TIN TỨC & SỰ KIỆN

Thông tin Việt Nam nằm trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu đang gây chú ý.

Tại buổi toạ đàm "Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số" do Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng Quốc hội tổ chức tại Trường ĐH Sài Gòn chiều ngày 2/5, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội thông tin, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Trước đó, thông tin "hệ thống giáo dục Việt Nam nằm ở hàng đầu thế giới" xuất hiện trên mạng cũng đang gây chú ý. Và cũng như các đại biểu trong buổi tọa đàm, khá nhiều người "khó hiểu" với kết quả này.

Theo tìm hiểu của VietNamNet, báo cáo được nói ở trên được lấy từ một đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) có tên Báo cáo Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương công bố hồi tháng 3/2018.

Mở đầu thông cáo báo chí về sự kiện này là những dòng "7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam". Những phân tích và diễn giải của WB tham khảo từ các kết quả từ chương trình đánh giá quốc tế đã được chuẩn hóa (mà tiêu biểu là PISA).

Báo cáo dẫn số liệu khoảng 331 triệu trẻ em ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang ở độ tuổi đến trường, chiếm khoảng 1/4 thế giới. 40% trong số này đang theo học trong các trường thuộc các hệ thống giáo dục có thành tích học tập cao hơn mức trung bình của OECD, gồm cả các nước có thu nhập trung bình như Trung Quốc và Việt Nam.

Báo cáo cũng nhấn mạnh, kết quả học tập của học sinh không nhất thiết phải tỉ lệ thuận với mức thu nhập của quốc gia đó. Ví dụ, ở độ tuổi lên 10, một học sinh Việt Nam trung bình có thành tích học tập tốt hơn hầu hết các học sinh tốp đầu của Ấn Độ, Peru và Ethiopia...

Cụ thể, hệ thống giáo dục của các quốc gia  Đông Á - Thái Bình Dương được chia làm 4 nhóm như hình dưới đây:


Nguồn: WB


Theo phân loại trên, điểm số của các hệ thống giáo dục hàng đầu luôn cao hơn điểm trung bình của các nước thành viên OECD hơn một nửa độ lệch chuẩn (tương đương 1,6 năm học); Điểm số của các hệ thống giáo dục trên mức trung bình luôn cao hơn điểm trung bình của các nước thành viên OECD gần một nửa độ lệch chuẩn; Điểm số của hệ thống giáo dục dưới mức trung bình luôn thấp hơn điểm trung bình của OECD ít nhất một nửa độ lệch chuẩn;

Các hệ thống giáo dục biệt lập không thường xuyên tham gia các cuộc khảo thí tương đương đã được chuẩn hóa toàn cầu, tuy nhiên bằng chứng từ các nguồn khác cho thấy kết quả học tập rất khiêm tốn.

Báo cáo của WB cho biết, các nền kinh tế có điểm số cao nhất thuộc các quốc gia có thu nhập trung bình hoặc thu nhập cao. Tuy nhiên, các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình cũng đạt kết quả tốt. Điểm trung bình của Việt Nam và 4 thành phố lớn của Trung Quốc (Bắc Kinh - Thượng Hải - Giang Tô - Quảng Đông, gọi tắt là Trung Quốc) đều vượt các nước thành viên OECD.

Theo WB, thành tích ở Việt Nam và Trung Quốc được đánh giá là "đặc biệt đáng khích lệ" trong bối cảnh các quốc gia/ khu vực này có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn và thiếu nguồn lực cho giáo dục so với các nước khác.

 
Cũng báo cáo này đưa ra những thông tin tích cực khác của giáo dục Việt Nam.

Chẳng hạn, nhận định điểm thành phần PISA cao phản bác lại quan điểm thường thấy về lối học thuộc lòng. Cụ thể là 3 điểm thành phần đo lường khả năng nhận biết và xác định vấn đề, thực hiện các phép toán, giải thích ý nghĩa và tầm quan trọng của các kết quả cho thấy họcsinh VN "có năng lực toàn diện và vượt trội trong môn toán để giải quyết các vấn đề phức tạp".

Một kết luận nữa mà WB nêu lên làsự khác biệt về kết quả học tập rõ ràng hơn sau khi trẻ vào tiểu học. Cụ thể, trẻ em VN khi bắt đầu vào tiểu học có các kỹ năng nhận thức và năng lực tương đương với trẻ đồng trang lứa ở 3 quốc gia đối sánh. Nhưng từ năm lớp 3, học sinh VN luôn vượt trội hơn so với các bạn đồng trang lứa ở nhóm có thu nhập thấp và trung bình trong lĩnh vực toán học ở các nước. Ở độ tuổi 10 và 12, một học sinh Việt Nam trung bình có thành tích học tập tốt hơn hầu hết các học sinh tốp đầu của Ethiopia, Ấn Độ và Peru.

Vậy giáo dục Việt Nam đang đứng ở mức nào?

Kể từ khi Việt Nam tham gia các chương trình đánh giá quốc tế đã được chuẩn hóa và đạt được kết quả cao, đã có nhiều tranh cãi về chỉ số xếp hạng này.

Được hỏi lại nhân những thắc mắc thực sự hệ thống giáo dục Việt Nam ở "top 10" nào, ông Trần Hồng Quân, nguyên Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT, nhìn nhận, giáo dục phổ thông của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu hơn trước (trong khi giáo dục đại học còn nhiều vấn đề). Tuy nhiên, kết quả xếp hạng PISA chưa phản ánh hết bản chất của giáo dục. Do vậy, không thể dựa vào bảng xếp hạng này để đánh giá hệ thống giáo dục. Có một ví dụ mà nhiều người thường lấy ra là học sinh Việt Nam khi bước ra nước ngoài ở giai đoạn đầu học tốt vì có kiến thức, nhưng càng lên cao thì càng yếu do thiếu kỹ năng cơ bản. 

Còn theo GS Nguyễn Đức Dân, không thể phủ nhận là nguồn lực học sinh, sinh viên Việt Nam có nhiều em giỏi, sáng tạo… Nhưng những vấn đề mang tính hệ thống, đường hướng thì còn bất cập.

GS Trần Ngọc Thêm nói rằng quả từ năm 1976, và sau Nghị quyết 29 năm 2013 cho thấy toàn ngành giáo dục đã đã có những cố gắng rất lớn; những đánh giá của WB như báo cáo là thực tế không thể phủ nhận," nhưng đây chỉ là một khía cạnh của bức tranh giáo dục.

Bên cạnh những việc đã làm được, còn những mảng tối, đòi hỏi phải cùng nhau bóc tách để tìm giải pháp như các đề án "nghìn tỷ" có nhiều điều tiếng thời gian qua. Giải pháp không thể cứ rút kinh nghiệm, xin thêm kinh phí, hay kéo dài thời hạn. Theo ông, từ năm 1976 đến nay chúng ta đã cải cách quá nhiều lần. Nếu làm tốt, sao cứ phải làm lại mãi?

Theo  Ngân Anh - Lê Huyền - Báo VietnamNet

Our website is protected by DMC Firewall!