TIN TỨC & SỰ KIỆN

Trong bảng xếp hạng THE năm nay trên toàn thế giới chỉ có 77 quốc gia có trường đại học trong tốp 1000. Việt Nam góp mặt 2 trường nên về phương diện quốc gia, cũng có thể đánh giá được rằng: chất lượng hệ thống đại học Việt Nam xếp hạng vào khoảng 68/196 các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đó là nhận định của GS Nguyễn Hữu Đức – Tổ trưởng Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2021, nguyên Phó giám đốc ĐHQGHN qua phân tích kết quả xếp hạng đại học thế giới của Time Higher Education (THE) năm nay.


Thứ hạng các trường ĐH của Việt Nam trong Bảng xếp hạng THE thế giới

Đại học Việt Nam đã có tên trong cả 3 bảng xếp hạng uy tín nhất của thế giới

Phóng viên: Thưa GS, là người đặt nền móng và luôn cổ súy cho xếp hạng đại học, ông đánh giá thế nào về sự kiện Việt Nam vừa có đại diện lần đầu tiên lọt vào top 1000 thế giới trong bảng xếp hạng của Times Higher Education (THE)?

GS Nguyễn Hữu Đức: Rất vui và cả nhiều cảm xúc nữa. Cuối cùng thì sự kiên định với nghiên cứu và hội nhập của một số cơ sở giáo dục đại học cũng đã đưa giáo dục đại học Việt Nam lên bản đồ thế giới.

Mới năm ngoái, tại hội thảo “Nâng cao chất lượng và uy tín các trường đại học Việt Nam” do ĐHQGHN và Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức, tôi có phân tích và dự đoán là đến năm 2020 Việt Nam chúng ta sẽ có ít nhất 2 cơ sở giáo dục đại học lọt vào tốp 1000 các đại học xuất sắc của thế giới.

Nhưng đến 6/2018, hai Đại học quốc gia đã có tên trong top 1000 thế giới của bảng xếp hạng QS. Năm nay, đến lượt Trường ĐH Tôn Đức Thắng được xếp hạng trong tốp 1000 của bảng xếp hạng Giao thông Thượng Hải và vừa đây Việt Nam có tên 3 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng THE, trong đó ĐHQGHN và ĐH Bách Khoa Hà Nội thuộc tốp 1000.

Vậy là đại học Việt Nam đã có tên trong cả 3 bảng xếp hạng phổ biến và uy tín nhất của thế giới. Nên nhớ rằng, trong bảng xếp hạng THE năm nay trên toàn thế giới chỉ có 77 quốc gia có trường đại học trong tốp 1000.

Việt Nam chúng ta góp mặt 2 trường nên về phương diện quốc gia, cũng có thể đánh giá được rằng: chất lượng hệ thống đại học nước ta xếp hạng vào khoảng 68/196 các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với một đầu tư cho giáo dục chỉ ở mức 0,34% GDP thì kết quả đạt được như vậy là quá ngạc nhiên đối với các học giả nước ngoài.

Phóng viên: Theo GS, các yếu tố quan trọng nào làm nên sự gia tăng chỉ số xếp hạng này?

GS Nguyễn Hữu Đức: Đúng như mọi người đã nói nhiều đến vai trò của hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong những năm qua, với sự hỗ trợ của Quỹ Nafosted và việc hình thành văn hóa công bố quốc tế, số lượng các bài báo xuất bản trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI và Scopus của Việt Nam đã tăng lên rất mạnh.

Số liệu trên hệ thống VCgate của ĐHQGHN cho thấy trong giai đoạn 5 năm (2014-2019), tổng số bài báo ISI và Scopus của cả nước đã tăng lên hơn 2 lần (năm 2014 – 4.332 bài, năm 2015 – 5.003 bài, năm 2016 – 6.461, năm 2017 – 7.127 và 2018 – gần cán mốc 10.000 bài), trong đó các trường đại học đóng góp xấp xỉ 70%.

Cộng thêm đó, chất lượng và tầm ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu cũng tăng lên, đóng góp tốt vào chỉ số xếp hạng, nhất là chỉ số trích dẫn.

Bên cạnh việc gia tăng năng suất và chất lượng nghiên cứu, những năm gần đây các số liệu khảo sát đối với các nhà tuyển dụng và các học giả trong nước và trên thế giới cũng cho thấy uy tín của các trường đại học Việt Nam đã được cải thiện.

Như vậy là giáo dục đại học Việt Nam cũng đã được cộng đồng trong nước chia sẻ nhiều hơn và các nhà khoa học nước ngoài đánh giá cao hơn. Đây là các chỉ số có tính chủ quan, nhưng tôi cho đây là chỉ số đánh giá quan trọng, thể hiện giá trị lan tỏa và sự thừa nhận của cộng đồng.

Tôi tin các bảng xếp hạng kiểu này hơn vì lý do này. Một số trường đại học trẻ và các nhà khoa học trẻ của ta thường vẫn cổ súy cho các bảng xếp hạng chỉ thiên về số liệu và đơn thuần là năng suất. Chưa ổn đâu, các bạn đó, các trường đó mới đạt được về lượng mà thôi, còn cần phải nỗ lực rất nhiều để lượng chuyển thành chất, để được cộng đồng suy tôn qua các phương tiện khảo sát.

 
GS Nguyễn Hữu Đức

Đại học cần thúc đẩy “vốn hóa tri thức”

Phóng viên: Ngoài các hoạt động mang tính hàn lâm trên, các hoạt động thực tiễn của trường đại học được tính như thế nào trong các bảng xếp hạng thưa GS?

GS Nguyễn Hữu Đức: Theo tôi, các hoạt động thực tiễn của trường đại học đang ngày càng được quan tâm. Đại học cần phải hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động chuyển giao tri thức (tư vấn chính sách, sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo).

