KHẢO THÍ

Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 sẽ có nhiều đổi mới, theo đúng quy định của Luật Giáo dục đại học. Các trường sẽ được chủ động áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển...

Luật cũng quy định: Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Như vậy, có thể hiểu là Luật đã giao quyền tự chủ tối đa cho các trường, tuy nhiên xã hội vẫn còn lo lắng rằng khi tự chủ chưa đồng hành cùng tự chịu trách nhiệm thì hậu quả sẽ đến đâu.

Tự chủ tuyển sinh

Đến thời điểm này hiện đã có 17 trường ĐH, CĐ gửi tới Bộ GD&ĐT phương án tuyển sinh riêng, đa số trong đó là các trường ĐH ngoài công lập. Theo phương án tuyển sinh riêng mà Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (VIPUA) đưa ra, vẫn tiếp tục thi theo “ba chung” nhưng khi xét tuyển thì sẽ riêng, sẽ xét tuyển vào các hệ đào tạo, các ngành nghề đào tạo phù hợp dựa vào điểm các môn thi, học lực…

Các cơ sở đào tạo căn cứ vào chỉ tiêu tuyển sinh, yêu cầu trình độ và loại học vấn chung của cơ sở hay từng ngành đào tạo của cơ sở, phổ kết quả điểm thi của thí sinh cả nước và vùng địa phương để thiết kế tổ hợp các môn văn hóa và tổng điểm thi các môn đó cho từng ngành đào tạo của trường.

Trong số các trường công lập, cũng mới chỉ có ĐHQG Hà Nội là thông báo thí điểm tuyển sinh theo phương án mới, nhưng cũng ở quy mô rất nhỏ. Mùa tuyển sinh 2014 trường này vẫn thực hiện theo phương thức thi "3 chung" nhưng sẽ thí điểm tổ chức tuyển sinh theo hình thức đánh giá năng lực ở chương trình tài năng và chương trình tiên tiến.

Cụ thể, thí sinh sẽ làm bài thi đánh giá năng lực tổng hợp với 10 năng lực cốt lõi như ngôn ngữ, khoa học tự nghiên, xã hội… thời gian làm bài khoảng từ 4 - 4,5 giờ. 

Theo PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, dự kiến đến năm 2015, ĐHQG Hà Nội sẽ triển khai đại trà phương thức thi này. Khi đó, thí sinh đủ điều kiện dự thi đại học sẽ được tham gia bài thi đánh năng lực thường xuyên tại trường. Mỗi năm trường tổ chức 2 lần nhập học. Còn năm 2014 này, để thí sinh yên tâm với hình thức thi mới này, các thí sinh thi thí điểm vẫn có thể tham gia thi “ba chung”.  

Cân nhắc, lựa chọn...

Thực hiện đúng theo tinh thần Luật Giáo dục Đại học, hiện Bộ GD&ĐT đang gấp rút nghiên cứu để sửa đổi Quy chế Tuyển sinh năm 2014 này sao cho phù hợp với phương án đề xuất của 17 trường ĐH ngoài công lập.

Theo đó, nếu phương án tuyển sinh của trường nào đúng, phù hợp với quy chế mới, thì trường đó sẽ được thực hiện tuyển sinh riêng từ năm 2014.  

Giao quyền tự chủ cho các trường theo đúng tinh thần Luật GDĐH là cần thiết,  nhưng cũng phải xem trường đó có đủ năng lực thực hiện hay không.

Ngay như ĐHQG Hà Nội là một đại học lớn hàng đầu đất nước thì thí điểm tuyển sinh riêng cũng chỉ ở quy mô rất nhỏ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về việc kiểm tra năng lực có đáng tin cậy hay không. 

TS Nguyễn Thị Hồng Minh - Phó Chủ nhiệm khoa Sau đại học (ĐHQG Hà Nội), cho rằng: Thực chất hình thức kiểm tra năng lực đã được thí điểm thông qua kiểm tra đầu vào cao học ở một số chuyên ngành từ năm 2011 tại ĐHQG Hà Nội.

