TIN TỨC & SỰ KIỆN

LTS: Dù tuổi đã cao, nhưng vẫn đầy nhiệt huyết với công tác xã hội, với sự nghiệp giáo dục nên nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình vừa gửi tới báo Giáo dục&Thời đại một bài viết. Dù trong bài còn nhiều chi tiết cần được trao đổi lại, nhưng thể hiện sự trân trọng của Báo, chúng tôi đăng tải nguyên văn bài viết của Bà Nguyễn Thị Bình và chỉ xin trao đổi hai thông tin quan trọng trong bài ở phần Ý kiến của báo GD&TĐ.

Đại hội Đảng XI đã nêu 3 đột phá cho chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay, mà đột phá quan trọng nhất là “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”. Giáo dục đại học (GDĐH) là công cụ quan trọng để phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, do đó những vấn đề nổi cộm của GDĐH làm cho những người có tâm huyết với giáo dục (GD) và cả xã hội lo lắng.  

Trước hết hãy xem xét về tính ổn định của hệ thống và mạng lưới các trường đại học (ĐH) và cao đẳng. Việc nâng cấp ồ ạt các trường công lập trong mấy năm qua tạo nên quá nhiều trường không tương xứng với danh hiệu của chúng. Còn các trường ngoài công lập (NCL) thì nhiều trường cảm thấy Nhà nước một mặt đưa ra đường lối xã hội hóa, khuyến khích họ thành lập và đóng góp phát triển GD, nhưng mặt khác lại áp dụng một số chính sách cụ thể gây khó khăn cho sự phát triển của họ. Đối với cả hệ thống thì GDĐH phát triển nhanh về số lượng nhưng giảm sút về chất lượng. Tất cả tình hình trên cho thấy GDĐH chưa đi vào thế phát triển ổn định, bền vững, đó là điều rất đáng lo ngại.


Về số lượng và chất lượng đào tạo ĐH 

Chủ trương đại chúng hóa GDĐH đã được khẳng định từ Nghị quyết 14 năm 2005 của Chính phủ về “Đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH”. Đó là một chủ trương đúng đắn, vì kinh nghiệm quốc tế đã khẳng định: Một nước muốn xây dựng một nền kinh tế công nghiệp phải có một nền GDĐH đại chúng, cụ thể là tỷ số sinh viên (SV) so với thanh niên ở độ tuổi đại học phải đạt trong khoảng từ 15% đến 50%. Còn về chất lượng đội ngũ được đào tạo phải đáp ứng nhu cầu đa dạng nhân lực trình độ cao của thị trường lao động. Trong thời đại hiện nay cả thế giới đều nhìn nhận rằng nhân lực chất lượng cao là nhân tố quyết định nhất để phát triển kinh tế xã hội, do đó hầu hết mọi quốc gia đều ưu tiên phát triển GD, đặc biệt là GDĐH.

Vậy số lượng và chất lượng đào tạo ĐH của nước ta hiện nay như thế nào?

Để nhận định về số lượng, có thể dẫn vài số liệu thống kê của UNESCO vào năm 2010 về tỷ số SV nói trên của một số nước quen biết: Mỹ 95%, Nga 76%, Mông Cổ 53%, Thái Lan 46%, Malaysia 42%, Trung Quốc 26%, Việt Nam 22%. (*) Riêng Hàn Quốc đạt một tỷ số đặc biệt là 103% vì trong đội ngũ SV có nhiều người trên độ tuổi đại học. Như vậy tỷ số mà nước ta đạt được chưa phải là cao so với ngay cả các nước đang phát triển trong khu vực, do đó không nên sợ chúng ta quá thừa SV đại học. 

Điều đáng lo ngại chính là chất lượng. Có lẽ không cần nói nhiều về chủ đề này vì lẽ thông tin từ truyền thông và từ nhiều nghiên cứu đã phản ánh chất lượng GDĐH có phần giảm sút so với trước đây và không đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp của thị trường lao động. Tuy rất thiếu nhân lực nhưng nhiều tập đoàn, công ty không tuyển được người. 

Vì sao chất lượng GDĐH thấp?

Vì sao chất lượng đào tạo ĐH không đáp ứng yêu cầu và giảm sút? Chỉ xin nêu 3 nguyên nhân quan trọng sau đây. Một là, do sự phát triển quá nhanh và thiếu quy hoạch trong mấy năm qua: Nhiều trường được mở hoặc nâng cấp khi chưa đủ điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo. Hai là, chi phí đơn vị để đào tạo SV hiện nay quá thấp.  Ba là, trong quản lý GDĐH chưa chú ý đến việc phân tầng về chức năng của hệ thống để đáp ứng nhu cầu đa dạng của sự phát triển kinh tế xã hội. 

Nguyên nhân thứ nhất liên quan đến yếu kém về quản lý, ngành GD cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm về việc cho phép mở trường, nâng cấp trường. 