Trong bảng xếp hạng THE, hoạt động này được đo thông qua kinh phí nghiên cứu doanh nghiệp tài trợ cho trường đại học (tính trung bình trên giảng viên).

Việt Nam chúng ta chỉ có số liệu bằng tiền đồng. Nhưng qua tính toán và chuẩn hóa chung của bảng xếp hạng, điểm nhận được cho chỉ số này của các trường đại học cũng đã tiếp cận với nhóm trung bình (gần 50/100 điểm cho chỉ số).

Tất nhiên là chúng ta vẫn còn phải cố gắng, trong quá trình tự chủ, chúng ta cần thúc đẩy “vốn hóa tri thức” nhiều hơn, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nhiều hơn, nhưng qua đối sánh này, một số quan điểm đòi hỏi quá khắt khe và thiếu cơ sở đối với đại học Việt Nam cũng nên thay đổi.

Chúng ta cũng nên đặt kỳ vọng phù hợp với đặc trưng, thế mạnh và tương quan chung của đại học khu vực và thế giới.

Mục tiêu và sản phẩm tối thượng phải là kỹ năng và việc làm của sinh viên

Phóng viên: Thưa GS, bên cạnh những ưu điểm của bảng xếp hạng THE và các các bảng xếp hạng đại học nói chung, người ta vẫn nói cuộc chơi này chỉ cho các trường đại học nhà giàu. Quan điểm của GS như thế nào?

GS Nguyễn Hữu Đức: Xếp hạng (ranking) là như vậy. Họ chỉ đủ sức xếp hạng cho top 1000 hàng đầu. Nhưng nói họ chỉ quan tâm đến nghiên cứu… là chỉ đúng một phần. Một trường đại học, dù theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng ứng dụng thì bên cạnh các bài báo khoa học, mục tiêu và sản phẩm tối thượng phải là kỹ năng và việc làm của sinh viên.

Nếu chúng ta thực hiện mục tiêu này tốt, chúng ta làm hài lòng các nhà tuyển dụng, chỉ số xếp hạng của chúng ta vẫn sẽ rất cao. Tôi cũng có làm một số phân tích, so sánh với các trường đại học hàng đầu của các quốc gia trong khu vực ASEAN.


GS Nguyễn Hữu Đức: "Các trường đại học định hướng ứng dụng cũng không quá bi quan, nếu nghiên cứu ứng dụng tốt, có kinh phí hỗ trợ của doanh nghiệp nhiều, sinh viên ra trường có việc làm và thu nhập cao thì chẳng có bảng xếp hạng nào từ chối tên của họ".

Chỉ số nghiên cứu của một số nước cũng chẳng hơn gì ta, nhưng họ nhận được sự hài lòng của cộng đồng các nhà tuyển dụng rất cao, nên tổng thể xếp hạng của họ khá hơn.

Nói như vậy để các trường đại học định hướng ứng dụng cũng không quá bi quan, nếu nghiên cứu ứng dụng tốt, có kinh phí hỗ trợ của doanh nghiệp nhiều, sinh viên ra trường có việc làm và thu nhập cao thì chẳng có bảng xếp hạng nào từ chối tên của họ.

Cho nên, về lâu dài và bền vững chúng ta nên quan tâm và thực hiện thật đầy đủ các chức năng của trường đại học, làm thật tốt hoạt động đánh giá kiểm định chất lượng và phân nhóm (rating) các trường đại học thì mới có sự đối sánh toàn diện hơn.

Phóng viên: Để đại học Việt Nam triển khai đồng bộ, bài bản và chuyên nghiệp trong các bảng xếp hạng thế giới, theo GS giải pháp nào cho các trường?

GS Nguyễn Hữu Đức: Trước hết, các trường và nhiều chuyên gia cũng cần xem xét và hiểu hết ý nghĩa có tính bản chất đằng sau các chỉ số xếp hạng.

Liên hệ các thông tin nhận được từ xếp hạng đại học với khoa học giáo dục, với quản trị đại học, chúng ta sẽ thấy đấy là một hệ thống chỉ số khá logic, làm tốt quản trị đại học sẽ có xếp hạng tốt và bám sát các chỉ số xếp hạng, coi đó là các sản phẩm đầu ra, các chỉ số KPI cơ bản thì chúng ta sẽ vận hành một đại học có kết quả.

Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 69/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại họcgiai đoạn 2019-2025”, trong đó đã chỉ rõ:

Nhà nước giữ vai trò kiến tạo và hỗ trợ thông qua việc xây dựng chính sách, tạo môi trường thuận lợi để phát triển giáo dục đại học; Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học; Chủ động hội nhập quốc tế giáo dục đại học.

Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học và người sử dụng lao động trong toàn bộ quá trình đào tạo. Nếu tất cả các bên liên quan đều cùng cam kết thực hiện các nội dung nêu trên thì chắc chắn đại học Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển.

Trong khuôn khổ Chương trình Khoa học Giáo dục, chúng tôi đã xây dựng Cổng thông tin điện tử đối sánh chất lượng đại học Việt Nam (University Performance Metrics) tại http://upm.vn/.

Phần mềm này có thể hỗ trợ các trường đại học Việt Nam xác định các chỉ số, chỉ tiêu phát triển của một đại học trong bối cảnh đó. Từng bước quản trị, đối sánh các chỉ số này và đầu tư hợp lý, các trường đại học sẽ tiếp cận chất lượng và uy tín trong nước và quốc tế.

Xin trân trọng cám ơn GS!

Theo Nhật Hồng - Báo Dân trí

DMC Firewall is developed by Dean Marshall Consultancy Ltd