TIN TỨC & SỰ KIỆN

Ngày 17/4, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chủ trì Hội nghị “Đào tạo trực tuyến của giáo dục đại học trong đại dịch Covid-19”. Hội nghị được kết nối tới hơn 300 điểm cầu gồm các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH), nhà cung cấp công nghệ, dịch vụ hạ tầng kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam và thế giới.

 Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị “Đào tạo trực tuyến của giáo dục đại học trong đại dịch Covid-19” với hơn 300 điểm cầu 

Khi giải pháp tình thế trở thành xu thế

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, ứng dụng CNTT nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời là xu thế của giáo dục thế giới. Tại Việt Nam, việc triển khai đào tạo từ xa theo phương thức đào tạo trực tuyến trong hệ thống GDĐH đã có chủ trương, kế hoạch và lộ trình từ trước.

Trước đây, một số trường đại học đã chủ động triển khai đào tạo trực tuyến kết hợp với đào tạo tập trung truyền thống. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến 192 quốc gia và vùng lãnh thổ đã phải đóng cửa trường học, trong đó có Việt Nam. Lúc này, vai trò của đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến để “không thể dừng việc học” được nhìn nhận rõ ràng hơn bao giờ hết. “Giai đoạn khó khăn là thời cơ cho chúng ta chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục và GDĐH đi đầu thực hiện nhiệm vụ này” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định.

Theo số liệu báo cáo của PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH, đến nay, khoảng 110/240 cơ sở giáo dục đại học đã triển khai đào tạo trực tuyến, với các cấp độ  khác nhau. Do đặc thù, nhiều trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật chưa tổ chức đào tạo trực tuyến và 33 trường thuộc nhóm quốc phòng - an ninh đang đào tạo tập trung.

Một số trường gặp khó khăn do chưa kịp chuẩn bị, nhưng đa số cơ sở GDĐH đang dần dịch chuyển từ thế bị động ban đầu sang thế chủ động và tính đến những kịch bản lâu dài hơn. Qua giai đoạn thử thách này, các cơ sở đào tạo được nâng cao nhận thức về đào tạo trực tuyến và tái cấu trúc đội ngũ cán bộ giảng viên. Đây cũng là cơ hội để GDĐH tăng cường hợp tác với tập đoàn, doanh nghiệp ICT quốc gia, đa quốc gia.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GDĐT cho biết, đến nay có 11 tập đoàn ICT đã tham gia hỗ trợ ngành giáo dục triển khai đào tạo trực tuyến. Với lợi thế về hạ tầng công nghệ, các doanh nghiệp đã, đang và sẽ đồng hành tháo gỡ khó khăn về hạ tầng, giải pháp phần mềm và cước truy cập Internet.

Ngay trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã nhanh chóng tổ chức đào tạo trực tuyến, cung cấp toàn bộ bài giảng giáo trình của trường dưới dạng học liệu số. TS. Lê Việt Thủy - Giám đốc Trung tâm ứng dụng CNTT, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, những hỗ trợ từ các doanh nghiệp vào giai đoạn hiện nay cần được tích hợp với hệ thống đang được triển khai và giảm chi phí cho những những phần mềm đã sử dụng”.

Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Hoàng Minh Sơn chia sẻ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cá nhân hóa trong đào tạo trực tuyến. “Bộ GDĐT nên hợp tác với Bộ TTTT để có kế hoạch chuyển đổi số thực sự. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẵn sàng đi đầu trong công cuộc này” -  PGS TS Hoàng Minh Sơn đề xuất.

Để hợp tác giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp ICT đạt hiệu quả, đại diện Đại học Quốc gia TP HCM đề xuất cần cụ thể hóa những cam kết của doanh nghiệp ICT thành các gói sản phẩm cụ thể, hỗ trợ tối đa các trường tùy đặc thù từng đơn vị. GS Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP HCM thì cho rằng, các doanh nghiệp cung cấp gói dịch vụ cloud nên giảm giá khoảng 40-50% cho các trường.