Tuy nhiên để đánh giá một cách khoa học thì cần có nghiên cứu cụ thể, khảo sát, thống kê, đánh giá định lượng. Chính vì thế bà cho rằng, đánh giá năng lực thì có thể tuyển người học, nhưng chỉ qua bài thi đó thì chưa đủ, vì nó chỉ đánh giá được một nhóm năng lực, một bài kiểm tra đánh giá năng lực không thể thay thế kỳ thi “ba chung”. 

Ở những đại học lớn hàng đầu đất nước như ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh, những người có trách nhiệm đều hết sức cân nhắc hơn thiệt khi đưa ra một phương án mới. Chỉ có các trường đại học mới thành lập là nhiệt tình. Điều này khiến dư luận không khỏi hồ nghi rằng các trường mong tự chủ để sao cho lấp kín chỉ tiêu.

Để tránh sự lỏng lẻo, vi phạm qui chế

Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT đang tính toán sao cho việc giao quyền tự chủ cho các trường như vậy, hoạt động tuyển sinh phải đảm bảo công bằng, chính xác, và quyền lợi của người học được bảo đảm.

Hiện cũng có nhiều quan điểm được đưa ra. Có ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT không được yêu cầu các trường gửi đề án tuyển sinh riêng để Bộ thẩm định vì Luật cho phép các trường tự chủ, Bộ GD&ĐT phải có trách nhiệm giám sát, hậu kiểm, trường nào làm sai thì xử phạt.

Chính từ quan điểm này đã nảy sinh băn khoăn, giao quyền tự chủ tối đa cho các trường liệu có chắc rằng các trường này thực hiện nghiêm túc không, quyền lợi người học sẽ thế nào khi tuyển sinh bị thương mại hóa (?)

Những lo lắng trên không phải không có cơ sở khi bản chất của những thay đổi trong các mùa tuyển sinh đều theo hướng “trợ giúp” khó khăn cho các trường gặp khó khăn về nguồn tuyển, mà đa phần ở đây là các đại học ngoài công lập.

Còn nhớ mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, khi gặp khó về nguồn tuyển, VIPUA đã kiến nghị kéo dài thời gian xét tuyển. Năm 2013, khó khăn lại lặp lại, thấy kéo dài thời gian xét tuyển cũng không hiệu quả VIPUA lại kiến nghị thay đổi cách tính điểm sàn và năm 2014 này là phương án tuyển sinh riêng. 

Giao quyền tự chủ là điều nên làm và phải làm, nhưng tự chủ có gắn với tự chịu trách nhiệm không, khi mà thời gian qua, những quy định “3 công khai” để xã hội, người học giám sát nhưng mấy trường nghiêm túc trong việc này.

Rồi chuyện vi phạm quy chế tuyển sinh bị xử phạt vẫn xuất hiện hàng năm. Mới đây thôi, 2 đại học ở Hà Nội đã bị kiến nghị đóng cửa trường. Những lo lắng trên khiến xã hội không khỏi hồ nghi rằng nếu để các trường chủ động xét tuyển trước rồi giám sát sau có khác gì: Thả gà ra đuổi!  

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga: Bộ sẵn sàng cho trường tuyển sinh riêng nhưng các trường phải chứng minh được năng lực tổ chức tốt một kỳ thi và cam kết việc tuyển sinh riêng không để xảy ra hiện tượng ôn luyện thi tràn lan như đã từng xảy ra.

Khâu ra đề thi là khâu quan trọng nhất nên Bộ sẽ không đồng ý phương án tuyển sinh riêng của trường nào thuê hoàn toàn giáo viên bên ngoài ra đề. Bởi nếu xảy ra sự cố sẽ không quy được trách nhiệm cho ai. Trường tổ chức thi riêng sẽ phải có giáo viên cơ hữu của trường tham gia ban đề thi.  

Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh quy chế, giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ.

Để bảo đảm chất lượng tuyển sinh, các văn bản sẽ quy định cụ thể các tiêu chí, điều kiện nhất định trong tuyển sinh và những điều cấm không được thực hiện để áp dụng cho tất cả các trường nhằm bảo đảm sự công bằng, đồng thời tránh tình trạng tuyển sinh ồ ạt, không bảo đảm chất lượng, mang tính thương mại.

Theo Bạch Ngọc Dư - Báo Giáo dục & Thời đại

Our website is protected by DMC Firewall!