TrainIQAVN

TrainIQAVN là khóa tập huấn của Trường Đại học Ngoại thương, một phần của Chương trình ASEAN-QA SQUARED được Dự án ASEAN-QA lựa chọn để triển khai tại Việt Nam. Dự án ASEAN-QA là một phần của Chương trình DIES (Đối thoại về chiến lượng cải tiến giáo dục đại học) của CHLB Đức, nhằm mục đích củng cố cơ cấu quản lý giáo dục đại học tại các nước đang phát triển. DIES được điều phối bởi Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) và Hội nghị các hiệu trưởng Đức (HRK) và được hỗ trợ ngân sách từ Bộ Hợp tác và phát triển kinh tế Đức (BMZ).

I. Mục tiêu của TrainIQAVN

Hệ thống giáo dục đại học ở ASEAN được định hình thông qua nhưng thay đổi đáng kể nhiều năm vừa qua. Những thay đổi này liên quan đến việc tăng nhu cầu dịch vụ đào tạo đại học và tăng tỷ lệ nhâp học. Đó là những thách thức đối với việc duy trì chất lượng trong giáo dục đại học và cần có hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong để tạo uy tín và sự công khai với các bên liên quan.

Cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm chính về chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Để phát triển, thực hiện, duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động này, mỗi cơ sở giáo dục cần phải thiết lập một hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong (IQA), có cơ cấu phù hợp, tương thích với yêu cầu của bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục đại học (25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí) và bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo (11 tiêu chuẩn, 50 tiêu chí) của Bộ GD&ĐT và Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA).

Đơn vị chuyên trách làm công tác đảm bảo chất lượng bên trong là bộ phận đầu mối, có vai trò quan trọng trong hệ thống IQA, trong quá trình tự đánh giá, đánh giá ngoài và cũng như công tác cải tiến chất lượng sau đánh giá của cơ sở giáo dục đại học nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của cơ sở giáo dục. Chính vì vậy, tăng cường năng lực cho các đơn vị chuyên trách làm công tác đảm bảo chất lượng bên trong không chỉ là mối quan tâm của các cơ sở giáo dục đại học mà còn là chủ trương, định hướng của Bộ GD&ĐT đối với công tác đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.

Do đó, TrainIQAVN không chỉ góp phần giúp các cơ sở giáo dục đại học (1) xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của mình đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, mà còn (2) nâng cao năng lực cán bộ chuyên trách công tác đảm bảo chất lượng bên trong và (3) thúc đẩy việc trao đổi, kết nối giữa các đơn vị chuyên trách công tác đảm bảo chất lượng.

II. Sau khi hoàn thành khóa tập huấn, các học viên có thể:

- Mô tả lý thuyết về mô hình, cấu trúc, vai trò của các bên trong hệ thống IQA; lập kế hoạch chiến lược của cơ sở giáo dục đại học;

- Thiết kế hệ thống IQA của Trường/Học viện;

- Xây dựng quy trình đảm bảo chất lượng cốt lõi của Trường/Học viện;

- Sử dụng một số công cụ IQA, đặc biệt là khảo sát các bên liên quan;

- Xây dựng dữ liệu/chỉ số đảm bảo chất lượng cơ bản của hệ thống IQA;

- Xây dựng dự án dựa trên kế hoạch hành động cá nhân.

III. Nội dung, thời gian, phương pháp và ngôn ngữ tập huấn

1. Nội dung tập huấn

TrainIQAVN sẽ được tổ chức theo phương pháp học tập kết hợp và bao gồm 4 chuyên đề khác nhau. Các chuyên đề có nội dung như sau:

Chuyên đề 1. Thiết kế hệ thống IQA

Chuyên đề 2. Cơ cấu và vai trò các bên trong hệ thống IQA

Chuyên đề 3. Lập kế hoạch chiến lược của cơ sở giáo dục đại học

Chuyên đề 4. Công cụ và thủ tục vận hành hệ thống IQA (Quy trình đảm bảo chất lượng hoạt động cốt lõi; đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo theo nguyên tắc tương thích có định hướng; khảo sát; dữ liệu đảm bảo chất lượng…).

