TIN TỨC & SỰ KIỆN

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học tại các cơ sở đào tạo, giảm bớt những thủ tục hành chính quy định tại Thông tư 08/ 2011/TT-BGDĐT ngày 17/2/2011 và phù hợp với các quy định hiện hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 22/ 2017/TT-BGDĐT ngày 6/9/2017 với những điểm mới.

1. Quy định các điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học chặt chẽ hơn và yêu cầu cao hơn so với Thông tư 08/ 2011/TT-BGDĐT ngày 17/2/2011

1.1. Ngành đào tạo:

Ngành đăng ký đào tạo phải phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học; phù hợp với yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, miền và cả nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ sở đào tạo. Việc mở ngành đào tạo đã được xác định trong phương hướng, kế hoạch phát triển của cơ sở đào tạo, được Hội đồng đại học, Hội đồng trường, Hội đồng quản trị quyết nghị thông qua.

1.2. Đội ngũ giảng viên cơ hữu bảo đảm về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu để tổ chức đào tạo:

- Các ngành nói chung, không phải là các ngành đặc thù đã nêu ở điểm b, c, d khoản 2 Điều 2 của Thông tư thì phải có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó có ít nhất 01 tiến sĩ và 04 thạc sĩ, hoặc 02 tiến sĩ và 02 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo.

- Đối với những ngành thuộc nhóm ngành ngôn ngữ và văn hoá nước ngoài (trừ các ngôn ngữ Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc) phải có ít nhất 06 giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ trở lên cùng ngành hoặc ngành gần với ngành đăng ký đào tạo, trong đó có 01tiến sĩ và 03 thạc sĩ, hoặc 02 tiến sĩ và 01thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo.

- Đối với một số ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe:

Giảng viên và người hướng dẫn thực hành các môn học, học phần liên quan đến khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Ngành Y đa khoa: mỗi môn học phải có ít nhất 01 giảng viên cơ hữu, trong đó có ít nhất 9 tiến sĩ; Ngành Y học cổ truyền: mỗi môn học phải có ít nhất 01 giảng viên cơ hữu, trong đó có ít nhất 6 tiến sĩ; Ngành Răng - Hàm - Mặt, Ngành Y học dự phòng: mỗi môn học phải có ít nhất 01 giảng viên cơ hữu và trong đó có ít nhất 7 tiến sĩ; Ngành Dược học: mỗi môn học phải có ít nhất 01giảng viên cơ hữu và trong đó có ít nhất 5 tiến sĩ.

- Đối với ngành đăng ký đào tạo thuộc nhóm ngành Nghệ thuật phải có ít nhất 10 giảng viên cơ hữu cùng ngành hoặc ngành gần, trong đó phải có 01 tiến sĩ và 03 thạc sĩ cùng ngành đăng ký đào tạo. Những ngành chưa đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam, có thể thay tiến sĩ bằng Nghệ sĩ Nhân dân và thay thạc sĩ bằng Nghệ sĩ Ưu tú.

- Giảng viên cơ hữu giảng dạy ít nhất 70% khối lượng chương trình đào tạo; khối lượng kiến thức còn lại do giảng viên thỉnh giảng đã được ký kết hợp đồng thỉnh giảng với cơ sở đào tạo thực hiện. Các giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng đều phải có bằng cấp phù hợp với nội dung các học phần được phân công giảng dạy.

Đối với cơ sở đào tạo ngoài công lập, phải có tối thiểu 40% giảng viên cơ hữu giảng dạy ngành đăng ký đào tạo trong độ tuổi lao động.

Trường hợp triển khai đào tạo tại phân hiệu cách xa trụ sở chính hoặc không thuận lợi về phương tiện đi lại (giảng viên không thể thường xuyên đi về trong ngày để thực hiện giảng dạy) đối với ngành đào tạo đã được cho phép mở ngành đào tạo ở trụ sở chính thì  điều kiện về đội ngũ giảng viên cơ hữu thuộc phân hiệu phải đảm bảo tối thiểu bằng 40% so với quy định chung.

