TIN TỨC & SỰ KIỆN

Những tiêu chí và tỷ trọng của từng tiêu chí để xếp loại đại học ở Việt Nam cần được cân đối cho phù hợp với điều kiện trong nước. Từ Mỹ, GS.TS Trương Nguyện Thành (Phó hiệu trưởng Đại học Hoa Sen) chia sẻ quan điểm về xếp hạng đại học ở Việt Nam trong mối tương quan, so sánh với đại học nước ngoài. 

GS.TS Trương Nguyện Thành. Ảnh: Đại học Hoa Sen


Để có một xã hội văn minh hơn, mục tiêu của trường đại học ngoài truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ còn phải kiến tạo kiến thức mới qua nghiên cứu khoa học. Do đó các bảng xếp hạng nổi tiếng hiện nay thường đánh giá đại học trên hai khía cạnh chính đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Mỗi khía cạnh sẽ có thước đo cho một số yếu tố và tỷ trọng cho mỗi yếu tố ấy. Điều này dẫn đến mỗi đánh giá sử dụng cách tính điểm riêng và do đó thứ tự xếp hạng sẽ khác nhau.

Hiện nay đa số đại học ở Mỹ cũng như ở các nước khác được đánh giá và xếp hạng bởi một số tổ chức có danh tiếng như Quacquarelli Symonds (QS) World University Rankings, TIMES Higher Education World University Rankings (THE), Center for World University Rankings (CWUR), CWTS Leiden ranking, Academic Ranking of World University (ARWU - Shanghai Ranking).

Chẳng hạn với THE dùng bảng đánh giá với tỷ lệ: môi trường đào tạo chiếm 30% tổng số điểm; nghiên cứu khoa học với số lượng bài báo, ngân sách và danh tiếng 30%; số lượng trích dẫn, tức tầm ảnh hưởng 30%; nguồn thu từ doanh nghiệp 2,5%; tầm nhìn quốc tế 7,5%. Theo đánh giá này thì nghiên cứu khoa học chiếm 60% tổng số điểm, đây là một tỷ trọng rất lớn.

Trong khi đó QS đánh giá với các yếu tố: đào tạo 40%, nhà tuyển dụng 10%; tỷ lệ giảng viên trên sinh viên 20%; số lượng trích dẫn trên giảng viên 20%; tỷ lệ giảng viên nước ngoài và sinh viên nước ngoài 5% cho mỗi tiêu chí. Trong đó nghiên cứu khoa học chỉ chiếm 20%, còn đào tạo chiếm 70% tổng số điểm.

Ở các nước tiên tiến, cách đánh giá và xếp hạng này có một số giá trị nhất định như giúp trường điều chỉnh chiến lược phát triển nhằm khắc phục điểm yếu, cho phụ huynh và học sinh có một so sánh tương đối về chất lượng các đại học mình quan tâm. Đồng thời, bảng xếp hạng còn giúp chính phủ có thông tin nhằm đánh giá hiệu quả đầu tư cho các trường công và giúp xã hội đánh giá chất lượng của giáo dục đại học trong nước so với nước ngoài.

Tiêu chí đánh giá của bảng xếp hạng 49 đại học Việt Nam gồm: môi trường đào tạo 40%; nghiên cứu khoa học 40%; cơ sở vất chất và quản trị 20%. Áp dụng phương pháp đánh giá môi trường đào tạo cho các đại học ở Việt Nam thì không có vấn đề gì nhưng nói về nghiên cứu khoa học cần suy xét kỹ lưỡng. 

Bởi mỗi ngành có đặc thù riêng về hoạt động nghiên cứu khoa học, báo cáo quốc tế cũng như trích dẫn, do đó so sánh về số lượng bài báo và trính dẫn của ngành này với ngành khác sẽ rất khập khiễng. Thí dụ bên khối kinh tế thường hoạt động nghiên cứu khoa học ít nên số lượng bài báo nghiên cứu sẽ ít hơn so với khối khoa học tự nhiên, hoặc lượng trích dẫn cho bài báo bên ngành Y sẽ cao hơn nhiều so với ngành Toán.

Đa số đại học ở nước ngoài là đại học tổng hợp (đa ngành) do đó khi tính tổng số điểm về nghiên cứu thì được đổ đồng, dẫn đến việc so sánh các đại học tổng hợp với nhau có tính khách quan. 

Sinh viên học tập ở thư viện một đại học ở TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng


Ở Việt Nam, phần lớn đại học truyền thống có cơ cấu tổ chức theo khối ngành như Khoa học xã hội, Kinh tế, Ngoại thương… Do đó cách tính điểm về nghiên cứu khoa học để so sánh các trường này sẽ không khách quan. Với những đại học tổng hợp có chiến lược nghiên cứu khoa học rõ ràng như Tôn Đức Thắng hay Duy Tân, áp dụng cách tính điểm trên thì thứ hạng của họ cao là điều dể hiểu.