2. Thời gian, địa điểm tập huấn

- Thời gian tập huấn năm 2018: 4 ngày (từ 3-6/12/2018)

- Địa điểm tập huấn: Trường Đại học Ngoại thương, 91 Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội

3. Phương pháp tập huấn

- Chuyên gia sẽ kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như bài giảng, thảo luận, nghiên cứu tình huống, hướng dẫn cá nhân. Khóa tập huấn phần lớn dựa trên việc trao đổi và trình bày các kinh nghiệm cá nhân, tư vấn của chuyên gia đối với Dự án cá nhân nhằm giúp học viên xây dựng và triển khai được hệ thống IQA tại đơn vị mình.

- Các cựu học viên sẽ tham gia giảng dạy và truyền đạt một số nội dung của khóa tập huấn.

- Khóa tập huấn sẽ cho phép học viên làm việc thực tế dựa trên Kế hoạch hành động của mỗi cá nhân (Personal Action Plan - PAP).

- Sau khi kết thúc tập huấn, học viên được tư vấn, hỗ trợ và đồng hành để triển khai, hiện thực hóa Dự án cá nhân tại đơn vị mình.

4. Ngôn ngữ tập huấn:

Khóa tập huấn chủ yếu sử dụng tiếng Việt. Phần tập huấn và hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài sẽ được thực hiện bằng tiếng Anh nhưng có phiên dịch sang tiếng Việt. Học viên được hỗ trợ phiên dịch trong quá trình trao đổi với chuyên gia nước ngoài tại các buổi tập huấn.

IV. Đội ngũ chuyên gia tập huấn

Đội ngũ chuyên gia tập huần gồm chuyên gia nước ngoài và trong nước có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng, thiết kế hệ thống IQA của cơ sở giáo dục đại học, cụ thể (xem giới thiệu chuyên gia tại http://cqa.ftu.edu.vn/trainiqavn):

- TS Frank Niedermeier - Giám đốc Dự án ASEAN-QA, Trung tâm Phát triển chất lượng, Trường Đại học Potsdam, CHLB Đức;

- GS, TS Duu-Sheng Ong: Nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách các vấn đề học thuật, Đại học Truyền thông Malaysia, Malaysia; Kiểm định viên Trung tâm Kiểm định chất lượng Malaysia (MQA)

- TS Võ Sỹ Mạnh – Trưởng Dự án TrainIQAVN tại Việt Nam, Giám đốc Trung tâm KT&ĐBCL, Trường Đại học Ngoại thương; Kiểm định viên.

- TS Lê Huy Tùng – Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Ủy viên Hội đồng KĐCL, Trung tâm KĐCLGD, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam.

- PGS, TS Nguyễn Thị Hòa - Trưởng Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Giao thông vận tải.

V. Đối tượng đăng ký

TrainIQAVN sẽ chỉ chấp nhận đề xuất và tập huấn cho tối đa 30 học viên. Để được xem xét lựa chọn tham gia tập huấn, ứng viên cần đạt những yêu cầu sau:

- Là cán bộ lãnh đạo/phụ trách hoặc cán bộ đang làm công tác đảm bảo chất lượng của Trường/Học viện;

- Có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực đảm bảo chất lượng;

- Có thâm niên công tác tại Trường/Học viện ít nhất 3 năm;

- Có bằng hoặc đang học thạc sỹ;

- Nộp hồ sơ ứng tuyển hợp lệ và đúng thời hạn.

