Hiện nay, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đã trở nên khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Trong số 213 nước và lãnh thổ trên thế giới tham gia Mạng lưới quốc tế các tổ chức đảm bảo chất lượng giáo dục đại học (INQAAHE)[1], thì phần lớn đều triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng GDĐH - TCCN nhằm mục đích quản lý, giám sát và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.
(Trích Đề án Xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2011-2020)
1.1. Sự cần thiết phải xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp
Xu thế toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế tri thức đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước. Nhiệm vụ chính của giáo dục và đào tạo là cung cấp nguồn nhân lực đó. Để thực hiện nhiệm vụ này, giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp (GDĐH - TCCN) của nước ta nói riêng, không những phải mở rộng quy mô mà còn phải không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Hiện nay, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN ở nước ta đã bước đầu được hình thành. Mạng lưới cơ sở GDĐH - TCCN phân bố rộng khắp trong cả nước, đa dạng hoá về loại hình trường, ngành nghề, phương thức đào tạo, nguồn lực và nhiều phương diện khác theo hướng hội nhập với xu thế chung của thế giới. Quy mô đào tạo tăng nhanh, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Chất lượng đào tạo đã có những chuyển biến tốt về nhiều mặt. Các hoạt động đánh giá, đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đã được chú ý.
Tuy nhiên, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN vẫn còn có một số hạn chế, chưa thực sự theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chưa tiếp cận được với trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới. Chính vì vậy, vấn đề quản lý chất lượng đang được các cấp, ngành và xã hội quan tâm. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, khi quy mô đào tạo tăng nhanh, nhưng sự đầu tư của Nhà nước không tăng hoặc tăng chậm hơn, cần thiết phải có mô hình quản lý chất lượng thích hợp để đảm bảo rằng sản phẩm đầu ra của giáo dục và đào tạo có thể đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động.
Các mô hình quản lý chất lượng, xếp theo cấp độ tiến bộ là kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và quản lý chất lượng tổng thể đã và đang được sử dụng trong giáo dục ở nhiều nước trên thế giới và từng bước được triển khai áp dụng ở Việt Nam. Trong gần 10 năm qua, thực tế giáo dục trong nước đã chứng minh rằng: đảm bảo chất lượng là mô hình thích hợp để quản lý chất lượng giáo dục, trong đó, kiểm định chất lượng giáo dục là một trong những hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục.
Kiểm định chất lượng giáo dục là hoạt động đánh giá của các tổ chức chuyên nghiệp, độc lập với các cơ sở giáo dục nhằm xem xét, công nhận cơ sở giáo dục hoặc chương trình giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Tuy hoạt động này không trực tiếp tạo ra chất lượng giáo dục, nhưng quá trình phấn đấu để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải không ngừng hoàn thiện và nâng cao các chuẩn mực đầu vào, qui trình đào tạo và các chuẩn mực đầu ra, do đó tạo nên chất lượng ở tất cả các khâu liên quan trong mỗi cơ sở giáo dục.
Các hoạt động kiểm định chất lượng đối với GDĐH - TCCN đã được triển khai ở trong nước trong những năm gần đây, tuy nhiên, với tốc độ chậm, chưa đảm bảo được sự phát triển ổn định và bền vững. Chủ trương đổi mới quản lý giáo dục của Đảng và Nhà nước đòi hỏi phải có sự phân cấp cụ thể trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009 đòi hỏi bên cạnh các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do Nhà nước thành lập phải có sự tham gia của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do các tổ chức, cá nhân khác thành lập.
Vì vậy, cần thiết phải xây dựng Đề án xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng đối với GDĐH - TCCN giai đoạn 2011-2020 để định hướng chỉ đạo, triển khai và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN theo đúng xu thế quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
1.2. Tổng quan về hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN trên thế giới
Hiện nay, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đã trở nên khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Trong số 213 nước và lãnh thổ trên thế giới tham gia Mạng lưới quốc tế các tổ chức đảm bảo chất lượng giáo dục đại học (INQAAHE)[1], thì phần lớn đều triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng GDĐH - TCCN nhằm mục đích quản lý, giám sát và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục.
Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của các nước trên thế giới khá đa dạng về mặt sở hữu (của Nhà nước, của các hiệp hội hay các tổ chức, cá nhân khác), về đối tượng kiểm định (trường, chương trình, tất cả các cấp học hay chỉ giáo dục đại học,…), về tính phụ thuộc hay độc lập với Nhà nước (độc lập hoàn toàn với Nhà nước, độc lập trong việc đưa ra các quyết định chuyên môn nhưng vẫn nhận kinh phí của Nhà nước hay phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước),... Ở Hoa Kỳ, tất cả các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đều không thuộc Nhà nước. Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của các nước khác đi vào hoạt động trong 20 năm gần đây đều do Nhà nước thành lập (Thái Lan, Mông Cổ, Australia, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia), nhưng sau đó trở thành các tổ chức kiểm định độc lập (Australia, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia,…), nhưng vẫn được nhận kinh phí hỗ trợ của Nhà nước (Australia, Ấn Độ, Indonesia). Hoa Kỳ có 6 tổ chức kiểm định vùng, nhưng hầu như các nước khác, nhất là các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, có xu hướng chỉ có một tổ chức quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục (ví dụ : Thái Lan, Indonesia, Căm-pu-chia). Một số nước khác như Nhật Bản, Phillippines, Malaysia có 2 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, một trong số đó đã được thành lập khá nhiều năm trước. Nhưng gần đây, Malaysia đã sáp nhập hai tổ chức lại thành một tổ chức mới. Một số nước có những tổ chức kiểm định của các hiệp hội, tổ chức chuyên môn hoạt động bên cạnh các tổ chức quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục nhưng với quy mô nhỏ (ví dụ : Thái Lan).
Mặc dù có những sự khác biệt giữa các hệ thống nhưng các xu thế chung đang được hình thành và có thể thể hiện ở ba mô hình tổ chức hệ thống quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục như sau:
Mô hình thứ nhất bao gồm một số tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục độc lập với nhau, có nhiệm vụ triển khai các hoạt động đánh giá ngoài và có thẩm quyền công nhận các cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Mô hình này cần có một tổ chức mang tính hiệp hội để liên kết và để đại diện cho các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, qua đó, tạo diễn đàn để các tổ chức này có thể trao đổi, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Tuy nhiên, theo mô hình này, mỗi liên hệ giữa các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục khá lỏng lẻo. Nhà nước khó quản lý. Ngoài Hoa Kỳ và Canada, ít nước trên thế giới áp dụng mô hình này.
Mô hình thứ hai, mô hình tập trung cho mỗi hoặc một vài cấp học, ví dụ: tổ chức kiểm định chất lượng GDĐH - TCCN, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông,... Phần lớn các nước sử dụng mô hình này. Hầu hết các nước đều có tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Hiệp hội New England, Hoa Kỳ là một ví dụ về tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục chịu trách nhiệm kiểm định các trường đại học, cao đẳng, trung cấp kỹ thuật, phổ thông,…
Mô hình thứ ba, mô hình tập trung cho tất cả các cấp học, ví dụ: tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng các trường mầm non, phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học với sự hỗ trợ của hệ thống các đơn vị đánh giá ngoài. Văn phòng chuẩn quốc gia đánh giá chất lượng giáo dục (ONESQA) của Thái Lan là một ví dụ điển hình cho mô hình này. Tuy nhiên, bên cạnh ONESQA, vẫn còn có các tổ chức kiểm định nghề nghiệp cùng hoạt động với các tôn chỉ, mục đích cụ thể là kiểm định các chương trình giáo dục nghề nghiệp.
Mô hình tổ chức của các tổ chức kiểm định cũng khá khác nhau. Hầu hết có tên gọi là tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục (Accreditation agency), nhưng thực chất là một công ty. Một số nơi còn gọi là trung tâm. Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đều có hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục để phê duyệt các kế hoạch đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục, phê chuẩn thành phần các đoàn đánh giá ngoài, quyết định công nhận hoặc không công nhận các cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có giám đốc điều hành cùng bộ máy giúp việc để trực tiếp triển khai các hoạt động đánh giá và điều hành hoạt động chuyên môn hằng ngày của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, đồng thời có đội ngũ chuyên gia đánh giá cơ hữu phối hợp với một hệ thống cộng tác viên để triển khai các hoạt động đánh giá ngoài.
Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của các nước khá khác nhau. Một số nước chỉ kiểm định trường, một số nước khác chỉ kiểm định chương trình, nhưng cũng có những nước đồng thời sử dụng cả kiểm định trường và kiểm định chương trình. Hoạt động của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục cũng tương tự. Đặc biệt, có tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục không trực tiếp kiểm định các cơ sở giáo dục mà chỉ đi kiểm định các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục khác (ví dụ: Hội đồng kiểm định giáo dục đại học - CHEA, Hoa Kỳ) và cấp phép hoạt động cho các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục khác (ví dụ : Bộ Giáo dục Hoa Kỳ - US Department of Education hay Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục của Đức).
Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục sử dụng các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục làm công cụ để kiểm định các cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục. Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục bao gồm các yêu cầu và điều kiện cụ thể về các nguồn lực và quy trình thực hiện, sản phẩm đầu ra để khẳng định với xã hội về chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo của cơ sở giáo dục hoặc chương trình giáo dục. Ngoại trừ các tổ chức kiểm định nghề nghiệp xây dựng các bộ tiêu chuẩn riêng để kiểm định các chương trình của mình, còn lại hầu hết các nước đều xây dựng các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục dùng chung cho các cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục của từng cấp học[2]: đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Tính chuyên môn đặc thù của cơ sở giáo dục hoặc chương trình giáo dục được thể hiện trong thành phần của các đoàn đánh giá ngoài.
Tóm lại, trên cơ sở những phân tích trên, có thể rút ra những điều dưới đây để áp dụng cho Việt Nam:
1. Kiểm định chất lượng giáo dục là hoạt động đánh giá của các tổ chức chuyên nghiệp, độc lập với các cơ sở giáo dục nhằm xem xét, công nhận cơ sở giáo dục hoặc chương trình giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Kiểm định chất lượng giáo dục có thể áp dụng cho Việt Nam nhằm mục đích quản lý, giám sát và không ngừng nâng cao chất lượng GDĐH - TCCN. Kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm kiểm định trường và kiểm định chương trình.
2. Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục là công cụ để kiểm định các cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục, bao gồm các yêu cầu và điều kiện cụ thể về các nguồn lực và quy trình thực hiện, sản phẩm đầu ra để khẳng định với xã hội về chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo của cơ sở giáo dục hoặc chương trình giáo dục. Các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục được xây dựng chung cho các cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục của từng cấp học[3]: đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Tính chuyên môn đặc thù của cơ sở giáo dục hoặc chương trình giáo dục được thể hiện trong thành phần của các đoàn đánh giá ngoài.
3. Hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN ở Việt Nam nên bao gồm:
a) Cơ quan quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT).
b) Các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm:
- Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do Nhà nước thành lập là tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và tổ chức kiểm định chất lượng trường trung cấp chuyên nghiệp do Bộ trưởng Bộ GDĐT thành lập và định kỳ cấp phép hoạt động để kiểm định các cơ sở giáo dục, chương trình GDĐH và trường TCCN thuộc các khối công lập và ngoài công lập.
- Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do tổ chức, cá nhân thành lập bao gồm:
+ Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do các hiệp hội, cơ quan chuyên môn có nhu cầu thành lập, được Bộ trưởng Bộ GDĐT cho phép thành lập và định kỳ cấp phép hoạt động để kiểm định trong những lĩnh vực cụ thể.
+ Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do cá nhân có nhu cầu thành lập, được Bộ trưởng Bộ GDĐT cho phép thành lập và định kỳ cấp phép hoạt động để kiểm định trong những lĩnh vực cụ thể.
c) Trong giai đoạn 2011-2015, để thống nhất quy trình đánh giá, đảm bảo sự khách quan và công bằng về kết quả đánh giá chỉ nên thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Nhà nước (do Bộ GDĐT thành lập), độc lập với các đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo. Giai đoạn 2016-2020, có thể hình thành các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục do tổ chức, cá nhân thành lập.
Một Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập trong thời gian sớm nhất để thay mặt Bộ GDĐT chỉ đạo các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục triển khai hoạt động. Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục có nhiệm vụ kiểm định các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, tư vấn, giúp Bộ trưởng Bộ GDĐT trong việc thành lập, cho phép thành lập và cấp phép hoạt động cho các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục độc lập với Bộ GDĐT trong việc hoạt động chuyên môn.