1.3. Cơ sở vật chất, thiết bị, thư viện, giáo trình đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập theo yêu cầu của ngành đăng ký đào tạo trình độ đại học; cụ thể:

Các cơ sở đào tạo phải có đủ phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, cơ sở sản xuất thử nghiệm với các trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của ngành đăng ký đào tạo và đảm bảo đủ theo danh mục trang thiết bị tối thiểu phục vụ công tác đào tạo ngành, nhóm ngành đã được quy định. Đối với một số ngành thuộc nhóm ngành sức khỏe, điều kiện về cơ sở thực hành ngoài cơ sở đào tạo được thực hiện theo các quy định hiện hành; quy định danh mục các phòng thực hành phải cótại cơ sở đào tạo đối với một số ngành đặc thù như Y đa khoa; Y học cổ truyền; Răng - Hàm - Mặt; Y học dự phòng; Dược học; Điều dưỡng.

Cơ sở đào tạo phải có thư viện, thư viện điện tử đảm bảo việc hỗ trợ giảng dạy, nghiên cứu, học tập của giảng viên và sinh viên. Trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo phải được cập nhật thường xuyên, công bố công khai cam kết chất lượng giáo dục và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục; công khai danh sách đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng, sinh viên trúng tuyển, tốt nghiệp và được cấp bằng hàng năm theo các khóa học, ngành học (trừ các ngành phải bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật); công khai mức thu học phí và chi phí đào tạo của cơ sở đào tạo; công khai chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo của tất cả các ngành đang tổ chức đào tạo.

1.4. Chương trình đào tạo:

Chương trình đào tạo của ngành đăng ký phải bảo đảm chuẩn kiến thức và kỹ năng của người học sau khi tốt nghiệp và đáp ứng yêu cầu liên thông giữa các trình độ và với các chương trình đào tạo khác; Chương trình đào tạo và đề cương chi tiết các học phần của ngành đăng ký đào tạo được xây dựng đảm bảo chuẩn đầu ra, phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam hiện hành; Chương trình đào tạo được thủ trưởng cơ sở đào tạo ban hành sau khi đã được hội đồng khoa học và đào tạo thông qua và sẽ thực hiện nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép mở ngành đào tạo.

2. Quy định về thẩm quyền quyết định cho phép mở ngành đào tạo theo hướng giao quyền tự chủ quyết định mở ngành cho các cơ sở đào tạo nhiều hơn theo Thông tư 08. Cụ thể:

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định cho phép mở ngành đào tạo khi cơ sở đào tạo bảo đảm các điều kiện quy định. Việc cho phép mở ngành đào tạo trong những trường hợp đặc biệt để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hoặc trong những lĩnh vực đào tạo đặc thù do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định.

Giám đốc đại học quốc gia được tự chủ quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học đối với các khoa trực thuộc, phân hiệu và các trường đại học thành viên. Thủ trưởng các cơ sở đào tạo đã được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn quốc gia hoặc được giao quyền tự chủ mở ngành đào tạo được tự chủ quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học. Giám đốc đại học vùng được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo uỷ quyền quyết định mở ngành đào tạo.

3. Về thẩm định chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo được giao cho cơ sở đào tạo tự tổ chức thực hiện. Cụ thể:

Sau khi xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế, cơ sở đào tạo thành lập Hội đồng thẩm định.

Ngoài tiêu chuẩn và cơ cấu Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo theo quy định hiện hành, thành viên Hội đồng thẩm định phải là số lẻ; các thành viên còn lại của Hội đồng thẩm định phải đến từ ít nhất 02 cơ sở đào tạo khác, có kinh nghiệm đào tạo với chương trình đào tạo được thẩm định, trong đó có ít nhất 01 giáo sư hoặc phó giáo sư.