VI. Phí tham dự: Phí tham dự khóa tập huấn: 6.000.000 VNĐ/1 học viên (bao gồm: tài liệu, phiên dịch, tea-break, ăn trưa, đi thực tế, chứng chỉ, hỗ trợ triển khai dự án sau tập huấn)

VII. Dự án cá nhân của mỗi học viên

Tất cả các học viên của khoa tập huấn sẽ phải xây dựng và thực hiện một Dự án về IQA trong quá trình tập huấn để đưa lý thuyết vào thực tế bằng việc sử dụng Kế hoạch hành động cá nhân (Personal Action Plan –PAP) với sự trợ giúp, tư vấn và hỗ trợ của chuyên gia trong và sau khi kết thúc tập huấn.  

PAP là một công cụ quản lý dự án, giúp lập kế hoạch và văn bản hóa dự án. Các dự án cần phải đồng nhất với bức tranh toàn cảnh của cơ sở (mục tiêu, sứ mệnh, tầm nhìn, v.v…). Trong suốt quá trình và sau khi hoàn thành tập huấn, học viên được huấn luyện, tư vấn và hỗ trợ bởi các chuyên gia để triển khai dự án xây dựng và phát triển hệ thống IQA của cơ sở giáo dục đại học nơi học viên công tác. Cơ sở giáo dục đại học cử học viên tham dự khóa tập huấn cần phải cam kết hỗ trợ học viên thực hiện dự án của họ.

Các học viên phải nộp dự thảo đề xuất dự án mà họ được yêu cầu mô tả theo mẫu. Các chủ đề có thể khác nhau miễn là có liên quan đến xây dựng và phát triển hệ thống IQA tại cơ sở giáo dục đại học. Khung thời gian của dự án cần được xác định cụ thể và áp dụng được trong thực tế của cơ sở giáo dục đại học. Các chủ đề dự án có thể là:

- Thiết kế hệ thống IQA;

- Kế hoạch chiến lược IQA;

- Quy trình IQA các hoạt động cốt lõi của nhà trường;

- Công cụ IQA;

- Cơ sở dữ liệu IQA;

- Hệ thống thông tin IQA…

VIII. Quy trình đăng ký và tuyển chọn

Bước 1. Đăng ký trực tuyến, gồm:

- Truy cập website Đơn đăng ký để Kê khai thông tin cơ bản

- Upload các tài liệu trong hồ sơ: (1) Đơn đăng ký (Phụ lục 1- Download mẫu đơn tại đây); (2) Kế hoạch dự án (Phụ lục 2- Download mẫu tại đây); (3) Thư cam kết của lãnh đạo trường (Phụ lục 3- Download mẫu tại đây)

Thời hạn đăng ký ứng tuyển chậm nhất là: 20/11/2018

Bước 2. Hồ sơ đăng ký sẽ được xét duyệt bởi Hội đồng xét duyệt (gồm chuyên gia nước ngoài và trong nước). Ứng viên không nộp đầy đủ các thành phần của hồ sơ sẽ không được xét tuyển.

Bước 3. Học viên đăng ký thành công sẽ nhận được Thư mời học qua email đăng ký (Bản gốc Thư mời sẽ gửi học viên khi học viên tham dự khóa tập huấn).

Kết quả xét tuyển sẽ được thông báo chậm nhất là: 25/11/2018.

Bước 4. Học viên xác nhận tham dự, gửi giới thiệu tóm tắt về học viên (khoảng 150 từ), đóng học phí bằng chuyển khoản hoặc tiền mặt trực tiếp tại địa điểm tập huấn.

Ứng viên được lựa chọn nhưng không đóng học phí sẽ không được tiếp nhận, không bảo lưu kết quả xét tuyển cho khóa sau (gồm cả trường hợp ứng viên được lựa chọn không thể tham dự khóa tập huấn).

 

Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ Đơn vị phụ trách TrainIQAVN:

TRUNG TÂM KHẢO THÍ VÀ ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG

(Hotline: 0904080686/0905911126, email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it., website: http://cqa.ftu.edu.vn/liên-hệ-cqa.html)

 

Our website is protected by DMC Firewall!