào tạo đại học đang nở rộ tại Việt Nam và nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, người học và người dạy đều thiếu chuẩn đánh giá chất lượng chung. Hơn 160 đại diện các trường đại học trong và ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã đến Hà Nội để bàn về cách thức đánh giá chất lượng giáo dục đại học trong và ngoài biên giới vào ngày 7-8/3.

Theo Tiến sĩ Angela Yung Chi Hou, Phó Chủ tịch AQPN, tính chuyên nghiệp, sự độc lập và quốc tế hoá là ba thách thức lớn nhất đối với kiểm định chất lượng giáo dục đại học khu vực. 

Hiện nay, xu hướng sinh viên mong muốn học tập tại một trường đại học nằm ngoài biên giới nước mình đang có chiều hướng tăng mạnh mẽ. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), số lượng sinh viên quốc tế trong khu vực sẽ tăng gần gấp ba lần vào năm 2035. Cụ thể là, cách đây ba năm (năm 2010), châu Á Thái Bình Dương có khoảng 2,5 triệu sinh viên quốc tế. Đến năm 2035, con số này là 7,2 triệu. Trong đó, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là những điểm đến được ưa chuộng nhất.

Cùng với sự gia tăng số lượng sinh viên quốc tế, các hình thức đào tạo quốc tế ở bậc đại học đa dạng hơn. Đó là các chương trình liên kết đào tạo, chương trình cấp bằng và chứng chỉ theo dạng nhượng quyền, thành lập các học xá chi nhánh, đào tạo từ xa..., theo Tiến sĩ Angela Yung Chi Hou, Phó Chủ tịch AQPN.

Tuy nhiên, các trường đại học trong châu Á – Thái Bình Dương chưa thống nhất bộ tiêu chí đánh giá đảm bảo chất lượng của các hình thức đào tạo trên. Việc công nhận chất lượng đào tạo chủ yếu diễn ra ở cấp quốc gia.

Cụ thể, mỗi nước phát triển một hệ thống đánh giá chất lượng riêng nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục của các trường đại học trong nước. Các trường đại học phát triển các mô hình giáo dục khác nhau và bộ tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng khác nhau.Sự thiếu chuyên nghiệp đó khiến chất lượng giáo dục chưa có sự gắn kết và thống nhất, tạo ra khoảng cách nhận thức giữa các nền giáo dục. Bên cạnh đó, các hệ thống trên không xem xét và công nhận các chương trình đào tạo quốc tế.


“Đa phần các cơ quan kiểm định chất lượng mỗi nước không đủ năng lực công nhận các chương trình nằm ngoài hệ thống giáo dục trong nước”, bà Angela cho biết: “Hiện nay, một nửa các quốc gia châu Á có ít nhất hai bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trong nước”.Trong khi đó, các tổ chức kiểm định chất lượng quốc tế cũng chưa đủ mạnh để thuyết phục các cơ quan kiểm định chất lượng quốc gia áp dụng bộ tiêu chuẩn của họ. 

Việc thiếu công cụ đánh giá chất lượng giáo dục khu vực có uy tín làm giảm sức cạnh tranh của các hình thức trên ở thị trường toàn cầu cũng như ảnh hưởng đến sự nghiệp tương lai của sinh viên. Bởi vì bộ kiểm định chất lượng bảo đảm sinh viên khỏi nguy cơ gia tăng khoảng cách giữa những gì họ học và yêu cầu của thị trường lao động, theo Giáo sư Wang Libing, chuyên gia các chương trình đại học cao cấp của UNESCO tại Bangkok (Thái Lan).

Nhà lãnh đạo AQPN thẳng thắn chỉ ra các vấn đề tồn tại của kiểm định chất lượng. Đó là tiêu chí đánh giá kết quả học tập sinh viên, kiểm định chất lượng và tính quốc tế hoá của các cơ quan kiểm định chất lượng, kiểm định chất lượng của giáo dục đại học xuyên biên giới, công nhận quốc tế..... “Cơ quan nào chịu trách nhiệm chất lượng của đào tạo đại học xuyên biên giới, quyền lợi của sinh viên và cạnh tranh giữa các chương trình”, TS Angela đặt vấn đề: “Nếu các cơ quan kiểm định chất lượng quốc gia đảm nhận, họ có đủ năng lực quản lý không? Nếu các tổ chức quốc tế thực hiện, họ có đe doạ đến sự tự chủ quốc gia không”.

Do đó, các thành viên của AQPN, trong đó có Việt Nam, đều bày tỏ thúc đẩy các hoạt động quốc tế xây dựng bộ kiểm định chất lượng chung. "Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam ủng hộ việc xây dựng và duy trì hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở cấp trường, quốc gia, khu vực và quốc tế,"  TS Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.

Để giải đáp các vấn đề trên, các diễn gia đã thảo luận về các bộ tiêu chuẩn đang được thực hiện tại những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc.... Đồng thời, bà Angela cũng giới thiệu việc hướng tới xây dựng bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của AQPN.

Theo Minh An - Hanoitv.vn

AQPN có hơn 130 thành viên đại diện cho 34 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam hiện có năm thành viên bao gồm Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục VN, Đại học Ngoại thương (đơn vị tổ chức Hội nghị thường niên AQPN 2014), Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đông Á, Đại học Sài Gòn... 
DMC Firewall is developed by Dean Marshall Consultancy Ltd