Mong muốn xây dựng kho học liệu mở

PGS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ GDĐH cho rằng, muốn chuyển đổi số, các trường phải cùng phát triển học liệu điện tử và học liệu, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến. Tài nguyên mở sẽ được phân phối trên mạng thông tin, giúp mọi đối tượng tiếp cận tri thức. Có kho học liệu mở thì dù ở đâu, thời gian nào, có bị cách ly xã hội như hiện nay hay không, việc học tập cũng không bị “cách ly” với xu hướng phát triển của thế giới.

Theo TS Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, có 3 yếu tố chính trong đào tạo trực tuyến, trong đó nhân lực phát triển học liệu là hết sức quan trọng. Vì vậy, cần hợp tác mạnh mẽ hơn giữa các trường trong xây dựng học liệu điện tử, khóa học.  PGS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP HCM cũng cho rằng, để có mô hình đào tạo trực tuyến hoàn toàn cần chương trình hoàn chỉnh, kho học liệu sẵn sàng và áp dụng phương pháp sư phạm phù hợp với đào tạo trực tuyến.

Kho học liệu mở cũng được đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin tại Hội nghị khi chia sẻ về Đề án Hệ tri thức Việt số hóa do Chính phủ phê duyệt năm 2017. Đề án đã tập hợp 300 nhà khoa học, chủ yếu đến từ các trường đại học, cùng làm việc trực tuyến trong dịch bệnh Covid-19 để phân tích thông tin, đưa ra mô hình nguy cơ, cung cấp dữ liệu, hỗ trợ quá trình ra quyết định của Chính phủ.

Thực tế hiện nay, nhiều trường đại học hàng đầu thế giới đã mở kho học liệu hoặc một phần kho học liệu điện tử để bất kỳ ai cũng có thể sử dụng. Tại Việt Nam, nếu các cơ sở GDĐH sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, tài nguyên, cùng xây dựng kho học liệu mở thì đây sẽ là kho học liệu điện tử lớn nhất trong lịch sử đất nước.

PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tin tưởng, sự chia sẻ tài nguyên của các trường đại học sẽ thực hiện được, từ đó hình thành chuỗi giá trị chung. “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ mô hình học tập trực tuyến của trường” - GS.TS Lê Anh Phương, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế khẳng định.

Bộ GDĐT nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý

Thách thức, hạn chế trong đào tạo trực tuyến xoay quanh hạ tầng công nghệ; quy trình, kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo; kỹ năng dạy học trên môi trường mạng của giảng viên, sinh viên. Bên cạnh đó, giảng viên, sinh viên có thể đối diện với một số rủi ro về an toàn, an ninh thông tin cùng những nguy cơ tiềm ẩn từ Internet và mạng xã hội.

Trong thời gian tới, Bộ GDĐT tiếp tục ban hành những văn bản để hoàn thiện hành lang pháp lý cho đào tạo trực tuyến. Trong đó, xem xét đưa phương thức đào tạo trực tuyến vào quy chế đào tạo đại học sửa đổi với tỷ lệ phần trăm thích hợp. Bộ cũng sẽ sớm ban hành quy chế bảo đảm chất lượng các chương trình đào tạo từ xa và xây dựng đề án phát triển đào tạo từ xa cho giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy kết nối để GDĐH và doanh nghiệp hợp tác tốt hơn trong tương lai.

“Về phía các cơ sở GDĐH, cần xác định rõ mục tiêu, nhu cầu, khả năng, từ đó chủ động hợp tác với doanh nghiệp và đầu tư hợp lý cho đào tạo trực tuyến. Lãnh đạo các trường nhân cơ hội này huy động cả bộ máy đồng lòng, đồng sức, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, thực chất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong giáo dục” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc yêu cầu.

Đánh giá cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp ICT thực hiện cam kết trong thời gian nhanh nhất. Theo Thứ trưởng, cơ hội thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục mở ra cơ hội đầu tư rất lớn cho doanh nghiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc giao Cục CNTT phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông giám sát quá trình thực hiện cam kết của doanh nghiệp ICT. Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ sở GDĐH và doanh nghiệp kịp thời báo cáo những vướng mắc để hai Bộ có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ.

Theo Trung tâm Truyền thông Giáo dục

DMC Firewall is developed by Dean Marshall Consultancy Ltd