TIN TỨC & SỰ KIỆN

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy định về đào tạo chất lượng cao (CLC) trình độ ĐH. Văn bản này quy định về đào tạo CLC trình độ ĐH bao gồm: tiêu chí xác định chương trình đào tạo CLC trình độ ĐH; điều kiện, quy trình, thủ tục đăng ký đào tạo, đình chỉ tuyển sinh và thu hồi quyết định phê duyệt đào tạo CLC trình độ ĐH.

Quy định này áp dụng đối với các ĐHQG, ĐH vùng, học viện, trường ĐH trong hệ thống giáo dục quốc dân, các tổ chức và cá nhân có liên quan; không áp dụng đối với các cơ sở đào tạo có vốn đầu tư nước ngoài và chương trình đào tạo liên kết với cơ sở đào tạo nước ngoài.

Tiêu chí xác định chương trình CLC là những quy định về chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lí, tổ chức và quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thư viện cần thiết thực hiện CTCLC. CTCLC được phát triển phải có sự tham gia của đội ngũ giảng viên thực hiện CTCLC, bộ phận đảm bảo chất lượng, cựu sinh viên, đại diện của nhà sử dụng nguồn nhân lực, đại diện của cơ quan quản lý nhà nước và phải được hội đồng khoa học và đào tạo của cơ sở đào tạo thông qua.

Giảng viên phải có trình độ thạc sỹ trở lên

Theo quy định tại dự thảo, giảng viên CTCLC phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Riêng giảng viên dạy lí thuyết các học phần thuộc khối kiến thức cơ sở và chuyên ngành phải có trình độ tiến sĩ hoặc chức danh giáo sư, phó giáo sư đúng ngành hoặc tương đương đối với các ngành đặc thù; có năng lực chuyên môn, NCKH đáp ứng yêu cầu của CTCLC; có kinh nghiệm giảng dạy liên quan đến ngành CTCLC từ 5 năm trở lên; có phương pháp giảng dạy hiện đại; sử dụng tốt các trang thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy.

Đối với giảng viên dạy các học phần chuyên môn bằng ngoại ngữ còn phải có trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ C1 theo Khung tham chiếu chung Châu Âu hoặc được đào tạo trình độ đại học trở lên toàn thời gian ở nước ngoài bằng ngôn ngữ của CTĐT tham khảo.

Giảng viên CTCLC được hưởng mức thù lao giờ giảng tương xứng và được quy định rõ trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở đào tạo.

Sinh viên được hỗ trợ tìm việc làm

Sinh viên sau khi tốt nghiệp CTCLC được yêu cầu có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, chủ động trong giải quyết vấn đề thực tiễn nghề nghiệp và thích ứng với sự thay đổi của môi trường làm việc; sử dụng thành thạo công cụ tin học; có trình độ ngoại ngữ tối thiểu đạt chuẩn tương đương cấp độ B2 theo Khung tham chiếu chung Châu Âu.

Nếu sinh viên CTCLC không đạt kết quả học tập theo quy định, cơ sở đào tạo quyết định cho sinh viên học lại hoặc thôi học hoặc được chuyển về lớp CTĐT đại trà (phải thông báo công khai cho người học trước mỗi khóa tuyển sinh). Ngược lại, sinh viên đang theo học CTĐT đại trà nếu có nhu cầu và đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu của CTCLC có thể được cơ sở đào tạo xem xét tiếp nhận vào lớp CTCLC.

Cũng theo dự thảo này, tổ chức quy mô lớp học dạy lí thuyết không quá 50 sinh viên/lớp; thảo luận không quá 25 sinh viên/lớp; thực hành không quá 15 sinh viên/lớp; thực tập tại phòng thí nghiệm không quá 5 sinh viên/nhóm.

Về văn bằng, ngoài các nội dung ghi trên văn bằng theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT, cơ sở đào tạo được ghi thêm cụm từ “Chương trình đào tạo chất lượng cao” vào văn bằng và bảng điểm.

Theo Lập Phương - Báo Giáo dục & Thời đại

DMC Firewall is developed by Dean Marshall Consultancy Ltd