TIN TỨC & SỰ KIỆN

Theo GS Nguyễn Quý Thanh, xếp hạng đại học nên hướng tới sân chơi toàn cầu, Việt Nam tự xây dựng bảng xếp hạng cần hết sức cân nhắc. 

GS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Đại học Giáo dục, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục của Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ với VnExpress về xếp hạng đại học.

- Mới đây nhóm sáu chuyên gia độc lập công bố bảng xếp hạng 49 cơ sở giáo dục Việt Nam. Nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục, ông đánh giá thế nào về bảng xếp hạng này?

- Tôi cho rằng đó là sự cố gắng của nhóm cá nhân tìm kiếm một định vị cho trường đại học Việt Nam. Các tiêu chí họ sử dụng có tham khảo một số bảng xếp hạng quốc tế, nhưng tương đối đơn giản và chưa bao quát, đặc biệt là tiêu chí liên quan đến chất lượng đầu ra. Mặc dù nhóm có đề cập vấn đề việc làm, nhưng chất lượng đầu ra sẽ được nhìn thấy rõ hơn thông qua đánh giá của người sử dụng lao động. Tiêu chí này đang được bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS) và Times Higher Education (THE) của Anh sử dụng.

Thứ hai là độ tin cậy của số liệu. Phương pháp thu thập tư liệu của nhóm chưa tạo cho mọi người cảm giác tin cậy. Nhóm lấy số liệu ba công khai của trường trên website, nhưng ở đó rất nhiều số liệu chưa sát thực vì công khai nhưng trước đây chưa có đơn vị kiểm tra. Từ năm 2017 Bộ Giáo dục đã giao cho 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục kiểm tra lại độ xác thực của thông tin nhưng nhóm không sử dụng cơ sở dữ liệu này.

Thứ ba là muốn hay không trong nhóm này cũng cần người có hiểu biết sâu về các phương pháp đánh giá chất lượng giáo dục. Dù nhóm có rào trước đón sau như thế nào thì bảng xếp hạng vẫn có hàm ý nói về chất lượng của đại học. Vì vậy, cần có chuyên gia đánh giá về mặt chất lượng để xem mức độ phản ánh được thế nào, giúp báo cáo có độ tin cậy cao và được sử dụng hữu ích hơn.

Đây không phải bảng xếp hạng đại học đầu tiên của Việt Nam, năm 2008 một nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội đã có một nghiên cứu và một bảng xếp hạng với hơn 60 đại học. Nhưng ngày đó không công bố rộng rãi như bây giờ. Lúc đó chúng tôi xếp trường đại học thành các nhóm thiên về nghiên cứu và giảng dạy.

GS Nguyễn Quý Thanh cho rằng Việt Nam cần một bộ thông số định chuẩn các trường đại học hơn là xếp hạng. Ảnh: BT


- Theo ông, Việt Nam cần thiết xây dựng một bảng xếp hạng riêng, hay nên tham gia vào bảng xếp hạng quốc tế?

- Việc xây dựng một bảng xếp hạng riêng cho Việt Nam cần cân nhắc vì cái Việt Nam cần không nhất thiết là bảng xếp hạng theo thứ bậc cao thấp mà là nhóm thông số định chuẩn về mặt chất lượng để các trường soi vào đấy xem mình đang ở đâu. Ví dụ thi hoa hậu quy định cao 1,7 m, đó là thông số định chuẩn. Ai 1,69 m thì bị loại. Nhưng khi xếp hạng thì các cô 1,61 hay 1,62 m đều được xếp, có trên có dưới. Như vậy nếu xếp hạng đại học thì trường nào cũng có thứ hạng, nhưng nếu định chuẩn thì trường nào không đạt ngưỡng sẽ bị loại ra.

Các thông số định chuẩn về mặt chất lượng được quy định bởi yêu cầu của xã hội. Xã hội yêu cầu ra trường phải làm được việc, hay trung bình phải có 2 bài báo khoa học cho mỗi giảng viên..., nếu không đạt thì không được vào nhóm. Điều này mới thôi thúc các trường cố gắng để không bị loại khỏi quỹ đạo. 

Các trường đại học đi theo nhóm thông số định chuẩn sẽ thúc đẩy hơn việc hướng đến phân tầng chất lượng, đạt được chỉ số về mặt chất lượng nhanh hơn. Việt Nam đang cần cái đó.

- Nếu các trường vẫn muốn có một bảng xếp hạng thì bảng đó nên được xây dựng như thế nào?

- Bảng xếp hạng để tham khảo một số tiêu chí nào đó thì cũng có thể thực hiện bởi các tổ chức ngoài công lập với sự hỗ trợ của các tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục và dùng công nghệ thông tin thu thập dữ liệu. Các tổ chức xếp hạng thường có hệ thống như tình báo dữ liệu, robot tìm kiếm thông tin... Muốn đảm bảo độ tin cậy, thông tin phải được kiểm tra lại, kiểm tra chéo.

