TIN TỨC & SỰ KIỆN

Ngày nay chúng ta đều biết không có tri thức khoa học cả tự nhiên và xã hội thì không thể thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Vai trò của các chuyên gia vì vậy cần thiết hơn bao giờ hết. Việc đào tạo chuyên gia cho các lãnh vực là việc cần kíp....

Liên tiếp ba chương trình học bổng cho các học sinh, sinh viên giỏi toán, sử và tiếng Pháp vừa được tổ chức vào đầu tháng 5-2013. Trong đó, Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2012-2020 (thuộc Bộ GD&ĐT) đã cấp học bổng cho trên 400 học sinh, sinh viên giỏi môn toán; mỗi suất học bổng trị giá 14,7 triệu đồng cho cả năm học và 7,35 triệu đồng cho một học kỳ. Còn Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trao giải thưởng và giấy khen cho 206 học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba môn sử trong kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2013 được tổ chức trang trọng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Riêng Dự án tăng cường giảng dạy tiếng Pháp trong khu vực Đông Nam Á đã trao phần thưởng cho 59 học sinh học tiếng Pháp đến từ nhiều tỉnh, thành phố đạt thành tích cao trong kỳ thi tuyển vào nhiều trường ĐH ở Việt Nam, mỗi phần thưởng 5 triệu đồng.

Các học bổng trên nhằm thúc đẩy các học sinh, sinh viên say mê học và học tốt các môn toán, sử và tiếng Pháp.

Theo thống kê hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ các năm gần đây, số thí sinh đăng ký học các ngành toán, sử, tiếng Pháp nói riêng, các ngành khoa học cơ bản, các ngành khoa học xã hội không “thời thượng” như sử, địa, Pháp, Nga, Đức… và đặc biệt là chuyên ngành Hán Nôm nói chung ngày càng ít dần. Về nguyên nhân, do chương trình các môn học nặng nề, nhàm chán; ra trường khó kiếm việc làm, thu nhập thấp. Thực trạng này đã đến lúc cần báo động!

Thực tế hiện nay cũng cho thấy đội ngũ chuyên gia nước ta làm việc trong các lãnh vực khoa học cơ bản, khoa học xã hội còn mỏng, trình độ còn khiêm tốn so với thế giới. Chẳng hạn trong lãnh vực toán học, hiện nay Việt Nam có khoảng 400 trường ĐH, CĐ nhưng số GS, PGS giảng dạy toán chưa đến 100 người (kể cả những người đã mất). Như vậy, đội ngũ GS nghiên cứu toán học ở Việt Nam không bằng một trường ĐH thuộc hạng trung bình ở châu Âu. Trong lãnh vực lịch sử có lẽ càng thưa thớt hơn... Nhân đây, xin kể tiếp thực trạng thiếu hụt trầm trọng chuyên gia chữ Nôm, chữ viết của người Việt trước đây. Như nhiều người biết, trong hơn 1.000 năm - từ thế kỷ 10 cho đến thế kỷ 20 - một phần lớn các tài liệu văn học, triết học, sử học, luật pháp, y khoa, tôn giáo và hành chánh của nước ta được viết bằng chữ Nôm. Di sản đồ sộ này hiện có nguy cơ tiêu vong do thiếu người đọc được loại chữ này.

Hiện trên thế giới chưa có đến 100 người đọc được chữ Nôm. Trước thực trạng nguy cấp này, năm 2009, một người Mỹ là giáo sư Balaban, dạy văn chương Trường ĐH North Carolina (Mỹ) cùng một số người khác đã lập Quỹ Bảo vệ di sản Nôm (Vietnamese Nôm Preservation Foundation- VNPF) nhằm góp sức với các học giả Việt Nam để gìn giữ kho di sản văn hoá này. Một trong các mục tiêu của VNPF là cấp bách đào tạo một thế hệ mới am hiểu chữ Nôm.

Qua câu chuyện mới thấy học chữ Nôm là cần thiết thế nào! Thế nhưng, trước đó không phải ai cũng thấy tầm quan trọng của việc học chữ Nôm. Ngành toán học mới thoạt nhìn cũng… chán ngắt vì chỉ biết làm bạn với các con số! Thật ra, toán học có vai trò rất to lớn trong đời sống thường ngày. Nó có mặt trong các hoạt động của đời sống nhưng không phải ai cũng nhận ra. Hàng ngày những chuyến máy bay dày đặc trên bầu trời bình an vô sự là nhờ kết quả của các phương trình toán học; hàng triệu cuộc điện thoại được thực hiện thông suốt một cách tài tình là nhờ có sự đóng góp không nhỏ của các thuật toán…

Ngày nay chúng ta đều biết không có tri thức khoa học cả tự nhiên và xã hội thì không thể thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Vai trò của các chuyên gia vì vậy cần thiết hơn bao giờ hết. Việc đào tạo chuyên gia cho các lãnh vực là việc cần kíp. Đã có nhiều chương trình tiếp sức cho công tác đào tạo này được khởi động. Tháng 10.2012, Chính phủ lập Viện Nghiên cứu cao cấp về toán do GS Ngô Bảo Châu làm giám đốc khoa học với mục tiêu phát triển nền toán học Việt Nam mạnh mẽ về mọi mặt. Năm 2011, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam lập Quỹ Phát triển sử học Việt Nam nhằm góp phần đào tạo nhân tài sử học cho đất nước...

Tuy nhiên, các hoạt động trên chưa rộng khắp ở các lãnh vực. Mặt khác, ở tầm quản lý vĩ mô chưa có một quyết sách mang tính động lực để khuyến khích lớp trẻ tiến thẳng vào các lãnh vực khoa học then chốt, thay cho các ngành “thời thượng” như hiện nay.

Theo Lê Đông - Báo Giáo dục & Thời đại

Our website is protected by DMC Firewall!