Nguyên nhân thứ hai là do phương châm GD là quốc sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước chưa được quán triệt đầy đủ. Cuộc khảo sát GDĐH của Quốc hội năm 2010 đã cho thấy chi phí đơn vị trung bình (SV/năm) của GDĐH nước ta chỉ khoảng 500 USD, mà đối với nhiều trường, kể cả một số trường trọng điểm, chi phí đó giảm xuống chỉ còn khoảng 300 USD vì tuyển quá đông SV. 

Theo thông lệ quốc tế, đối với các nước kém phát triển như nước ta muốn đào tạo đảm bảo chất lượng tối thiểu thì chi phí đơn vị cho GDĐH phải cỡ trên mức GDP đầu người, tức khoảng 1.200 USD vào năm 2010 (và khoảng 1.600 USD hiện nay). Làm sao tăng chi phí đơn vị trung bình lên cỡ hơn gấp 2 lần? 

Khác với GD phổ cập, GDĐH không thể chỉ trông cậy vào ngân sách nhà nước, tuy ngân sách nhà nước phải là nguồn chủ đạo. Cần huy động thêm đóng góp của người học và của các thành phần NCL. Kinh nghiệm thế giới cho biết có thể huy động sự đóng góp thích đáng của người học nếu sử dụng chính sách học phí cao + hỗ trợ cao. Huy động học phí cao của tất cả những SV đủ khả năng đóng học phí, đồng thời có hỗ trợ cao cho những SV không đủ khả năng đó để họ có đủ tiền đóng học phí và học ĐH. 

Từ tháng 9/2007, một điểm sáng trong chính sách GDĐH của Chính phủ là đã thành lập một quỹ tín dụng cho học sinh, sinh viên vay (khoảng 45.000 tỷ VNĐ). Để phát huy tác dụng của quỹ một mặt cần quản lý sao cho nó được sử dụng đúng mục tiêu, mặt khác Chính phủ nên cố gắng tìm cách tăng quỹ này. Nếu quỹ tín dụng học sinh, sinh viên được tăng cỡ gấp đôi, mức học phí sẽ có thể tăng lên thích đáng, lúc đó có thể đủ chi phí đơn vị tối thiểu cho GDĐH, đảm bảo chất lượng GDĐH mà vẫn giữ được công bằng xã hội. Nếu thật sự xem GD là quốc sách hàng đầu thì tin rằng Chính phủ có thể tìm được nguồn để mở rộng quỹ, kể cả  nguồn vay quốc tế. 

Việc khắc phục nguyên nhân thứ ba liên quan đến khái niệm về phân tầng GDĐH. Luật GDĐH đã nêu rõ chủ trương phân tầng GDĐH. Hiện nay nhu cầu nhân lực rất đa dạng, hệ thống GDĐH nước ta cũng rất rộng lớn, do đó việc phân tầng là hết sức quan trọng. Phân tầng là có sự phân công về chức năng các nhóm trường để đáp ứng các nhu cầu khác nhau về nhân lực. Chẳng hạn, các trường ĐH trọng điểm cần chú trọng chất lượng hơn là số lượng để tập trung đào tạo nhân lực ĐH và sau ĐH có trình độ lý luận cao đối với các ngành khoa học và công nghệ nền tảng quan trọng. Các trường ĐH tầng thấp hơn, trong đó có các ĐH địa phương và ĐH NCL, cần đáp ứng những ngành nghề nặng về thực hành, thỏa mãn nhu cầu đa dạng của thị trường lao động. Các trường ĐH và cao đẳng cộng đồng cần gắn với mục tiêu tạo cơ hội ĐH cho số đông và đào tạo nghề phục vụ kinh tế xã hội địa phương. Các ĐH mở là công cụ để đào tạo mở và từ xa, đào tạo một số lượng đông SV bằng các biện pháp công nghệ thích ứng đảm bảo chất lượng. 

Cần lưu ý là hệ thống GDĐH phải được phân tầng về chức năng, chứ không phải về chất lượng, vì đào tạo ở tầng nào cũng phải đảm bảo chất lượng theo quan niệm chất lượng là sự trùng khớp với mục tiêu. Trong thời gian qua sự quản lý của ngành GD chưa theo các định hướng đó, nên mọi loại trường đều chạy theo số lượng để đào tạo ra hàng loạt SV kém chất lượng như nhau. Cụ thể là các trường ĐH tầng trên vẫn đào tạo số lượng SV rất đông, kể cả đào tạo không chính qui, quên mất phương châm của mình là phải chú trọng chất lượng hơn số lượng. Việc phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh của ngành GD cũng thể hiện ưu ái các loại trường này vì cho rằng các trường này có điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo hơn các ĐH tầng thấp. Cách làm đó vô hình trung làm giảm sự tập trung đào tạo trình độ cao của họ.  

Chính sách đối với các trường ngoài công lập 

Hệ thống các trường ĐH, cao đẳng NCL là một thành tựu của chủ trương xã hội hóa GDĐH: Tận dụng sự tham gia và mở rộng sự thụ hưởng GDĐH từ xã hội, đồng thời tăng thêm nguồn lực cho GDĐH. Đây là một biểu hiện của đường lối GD của Đảng và Nhà nước, cần được thực hiện một cách nhất quán. 

Trong hệ thống GDĐH NCL, các trường nhiều tuổi nhất mới khoảng hai thập niên, còn rất non trẻ. Vì lẽ đó nói chung phải xem đây là các trường thuộc tầng thấp trong hệ thống GDĐH. Tuy nói như vậy nhưng cũng có thể thấy các điểm sáng trong GDĐH NCL, đó là các trường đã có nhiều cố gắng để đứng vững và nâng cao chất lượng, ví dụ ĐH Thăng Long ở phía Bắc, ĐH Duy Tân ở miền Trung và ĐH Hoa Sen ở phía Nam.  

Tạo điều kiện để ra đời các ĐH NCL là thể hiện đường lối GD của Đảng và Nhà nước nhưng việc thực hiện không được nhất quán. Chẳng hạn, Nghị quyết 5/2005/NQ-CP đã nêu rõ Nhà nước khuyến khích các trường tư theo mô hình không vì lợi nhuận, nhưng mọi quy chế cho ĐH tư cho đến nay chỉ cho loại hình vì lợi nhuận, cho đến Luật GDĐH năm 2012 mới nêu định nghĩa sơ bộ về trường không vì lợi nhuận. 

Một biểu hiện khác: Trong mấy năm qua ngành GD cho thành lập hàng loạt trường tư, nhưng gần đây chính ngành GD lại phê duyệt tăng chỉ tiêu tuyển sinh của các ĐH công lập tầng trên, nơi sẵn có cơ sở vật chất và đội ngũ, tạo cơ hội cho các ĐH tầng trên tuyển sinh lấn sân các ĐH tầng dưới, trong đó có các trường ĐH NCL. Khi các trường NCL gặp khó khăn, một số quan chức GD đã vội tuyên bố có thể sẽ giải thể các trường không có khả năng tuyển sinh. Cách ứng xử như vậy là thiếu trách nhiệm, không thấm nhuần tinh thần xã hội hóa GD của Đảng và Nhà nước. (**)

Cách làm đó rất giống với cách mà GD Trung Quốc đã làm: Sau khi cho ra đời khoảng 1.400 trường tư, Trung Quốc lại cho thành lập các “trường tư” khác trong lòng các trường công để thu hút SV nhằm thu học phí. Các trường NCL Trung Quốc đã kêu lên là Nhà nước đã trải thảm khuyến khích họ ra đời rồi đột ngột rút thảm để họ ngã quỵ! Ngành GD của ta nên có cách ứng xử mềm dẻo hơn, chẳng hạn yêu cầu các trường còn yếu có kế hoạch phấn đấu để nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có sự giúp đỡ các trường NCL, thể hiện nhất quán đường lối xã hội hóa GD của Đảng và Nhà nước.    

Về phân tầng GDĐH 

Phân tầng GDĐH là một ý tưởng hay đã được đưa vào Luật GDĐH. Một kinh nghiệm phân tầng GDĐH tốt mà thế giới thường nhắc đến là phân tầng GDĐH của bang California (Hoa Kỳ), được đề xuất cách đây nửa thế kỷ mà cho đến nay vẫn còn tác dụng. GDĐH công lập ở California chia 3 tầng. Tầng trên cùng gồm 10 trường ĐH đẳng cấp cao nhất, nặng về nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ, tuyển tốp 1/8 (12,5%) SV giỏi nhất của số học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học. Tầng giữa gồm 23 trường ĐH tầm trung, chỉ có quyền đào tạo đến bằng thạc sĩ, tuyển nhóm 1/3 (33,3%) số học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học kế tiếp. Tầng dưới bao gồm khoảng 110 trường Cao đẳng cộng đồng nhận bất cứ học sinh nào muốn được học ĐH và học nghề. Hiện nay hệ thống phân tầng này mở rộng ra cả các trường tư và các trường đào tạo nghề, là một hệ thống phân tầng rất có hiệu quả mà cả thế giới học tập. Ở đây cần lưu ý là Nhà nước quy định cho các tầng GDĐH cả chức năng đào tạo và cả chất lượng tuyển sinh, không có chuyện các ĐH tầng trên tuyển sinh lấn sân của các trường ĐH tầng dưới.