Tôi lấy ví dụ khi Đại học Quốc gia Hà Nội cung cấp dữ liệu cho QS để xếp hạng, họ thấy nghi ngờ thì gửi lại câu hỏi để chất vấn, tại sao tỷ lệ tiến sĩ năm nay thế này, năm khác lại thế kia; số lượng sinh viên quốc tế đến học, giảng viên quốc tế đến giảng dạy... Ngoài ra, họ còn gửi phiếu khảo sát cho 10.000 nhà khoa học thế giới, ai biết đến Đại học Quốc gia Hà Nội thì bầu. Nếu họ thấy mạnh về khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội thì tích vào, không thấy mạnh thì không tích.

QS cũng gửi phiếu khảo sát cho hàng chục nghìn nhà tuyển dụng trên thế giới để xem sinh viên của trường đó ra trường làm việc có tốt không? Như vậy chỉ sinh viên trường nào ra làm việc ở quốc tế nhiều thì người ta mới biết. 

Tôi cho rằng để tạo thương hiệu quốc gia thì nên hướng đến bảng xếp hạng toàn cầu, còn tự mình xếp với nhau không có nhiều ý nghĩa. Nếu Việt Nam có làm thì nên đi theo hướng tích hợp giữa xếp hạng và kiểm định. Nghĩa là xây dựng bộ thông số định chuẩn thì hữu ích hơn nhiều.

- Theo ông vì sao các trường đại học Việt Nam vắng bóng trên bảng xếp hạng thế giới?

- Bảng xếp hạng QS có Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội. Đại học FPT, Nguyễn Tất Thành thì đi theo hướng gắn sao - một dạng của thông số định chuẩn.

Việc Việt Nam chưa có nhiều trường có tên trên bảng xếp hạng quốc tế, lý do đơn giản là hầu hết bảng xếp hạng thế giới khi tính toán phải dựa trên chỉ số có thể lượng hóa dễ dàng. Một trong các chỉ số đó là số bài báo khoa học, cái này phải dựa trên nguồn thông tin khách quan (ví dụ của Thomson Reuters mà các tổ chức xếp hạng tin tưởng). Các chỉ số hầu hết thiên về nghiên cứu, mà các trường đại học Việt Nam lại yếu mặt này. 

Để cải thiện thì đầu tiên các trường phải nghiên cứu chỉ số của trường ở top mình định hướng đến. Ví dụ hướng đến top 300 thế giới thì phải nghiên cứu chỉ số thực của các trường trong nhóm này. Lấy đó để soi định vị mình, thiếu gì thì đầu tư, đặt lộ trình để đạt được. Khi mình đầu tư, các trường khác cũng làm vậy, nên nếu mình không đầu tư đủ mạnh, đủ nhanh thì lúc mình đầu tư xong họ đã tiến trước một bước. 

- Nếu một tổ chức độc lập nào đó muốn làm bộ tiêu chí đánh giá thì cần những gì để tiệm cận với quốc tế?

- Hiện có hai bộ chỉ số tương đối toàn diện là của hai tổ chức QS và THE. Họ đánh giá cả chỉ số liên quan đến nghiên cứu, đào tạo, quốc tế hóa, uy tín về mặt khoa học, chất lượng đào tạo. Họ không lấy nhiều nhưng có cái cực kỳ công phu là khảo sát chất lượng đào tạo thông qua đánh giá của người sử dụng từ nhóm cơ sở dữ liệu khách quan.

Một nhóm nữa mà các trường không can thiệp được là nghiên cứu được công bố trong nước và quốc tế. Hiện Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu tương tự Thomson Reuters, tức là tích hợp tất cả bài công bố của Việt Nam vào một cơ sở dữ liệu. Nếu có cái đó rồi thì việc xếp hạng ở Việt Nam sẽ thuận lợi hơn.

Nguồn dữ liệu nữa là nhà trường cung cấp, nhưng phải có nhiều cơ chế và biện pháp để kiểm tra dữ liệu đó. Ví dụ họ có những cách xem dữ liệu có được làm giả không, nó dựa trên sự biến động, quy mô của kiểu trường ấy. Khi muốn làm đẹp dữ liệu thì lập tức sẽ bị nghi ngờ và yêu cầu giải trình.

Nhóm thứ tư là thực hiện trên cơ sở khảo sát xã hội, điều tra xã hội học. Làm sao lấy ý kiến của các bên, đặc biệt là ý kiến của người sử dụng lao động và cộng đồng khoa học để học đánh giá.

Cuối cùng là uy tín của trường đại học dưới nhãn quan của xã hội. Thực ra chất lượng nghiên cứu dựa trên một số chỉ số khách quan nhưng cũng cần đánh giá của xã hội.

>>Xếp hạng 49 đại học Việt Nam

Theo Hoàng Thùy - Baos VnExpress

Our website is protected by DMC Firewall!