Tiêu chí đánh giá về cơ sở vật chất và quản trị có tính đặc thù cho Việt Nam trong khi đó không mấy cần thiết với các trường đại học ở nước ngoài. Tôi cho rằng tiêu chí này cần thiết, nhưng nên tách ra hai phần riêng biệt và cần xem xét cách thu thập dữ liệu để duy trì tính khách quan. Bảng xếp hạng cung cấp thông tin tương đối nhưng không toàn diện do đó phụ huynh và học sinh nên coi thông số này như để tham khảo. Nếu lựa chọn chương trình tiến sĩ thì thông tin ấy có giá trị hơn là để chọn trường cho bằng cử nhân. 

Theo tôi, giá trị đào tạo của một đại học là cơ hội sau khi ra trường, sự trưởng thành con người toàn diện (chứ không chỉ kiến thức chuyên môn), những quan hệ xây dựng trong thời gian học tập, trải nghiệm đời sống sinh viên và kể cả mức học phí. Ngày nay các nhà tuyển dụng đánh giá tầm quan trọng của kỹ năng mềm khi phỏng vấn sinh viên mới ra trường. Đào tạo những kỹ năng này không có trong các bảng đánh giá và từ những hoạt động ngoài lớp học.

Trải nghiệm đời sống sinh viên bao gồm không gian học tập (ngoài lớp học), không gian giải trí, các hoạt động cộng đồng, văn hóa tương tác với giảng viên… Cách tốt nhất để đánh giá một trường đại học là phụ huynh và học sinh tham quan trường, trao đổi với giảng viên và sinh viên đang học, đồng thời tìm hiểu về triết lý đào tạo của trường, coi có phù hợp với nhu cầu của mình không. 

Khi các đại học Việt Nam chưa có tên trong danh sách xếp hạng quốc tế thì có một hoạt động đánh giá và xếp hạng độc lập phi chính phủ trong nước là điều nên khuyến khích. Vì nó có thể trở thành động lực giúp các đại học phát triển theo chiều hướng hội nhập quốc tế. 

Hoạt động xếp hạng lần đầu tiên cũng như tất cả dự án khi triển khai lần đầu đều có thiếu sót. Các đại học có thể đóng góp tích cực để hoạt động này ngày càng có giá trị cho người dùng (phụ huynh và học sinh), cho chính phủ và cho xã hội.

Khối trường kinh tế có hoạt động nghiên cứu khoa học ít nên số lượng bài báo cáo khoa học sẽ ít hơn khối trường khoa học tự nhiên. Ảnh: Mạnh Tùng


Ngoài những mặt tích cực cũng như những giới hạn về vấn đề xếp hạng đại học nêu trên, tôi muốn nêu vài điểm để chúng ta có cái nhìn sát thực hơn.

Thứ nhất, vị trí thứ hạng và điểm đánh giá cho ta tâm lý nhất định về độ chính xác của công tác đo lường. Tuy nhiên như đã nói ở trên, chỉ cần thay đổi một tiêu chí đánh giá hay một tỷ trọng (đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến các tỷ trọng khác) có thể làm thay đổi toàn bộ thứ hạng. Do đó quyết định các tỷ trọng tùy thuộc vào tầm nhìn của đơn vị đánh giá và không có một nguyên tắc chung nào.

Thứ hai, phần lớn dữ liệu để đánh giá được cung cấp từ trường, điều này đặt dấu hỏi về độ tin cậy và chính xác của thông tin được cung cấp. Một vài thông số đơn vị đánh giá có thể kiểm chứng từ nguồn khác như số lượng bài báo, lượng trích dẫn nhưng phần nhiều là thông tin riêng của trường và khó kiểm chứng.

Thứ ba, mặt trái của các xếp hạng đại học là các trường trong cuộc chạy đua này có thể sử dụng những chiêu thức nhằm che lấp điểm yếu hay chuyển ngân sách phát triển vào những khía cạnh không nằm trong mục tiêu, sứ mệnh và tầm nhìn của mình. 

Cuối cùng tuy hoạt động của một đại học có rất nhiều mặt, một số có thể đo lường và một số rất khó để đo. Tất cả đánh giá đại học đều có giới hạn của nó và do đó không thể đánh giá toàn diện được.

GS.TS Trương Nguyện Thành (56 tuổi, quê Quy Nhơn, Bình Định) có gần 40 năm tu nghiệp, nghiên cứu và giảng dạy ở Mỹ. Ông có hàng trăm bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Năm 1990, ông Thành lấy bằng tiến sĩ và giành được giải thưởng của Hội đồng Khoa học Quốc gia Mỹ. Sau đó ông học tiếp sau tiến sĩ ngành Mô phỏng cơ cấu sinh lý. Năm 1992, ông trở thành giáo sư chính môn Hóa lượng tử tại Đại học Utah.

Năm 2005, ông Thành được Phó chủ tịch UBND TP HCM khi đó là ông Nguyễn Thiện Nhân mời về nước để diễn thuyết về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ tính toán, chuẩn bị cho việc phát triển ngành khoa học mới mẻ này tại Việt Nam. Giáo sư Thành được mời lập đề án thành lập Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP HCM.

Cuối năm ngoái, ông về công tác tại Đại học Hoa Sen với cương vị phó hiệu trưởng điều hành.

Theo Mạnh Tùng - Báo VnExpress

Our website is protected by DMC Firewall!