Công tác kiểm định

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa quyết định thành lập tổ chức kiểm định chất lượng ĐH đầu tiên của Việt Nam nhằm đẩy mạnh công tác kiểm định ì ạch trong nhiều năm qua

Từ năm 2005 đến nay chỉ có 40 trường ĐH được đánh giá chất lượng, vậy lúc nào mới đánh giá hết 476 cơ sở giáo dục ĐH hiện có? Tốc độ đánh giá chất lượng như vậy là quá chậm” - TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Phát triển chiến lược Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, nhận định.


Thiếu thực chất
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), tính đến ngày 31-10, mới chỉ có 166/262 trường ĐH, học viện và 173/214 trường CĐ hoàn thành báo cáo tự đánh giá. Trong đó, chỉ 40 trường ĐH được đánh giá ngoài theo bộ tiêu chí của Bộ GD-ĐT.
Kiểm định chất lượng giáo dục đã được đưa vào Luật Giáo dục và cụ thể hóa tại một số điều trong Luật Giáo dục sửa đổi (2005) và Luật Giáo dục ĐH (2012). Từ năm 2005, Bộ GD-ĐT tập trung triển khai công tác này và trong giai đoạn từ 2005-2009, 40 trường ĐH đầu tiên được thực hiện đánh giá ngoài theo bộ tiêu chí do Bộ GD-ĐT xây dựng. Sau đó, chỉ có 20 trường được Hội đồng Kiểm định Quốc gia công bố đạt chất lượng vào năm 2009. Từ đó đến nay, không còn thêm trường ĐH nào được đánh giá.

 

Sinh viên trong kỳ thi đầu vào Trường ĐH FPT

Trước thực trạng chất lượng giáo dục ĐH mờ mờ ảo ảo như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng đánh giá ngoài chính là cái nhìn khách quan về chất lượng nhà trường, nó phản biện báo cáo tự đánh giá của trường. Hoạt động này góp phần giải quyết một vấn đề đang tồn tại hiện nay là các trường ĐH luôn tuyên bố chất lượng đào tạo cao nhưng thực tế lại không phải vậy.
Theo thạc sĩ Đinh Tuấn Dũng, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, số trường ĐH được đánh giá ngoài như vậy là quá ít. Thực tế còn rất nhiều trường chưa mặn mà với công việc này vì họ tự thấy với điều kiện hiện tại trường khó có khả năng được công nhận bảo đảm chất lượng. Nếu tham gia kiểm định mà kết quả đánh giá không đủ tiêu chuẩn chất lượng thì liệu thí sinh có nộp đơn vào trường đó hay không?
Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến việc kiểm định chậm trễ, theo TS Nguyễn Tiến Dũng là do Bộ GD-ĐT một mình thực hiện và đã “ôm” không xuể khi không đủ người để làm. “Bộ vừa xây dựng tiêu chí vừa bỏ tiền vừa thực hiện đánh giá vừa công bố kết quả thì khó có thể đi vào thực chất” - TS Dũng nói.

Thiếu sự độc lập
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa quyết định thành lập tổ chức kiểm định đầu tiên của Việt Nam là Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU-CEA). Đơn vị này được quyền đánh giá và công nhận các trường ĐH và các chương trình đào tạo ở trong nước, ngoại trừ các trường, các khoa và các chương trình thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Bộ cũng đang xem xét thành lập Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục thuộc ĐH Quốc gia TP HCM (VNU-HCM EAC). “Những tổ chức này được quyền đưa ra quyết định công nhận hay không công nhận các trường ĐH và các chương trình đào tạo đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mà không bị can thiệp bởi bên thứ ba” - TS Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cho biết.
Một số chuyên gia về kiểm định chất lượng nhận định việc thành lập 2 tổ chức này trước mắt sẽ giúp bộ đẩy nhanh công tác kiểm định chất lượng vì sẽ có thêm rất nhiều trường được đánh giá. Tuy nhiên, một số chuyên gia bày tỏ lo lắng về tính thực chất trong hoạt động của những tổ chức này. “Những tổ chức này thuộc các ĐH Quốc gia thì vẫn chịu sự quản lý của Bộ GD-ĐT, như vậy làm sao đủ khách quan và thực sự độc lập trong việc đánh giá và công bố kết quả? Làm sao tránh khỏi sự “tô vẽ” thêm khi nguồn tiền vẫn là do nhà nước bỏ ra” - TS Nguyễn Tiến Dũng băn khoăn.
Một chuyên gia của Trường ĐH Sư phạm TP HCM cho rằng một cơ quan nhà nước khó có thể “vô tư” khi đánh giá. Ngoài ra, biên chế nào cho các cơ quan kiểm định khi số lượng các trường ĐH ngành càng nhiều, nhu cầu kiểm định ngày càng cao? Một cơ quan kiểm định thuộc trường ĐH sẽ cần đến bao nhiêu người khi có hàng trăm trường ĐH, CĐ cần kiểm định và 5 năm phải kiểm định lại một lần?
Các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý chất lượng giáo dục nên độc lập với Bộ GD-ĐT và các trường ĐH; được cấp kinh phí trực tiếp từ nhà nước thông qua Bộ Tài chính. Thành viên của cơ quan này bao gồm các chuyên gia về bảo đảm chất lượng, các nhà giáo dục có chuyên môn và làm việc độc lập, không làm việc cho các trường tiến hành việc kiểm định thì hoạt động này mới đáng tin cậy.

Thay đổi tư duy về kiểm định
TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng 2 tổ chức kiểm định đầu tiên cần phải đưa ra bộ tiêu chí đánh giá và được nhà quản lý của các trường ĐH chấp nhận. Ngoài ra, quy trình tổ chức phải rõ ràng, kết quả cũng phải minh bạch. Để làm được điều này phải có đội ngũ giỏi chuyên môn và có đạo đức. “Điều quan trọng nhất là tư duy về công tác kiểm định phải thay đổi. Nhà trường phải coi kiểm định chất lượng là cơ hội tự đánh giá lại mình, điều chỉnh những thiếu sót trong hệ thống quản lý để đạt được các tiêu chí phù hợp với mục tiêu phát triển của nhà trường, từ đó nâng cao chất lượng để thỏa mãn sự hài lòng của người học. Thật méo mó nếu các trường tìm mọi cách để được công nhận đạt chất lượng rồi để đó cho có thành tích” - TS Dũng nói.

Theo THÙY VINH - Báo Người Lao Động

DMC Firewall is a Joomla Security extension!