Mối quan hệ giữa các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục với Bộ GDĐT, với các cơ sở GDĐH - TCCN được minh họa trong sơ đồ dưới đây:
4. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục là một đơn vị chuyên trách, có thể là một cơ quan, văn phòng, trung tâm hay công ty, có tư cách pháp nhân; có Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục do cơ quan chủ quản của tổ chức đó thành lập; có đội ngũ chuyên gia đánh giá để triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được quyền độc lập trong việc đưa ra quyết định công nhận hoặc không công nhận cơ sở giáo dục hoặc chương trình giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
1.3. Thực trạng hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN trong nước
Hiện nay, Chính phủ đang chủ trương đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2010-2020, quyết tâm xây dựng một số trường đại học đẳng cấp quốc tế; thực hiện đổi mới quản lý giáo dục, trong đó kiểm định chất lượng được sử dụng như một công cụ quan trọng để khuyến khích tất cả các cơ sở giáo dục đại học, kể cả các cơ sở TCCN, nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc phấn đấu đạt các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Trong những năm qua, hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục ở nước ta đang từng bước được hình thành. Đầu năm 2002, Bộ GDĐT đã thành lập Phòng Kiểm định chất lượng đào tạo trong Vụ Đại học (nay là Vụ Giáo dục đại học). Năm 2003 Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Cục KTKĐCLGD) đã được thành lập theo Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Chính phủ. Việc thành lập Cục KTKĐCLGD đã đánh dấu một thời kỳ mới của sự phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam. Năm 2004, Bộ GDĐT đã ban hành quy định tạm thời về kiểm định chất lượng các trường đại học làm công cụ để triển khai hoạt động kiểm định chất lượng trong cả nước. Năm 2005, kiểm định chất lượng giáo dục được đưa vào Luật Giáo dục; năm 2006 được đưa vào Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục. Đến nay, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm định chất lượng GDĐH - TCCN và đang được triển khai thực hiện.
Tính đến hết tháng 8/2010, cả nước có 100 trường đại học, 99 chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông trình độ đại học, 81 trường cao đẳng, 10 chương trình đào tạo giáo viên tiểu học trình độ cao đẳng, 56 trường trung cấp chuyên nghiệp đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, trong số đó đã có 40 trường đại học, 4 chương trình đào tạo giáo viên tiểu học trình độ cao đẳng đã được đánh giá ngoài. Tuy nhiên, so với yêu cầu chung thì tiến độ kiểm định chất lượng như hiện nay vẫn còn khá chậm. Công tác tự đánh giá nói riêng và công tác kiểm định chất lượng giáo dục nói chung chưa được nhiều cơ sở GDĐH - TCCN quan tâm do thiếu các chính sách liên quan đến quyền lợi của các cơ sở giáo dục khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá hay khi được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Do kiểm định chất lượng giáo dục là một hoạt động mới, nên rất cần có sự hỗ trợ về chuyên gia và tài chính. Trong những năm gần đây, một số dự án, đề án đã dành một phần kinh phí đáng kể để triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục. Mặc dù các hoạt động này còn thiếu đồng bộ và thường phiến diện, chưa có tính hệ thống nhưng sự hỗ trợ của các dự án trong thời gian qua đã góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.
1.4. Những căn cứ pháp lý để xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đối với GDĐH - TCCN trong nước
Đề án được xây dựng trên các cơ sở pháp lý sau:
Luật Giáo dục năm 2005 đã quy định “Kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện định kỳ trong phạm vi cả nước và đối với từng cơ sở giáo dục. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục được công bố công khai để xã hội biết và giám sát”.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009 đã bổ sung các quy định về kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó quy định rõ hơn nội dung quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục, nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục và các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.
Nghị quyết số 50/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học yêu cầu : “Đẩy mạnh công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo hướng đẩy nhanh tiến độ và công khai kết quả kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục đại học,…hình thành một số tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học độc lập”.
Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã xem công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục và đề ra mục tiêu “Xây dựng và hoàn thiện các giải pháp bảo đảm chất lượng và hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục”.
Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục, đã dành một chương về kiểm định chất lượng giáo dục.
Tại Chỉ thị số 296/CT-TTg ngày 27/02/2010 về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ GDĐT: “Đẩy mạnh việc đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo hướng đẩy nhanh tiến độ tự đánh giá của các trường đại học và cao đẳng, triển khai từng bước việc kiểm định các trường đại học, cao đẳng; xây dựng tiêu chuẩn và hình thành một số cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục đại học,...”
Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ ngày 06/01/2010 của Ban cán sự Đảng bộ Bộ GDĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012 và chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/BCSĐ đã đưa ra một số hoạt động cần sớm triển khai thực hiện để đẩy nhanh tiến độ kiểm định chất lượng giáo dục.
[1] Nguồn: “Mạng lưới quốc tế các tổ chức đảm bảo chất lượng giáo dục đại học (INQAAHE)”. Tại website www.inqaahe.org
[2] Không phân biệt cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập
[3] Không phân biệt cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập