TIN TỨC & SỰ KIỆN

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, vấn đề tự chủ trong GDĐH được đề cập đến nhiều hơn thông qua việc xây dựng chính sách và áp dụng thí điểm. Việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế và chuyên môn của các nền giáo dục có chất lượng cao sẽ giúp thực hiện mô hình tự chủ ĐH diễn ra một cách hiệu quả, bài bản và thể hiện rõ được lợi ích của việc tự chủ ĐH.

Đảm bảo chương trình đào tạo tốt nhất

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn vận hành tự chủ ĐH, TS David Blaney, Giám đốc điều hành Hội đồng tài trợ GDĐH xứ Wales (HEFCW) cho biết: Sứ mệnh của HEFCW là cung cấp nguồn tài chính cho các trường ĐH, và kinh phí nhận được từ chính phủ hàng năm ngày càng giảm đi, chính vì vậy chúng tôi cần phải có một số quy định trong thẩm quyền của mình nhằm ngăn chặn các trường ĐH không thu học phí quá cao.

Với những SV học tập bán thời gian, các trường có thể tính học phí theo khả năng của họ. Nhưng với những SV có chương trình học tập toàn thời gian, nếu như thu học phí quá cao, SS sẽ không tham gia được, vì vậy cần phải có sự cân bằng cả về cơ chế quản lý, cũng như cơ chế thị trường.

HEFCW có trách nhiệm đảm bảo chất lượng GDĐH tại Vương quốc Anh thông qua sự phối hợp với các ngành, các trường để đảm bảo chương trình GD được thực thi một cách tốt nhất, mà không có sự thanh tra kiểm tra đối với các trường.

Nguồn ngân sách cho các trường là nguồn đến từ chính phủ xứ Wales, tức là đến từ những người đóng thuế, chính vì vậy, HEFCW khuyến khích các trường chi tiêu một cách thông minh và phù hợp. Đồng thời tập trung vào việc đánh giá các trường ĐH có quan hệ tốt với doanh nghiệp hay không. Bởi doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo chương trình đào tạo sát với thực tế nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Cũng theo TS David Blaney, sự kỳ vọng về kết quả của hệ thống GDĐH ở xứ Wales cũng có nhiều tương đồng so với các trường ĐH ở Việt Nam. Các trường có thể cung cấp cho SV những kỹ năng phù hợp. Với sứ mệnh cấp ngân sách nhưng quan trọng hơn, HEFCW tạo ảnh hưởng đối với các trường ĐH thông qua trao đổi, chia sẻ và khuyến khích các trường ĐH thực thi nhiệm vụ của mình tốt hơn.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với hội SV, coi trọng tiếng nói của các em, vì GD là cho SV và các nhà tuyển dụng. Đại diện tiếng nói chung của các trường ĐH với chính phủ; có các quy chế đánh giá, đảm bảo chất lượng SV của các trường ĐH đúng như cam kết; hỗ trợ các SV khó khăn, giúp các em có thể được hưởng những ưu đãi để duy trì học tập trong trường ĐH.

Thiết lập mô hình tự chủ phù hợp

GS. VS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm đề tài Nghiên cứu cấp nhà nước về tự chủ ĐH cho biết: Việt Nam rất quan tâm đến các kinh nghiệm quý báu của quốc tế, các nước phát triển và quan tâm đến các nghiên cứu, so sánh các mô hình tự chủ ĐH, tìm kiếm những mô hình phù hợp với thực tiễn của Việt Nam trong công cuộc đổi mới GD - ĐT hiện nay, trong đó có các trường ĐH của Vương quốc Anh.

Cụ thể, Việt Nam mong muốn được học tập những nội dung như: Các tiêu chuẩn thực thi tối thiểu đối với các trường ĐH; Khung pháp lý đối với công tác quản trị ĐH; Cơ chế cấp vốn cho các cơ sở GDĐH; Hệ thống đánh giá chất lượng giảng dạy. Học hỏi kinh nghiệm của Vương quốc Anh trong việc phân loại các trường ĐH, trong đó có phân loại các trường theo hướng các trường ĐH nghiên cứu, ĐH thực hành theo các sứ mệnh khác nhau của các trường ĐH; tìm hiểu một trường ĐH tự chủ cần được vận hành như thế nào trong hoạt động tuyển sinh, chương trình đào tạo, học phí, tài chính, nghiên cứu, hợp tác quốc tế...

Đặt mục tiêu nghiên cứu và thiết lập cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất mô hình tự chủ và kiến nghị các chính sách, giải pháp hợp lý, khả thi nhằm tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các trường ĐH ở Việt Nam.

Đối thoại chính sách GD và chia sẻ kinh nghiệm của Vương quốc Anh là một phần cam kết của Hội đồng Anh trong việc hỗ trợ Bộ GD&ĐT Việt Nam thực hiện Chương trình Đổi mới GDĐH (HERA) tại Việt Nam.

Ông Danny Whitehead, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam nhấn mạnh: “Hợp tác GDĐH là một trong những công cụ hữu hiệu mà chúng tôi sử dụng để thực hiện công cuộc kiến tạo hiểu biết và chia sẻ tri thức thân thiện giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Chúng tôi rất vui mừng hỗ trợ các trường ĐH Việt Nam trong quá trình nghiên cứu các hướng thực hiện và tìm kiếm mô hình tự chủ phù hợp, qua đó khẳng định vai trò quan trọng của GDĐH trong việc đào tạo những thế hệ lãnh đạo tương lai của Việt Nam...”.

Được thành lập dựa trên 3 cơ sở pháp lý chính: Đạo luật giáo dục bổ túc và GDĐH 1992; Đạo luật giáo dục 2005 và Đạo luật GDĐH (xứ Wales) 2015, HEFCW là một tổ chức được chính phủ xứ Wales tài trợ, có Hội đồng độc lập gồm 12 thành viên Bộ trưởng bổ nhiệm, bao gồm Tổng Giám đốc; Mỗi năm chính phủ có một thư chỉ thị về hoạt động của HEFCW nhằm giám sát việc tuân thủ các quy định về việc chi tiêu công quỹ tại các trường ĐH. HEFCW chịu trách nhiệm kiểm tra của các cơ quan thanh tra, kiểm toán. Tại Vương quốc Anh, Scotland hoặc một số nước phát triển khác cũng có những cơ quan tương tự như HEFCW.

 

Theo Anh Quang - Báo Giáo dục & Thời đại

Our website is protected by DMC Firewall!