TIN TỨC & SỰ KIỆN

TS. Huỳnh Văn Sơn - Trường ĐH Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để học sinh thực sự coi trường học là mái nhà thứ hai của mình thì trường học Việt Nam cần phải hướng đến học sinh nhiều hơn.

Theo TS.Huỳnh Văn Sơn, không nơi nào như trường học, bên cạnh việc đem lại những giá trị con người thì những giá trị nhân ái, những giá trị văn hóa của dân tộc, của cộng đồng được soi sáng và được chuyển tải một cách cực kỳ sâu sắc... Một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc sẽ được chuyển giao, gìn giữ và phát triển khi và chỉ khi nhà trường phải thực sự làm tốt vai trò giáo dục nhân cách của mình trong môi trường và thông qua môi trường đó.

"Khi cộng tác cùng báo Phụ nữ TP HCM trong chương trình “Lời em muốn nói” trong sáu tháng cuối năm 2009, có rất nhiều học sinh còn chưa được thỏa mãn những nhu cầu chia sẻ và tâm sự với thầy cô giáo. Kết quả thu được trong buổi làm việc tại Trường NTT tại Hóc môn vào tháng 10 – tháng 11 có đến gần 100 câu hỏi và bức thư gửi lên cho những người thực hiện chương trình. Những bức xúc và những thắc mắc về vấn đề bầu chọn lớp trưởng, chấm điểm, khen thưởng, cho đến những vấn đề thuộc về kỹ năng ứng xử của thầy cô giáo đều được quan tâm và chia sẻ. Không ít học sinh đã khẳng định rằng những điều này rất muốn chia sẻ cùng với thầy cô giáo nhưng lại sợ bị la mắng, những điều này sợ rằng không được thầy cô giáo đồng cảm và chấp nhận. Ngay cả những thầy cô giáo tham gia chương trình cũng thấy rằng chính mình cần phải thay đổi nhiều hơn vì mình cũng chưa thực sự hướng đến các em. Không ít thầy cô đã khẳng định rằng những kết luận: đừng yêu vội, đừng nên tỏ tình, nên gìn giữ tình cảm đợi sau 18 tuổi... của chính mình đã hoàn toàn không được các em đón nhận vì nó đà quá cũ hay quá lạc hậu so với thực tế của sự phát triển tâm lý lứa tuổi cũng như sự mong đợi của các em ngày nay...Như vậy, trường học vẫn chưa thực sự thỏa mãn và quan tâm đúng nghĩa với các em học sinh đặc biệt là những nhu cầu về mặt tinh thần" - TS.Huỳnh Văn Sơn cho biết.

Cho rằng mỗi học sinh đều có sự phát triển khác nhau và sự khác nhau này khó có thể cân bằng một cách cơ học, TS.Huỳnh Văn Sơn đồng thời nhận định, nguyên tắc cá thể hóa trong dạy học và giáo dục chưa được khai thác một cách triệt để cho nên có khá nhiều học sinh cũng chưa thực sự cảm thấy mình được quan tâm. Ngoài ra, không ít trường học cũng hướng về mình nhiều hơn hướng về học sinh khi chỉ muốn làm tốt nhất việc giảng dạy và giáo dục của mình mà chưa thực sự lắng nghe tiếng lòng của học sinh. Không có quá ít trường học cũng tuân thủ kỷ luật một cách quá gắt gao dựa trên những quy định và những nội quy của mình đưa ra. Một số trường học vẫn còn cảm thấy nhẹ tênh khi đưa một quyết định đuổi học học sinh sau khi hội đồng kỷ luật họp hoặc sau khi xem xét kết quả học tập năm cuối cấp đang trên đà quá tệ hại.
 
Để học sinh thực sực coi trường học là ngôi nhà thứ 2, theo TS.Huỳnh Văn Sơn, mỗi nhà trường nên có một phòng tham vấn học đường hay có những chuyên viên tư vấn tâm lý học đường, đó chính là nơi các em có thể gửi gắm những tâm tư, băn khoăn, khúc mắc.

Bên cạnh đó, nếu muốn tạo ra những học sinh phát triển tối đa năng lực của mình đang có thì chắc chắn những sự quan tâm đích thực mang tính cá thể hóa là điều rất cần thiết, tránh áp dụng những quy định chung một cách cứng nhắc và rập khuôn mà chưa có sự đồng cảm, định hướng. Những quy định áp dụng trong mỗi nhà trường là cần thiết nhưng hãy trả về tính chất răn đe, yếu tố giáo dục sự tự ý thức và khả năng hoàn thiện chính mình chứ không phải là chuyện “khung bản lề” cứng nhắc như bộ luật hình sự. Với những trường hợp học sinh cá biệt, nên kết hợp với những trung tâm tư vấn, trung tâm hỗ trợ giáo dục để tiếp tục giáo dục các em, hoặc liên hệ với một trường dạy nghề, với địa phương để giáo dục nhân cách sau khi quyết định cho các em thôi học ở trường...

Cũng theo TS.Huỳnh Văn Sơn, trường học muốn thay đổi cần thực sự chú trọng nhiều hơn nữa đến công tác giáo dục. Khi cán cân giữa dạy học và giáo dục bị lệch pha thì chắc chắn rằng những thách thức về kết quả học tập sẽ có thể làm cho sự ứng xử của thần cô giáo, sự quan tâm của nhà trường sẽ có thể lệch hướng. Khi nhìn vào tỉ lệ học sinh giỏi, tiên tiến, trung bình và yếu dàn đều theo tỉ lệ hình tháp chuông nhưng chỉ có vỏn vẹn vài phần trăm học sinh được xem là học sinh khá về mặt đạo đức để thấy rằng ngay trong tiềm thức, sự đánh giá của con người đã có vấn đề. Một học sinh bị cho là đạo đức khá nghĩa là hư lắm hay có vấn đề lắm đây! Tại sao không phải là học tập, rèn luyện, tính cách, hứng thú, nguyện vọng mà phải xếp loại đạo đức và học tập! Những sự thay đổi đã đến lúc cần được thực thi vì đó chính là định hướng để xây dựng một trường học thân thiện, hướng đến học sinh nhiều hơn nhằm giúp các em nên người. Đó cũng chính là nhiệm vụ tối thượng của một nhà trường Vệt Nam trong một nền giáo tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc.

Theo Hải Bình - Báo Giáo dục & Thời đại

Our website is protected by DMC Firewall!