Khi điều hành hệ thống GDĐH theo đúng các ý tưởng nêu trên hy vọng chúng ta sẽ có một hệ thống GDĐH phát triển ổn định, các trường tầng cao tập trung vào chức năng đào tạo trình độ cao, các trường tầng thấp thực hiện chức năng đào tạo nhân lực thực hành đa dạng theo nhu cầu của nền kinh tế thị trường.

Còn một vấn đề cần lưu ý nữa là thể thức tuyển sinh ĐH ở nước ta cũng cần thay đổi, vì đã 12 năm thực hiện “3 chung” mà kỳ thi chưa áp dụng được công nghệ đánh giá hiện đại như Nghị quyết 14 nêu ra. Một số chuyên gia về đánh giá GD cho biết nếu sử dụng công nghệ đánh giá hiện đại, ngoài việc đo lường chính xác hơn năng lực thí sinh, còn có thể điều khiển sự phân bố phổ điểm thi sao cho từng tầng trường ĐH có thể tuyển sinh theo yêu cầu của mình. Cách tuyển sinh cũng cần đa dạng, có những hệ thống mở rộng đầu vào và thắt chặt đầu ra, như hệ thống đại học mở, nhằm tạo cơ hội cho mọi học sinh tốt nghiệp phổ thông nếu muốn đều có thể học ĐH. 

GDĐH là một hệ thống rộng lớn, đa dạng và phức tạp, do đó khó có thể thảo luận bao quát trong một bài viết. Rất cần những nghiên cứu sâu sắc để sớm xây dựng một chiến lược phát triển toàn diện cho GDĐH và nói chung “sau Trung học” không chỉ 5 - 10 năm mà năm ba mươi năm, nhằm từng bước tạo động lực mạnh mẽ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng tôi chỉ mong vài ý kiến sơ bộ nêu trên liên quan đến đại chúng hóa nhờ xã hội hóa và phân tầng GDĐH có thể đề xuất một lối ra cho hệ thống GDĐH hiện đang có rất nhiều vấn đề.

Ý kiến của báo Giáo dục & Thời đại về 2 chi tiết trong bài, Ban Biên tập báo Giáo dục & Thời đại có ý kiến như sau:


Tỷ lệ sinh viên trên số lượng thanh niên ở độ tuổi đại học của Việt Nam không phải là 22%

(*) Ở các nước, số lượng SV được tính là tổng sinh viên tất cả các hệ đào tạo: Chính qui, thường xuyên, cộng đồng, đào tạo lại... Nếu tính như các nước, số SV đại học, cao đẳng chính qui ở nước ta hiện nay khoảng 2 triệu, cộng với số SV các hệ thường xuyên khoảng 700.000, so với  khoảng 6 triệu thanh niên trong độ tuổi học đại học (18 - 24) thì tỷ lệ này là 45%, gấp đôi con số 22% mà bài viết đưa ra. 

Bộ GD&ĐT nhất quán chủ trương xã hội hóa giáo dục

(**) Từ năm 2012, Bộ GD&ĐT đã giao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH, trong đó có việc tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các tiêu chí đảm bảo chất lượng như chỉ tiêu về số sinh viên/giảng viên và diện tích sàn mét vuông xây dựng. Nhiều trường ĐH công lập đã phải giảm mạnh chỉ tiêu tuyển sinh. Một số trường xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực, tuyển vượt chỉ tiêu đã bị xử lý. 

Thực hiện Nghị quyết 50 của Quốc hội, thời gian qua Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, thanh tra các điều kiện đảm bảo chất lượng theo cam kết thành lập trường, điều kiện mở ngành, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, liên kết đào tạo của nhiều trường đại học, cao đẳng đối với các trường mới thành lập, bao gồm cả trường công lập và NCL. Thực tế, Bộ GD&ĐT đã chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết 50 chậm lại một năm để các trường có thêm thời gian chuẩn bị.  

Trước thời điểm tiến hành kiểm tra một năm, Bộ GD&ĐT đã có thông báo cho các trường. Căn cứ mức độ vi phạm, Bộ GD&ĐT đã kiên quyết xử lý các cơ sở đào tạo vi phạm ở các mức độ theo đúng Nghị quyết 50 của Quốc hội như: Tạm dừng tuyển sinh toàn trường, tạm dừng tuyển sinh đối với các ngành không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, phạt hành chính, khấu trừ chỉ tiêu, thu hồi quyết định đào tạo. Bộ GD&ĐT chưa có tuyên bố nào nói là giải thể các trường không có khả năng tuyển sinh, mà chỉ phạt cảnh báo bằng văn bản đối với những trường không thực hiện cam kết, không đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo (những trường thành lập quá 10 năm mà chưa xây dựng được cơ sở riêng, vẫn phải thuê mướn tạm bợ, đội ngũ yếu...) và gia hạn thời gian để các trường tìm biện pháp khắc phục.

 

Nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình - Báo Giáo dục & Thời đại

DMC Firewall is a Joomla Security extension!