Căn cứ vào dự thảo chương trình đào tạo và các quy định hiện hành, Hội đồng thẩm định tiến hành thẩm định và kết luận về chương trình đào tạo; đồng thời, căn cứ vào các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế của cơ sở đào tạo đã được xác nhận để đánh giá và kết luận cơ sở đào tạo có đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo theo quy định hiện hành hay không. Đối với những ngành có yêu cầu về máy móc, thiết bị thí nghiệm, thực hành, Hội đồng thẩm định kiểm tra điều kiện thực tế trước khi kết luận.

4. Quy định về việc đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo và thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học

Theo đó, cơ sở đào tạo bị đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo khi xảy ra một trong những trường hợp sau đây: Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại Điều 2 của Thông tư này; Tổ chức tuyển sinh và đào tạo ngoài địa điểm được phép tổ chức hoạt động đào tạo; Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt ở mức độ phải đình chỉ tuyển sinh; Không đáp ứng các điều kiện về mở ngành đào tạo theo Thông tư này đối với những ngành đã được mở theo Thông tư 08; Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Cơ sở đào tạo bị thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học khi để xảy ra một trong các trường hợp sau đây: Có hành vi gian lận để được mở ngành đào tạo trình độ đại học; Vi phạm nghiêm trọng quy định về tuyển sinh, quản lý, tổ chức đào tạo; Hết thời hạn đình chỉ tuyển sinh mà không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh; Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục bị xử phạt ở mức độ phải thu hồi quyết định mở ngành; Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

5. Quy định rõ trách nhiệm của cơ sở đào tạo, Hội đồng thẩm định và đơn vị có người được mời tham gia Hội đồng thẩm định.

Theo đó, thủ trưởng cơ sở đào tạo có trách nhiệm: Đảm bảo tính trung thực, chính xác của hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo trình độ đại học; Cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, minh chứng khi Hội đồng thẩm định hoặc các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; Chịu trách nhiệm về các điều kiện bảo đảm chất lượng cho hoạt động đào tạo trình độ đại học của cơ sở đào tạo; Thành lập Hội đồng thẩm định và tổ chức thẩm định chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định; Bố trí kinh phí và chi trả theo quy định hiện hành cho việc thực hiện kiểm tra, xác nhận điều kiện thực tế; thẩm định chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; Tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm nội bộ theo quy định của pháp luật và chịu sự kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng có thẩm quyền về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.

Chủ tịch và các thành viên Hội đồng thẩm định thực hiện thẩm định chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của các kết quả thẩm định; chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Đơn vị có giảng viên hoặc cán bộ khoa học được mời tham gia Hội đồng thẩm định phải tạo điều kiện cho giảng viên hoặc cán bộ khoa học đó tham gia Hội đồng thẩm định.

6. Quy định về việc thực hiện Thông tư

Đối với những ngành đào tạo đang triển khai thực hiện, trong thời hạn 02  năm, kể từ khi Thông tư này có hiệu lực, cơ sở đào tạo phải rà soát, bổ sung các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định tại Điều 2 của Thông tư này.

Sau 05 năm liên tiếp không tuyển sinh ngành đào tạo đã được cho phép, nếu muốn tuyển sinh và tổ chức đào tạo trở lại, cơ sở đào tạo phải đăng ký mở ngành đào tạo lại theo các quy định của Thông tư này.

Các ngành mới, sau 02 khoá tốt nghiệp, cơ sở đào tạo phải tổ chức đánh giá chương trình đào tạo, chất lượng và hiệu quả đào tạo, việc làm của người học sau khi đào tạo, ý kiến của người sử dụng lao động về chương trình đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực để làm cơ sở đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tiếp tục đào tạo và bổ sung tên ngành mới vào Danh mục đào tạo.

 
Theo Vụ Giáo dục Đại học

 

Xem chi tiết thông tư tại đây: Thông tư/Phụ lục

DMC Firewall is developed by Dean Marshall Consultancy Ltd