- Theo kết quả kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học dựa trên 61 tiêu chí, chỉ có duy nhất một trường đại học có số lượng tiêu chí “Đạt” cao nhất là 56.
Từ tháng 1/2016 đến 31/5/2018, 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đã tiến hành đánh giá ngoài 122 trường đại học; trong đó có 117 trường đại học, học viện được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và 5 trường chưa được công nhận "đạt chuẩn chất lượng" (trong tổng số 234 trường, không tính 31 trường khối an ninh, quốc phòng và 5 trường có yếu tố nước ngoài).
Trong số 117 cơ sở, có 100 trường đại học công lập và 17 trường đại học ngoài công lập.
Theo các chuyên gia giáo dục, trước áp lực gia tăng về trách nhiệm giải trình và hiệu quả đào tạo trong giáo dục đại học trên thế giới trong suốt hơn ba thập kỷ qua, kiểm định chất lượng đã dần trở thành công cụ đảm bảo chất lượng phổ biến ở nhiều hệ thống giáo dục kể cả phát triển và chưa phát triển.
Từ kết quả kiểm định của 117 cơ sở, GS Bành Tiến Long (nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT) và cộng sự Tạ Thị Thu Hiền đã có phân tích nhìn sâu hơn vào thực trạng của các trường.
Lưu ý, viêc kiểm định theo bộ tiêu chí này kéo dài trong hơn 2 năm, từ tháng 1/2016 đến tháng 5/2018 và chu kỳ đánh giá là 5 năm. Cho đến tháng 7/2017, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy định mới về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học (với 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí). Dẫu vậy, những kết quả của đợt đánh giá ngoài theo 61 tiêu chí vẫn có giá trị tham khảo nhất định.
9 tiêu chí 100% trường đều đạt
Theo kết quả này, có 9 tiêu chí 100% các cơ sở giáo dục đại học đều đạt được là: Xác định sứ mạng của trường đại học; các hoạt động của tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể; đảm bảo các quyền dân chủ trong trường đại học cho cán bộ, giảng viên; một số tiêu chí về chăm sóc sinh viên; các hoạt động hợp tác quốc tế được thực hiện theo quy định của Nhà nước.
Với 52 tiêu chí còn lại, mỗi tiêu chí có ít nhất một cơ sở giáo dục đại học chưa đạt.
1 trường có số lượng tiêu chí "Đạt" cao nhất là 56/61
Theo kết quả kiểm định chất lượng dựa trên 10 tiêu chuẩn với 61 tiêu chí, duy nhất có một trường đại học có số lượng tiêu chí “Đạt” cao nhất là 56/61; 25 trường, học viện (chiếm tỷ lệ 21,36%) có 49/ 61 tiêu chí “Đạt”. Theo quy định, 49 tiêu chí “Đạt” là con số tối thiểu để một trường, học viện được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. GS Bành Tiến Long cho rằng, điều này càng dễ hiểu vì sao Việt Nam chưa có cơ sở giáo dục đại học nào nằm trong "tốp 500" của các bảng xếp hạng thế giới.
Sơ đồ thể hiện số lượng cơ sở giáo dục Đại học với số lượng tiêu chí chưa đạt yêu cầu
Đáng lưu ý, có tới 98 trường chưa đạt 9 tiêu chí trở lên, chiếm 83,76% tổng số trường. Đây là những con số đáng lo ngại, phản ánh đúng những nội dung yếu kém của giáo dục đại học Việt Nam. GS Bành Tiến Long lưu ý, phần lớn các trường được kiểm định là những trường được coi là xếp hạng khá trở lên trong hệ thống.
5 tiêu chí các trường chưa đạt yêu cầu nhiều nhất
Tuy nhiên, có tiêu chí số lượng các cơ sở giáo dục đại học chưa đạt lên tới 77,8% là tiêu chí yêu cầu về chuyển giao khoa học công nghệ. 5 tiêu chí có số lượng cơ sở giáo dục đại học chưa đạt yêu cầu cao nhất cụ thể như sau:
5 tiêu chí có số lượng cơ sở giáo dục đại học chưa đạt yêu cầu cao
Tuy nhiên, có tiêu chí số lượng các cơ sở giáo dục đại học chưa đạt lên tới 77,8% là tiêu chí yêu cầu về chuyển giao khoa học công nghệ. 5 tiêu chí có số lượng cơ sở giáo dục đại học chưa đạt yêu cầu cao nhất cụ thể như sau:
"Đọ sức" trường công lập và tư thục
Kết quả này cũng chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu của các trường công lập và tư thục dựa trên việc so sánh một số tiêu chí đánh giá.
Theo đó, 17/17 trường tư thục (chiếm 100%) chưa đạt yêu cầu về “Đảm bảo nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ không ít hơn kinh phí của trường đại học dành cho các hoạt động này”.
Đối với các tiêu chí liên quan đến diện tích, hoạt động kiểm tra, đánh giá, mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, sự cân bằng về trình độ của giảng viên, phân bổ tài chính, xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển và lấy ý kiến phản hồi của người học, các trường đại học tư thục có tỉ lệ “Chưa đạt” cao hơn so với mặt bằng chung và so với các trường công lập.
Biểu đồ so sánh tỉ lệ % tiêu chí “Chưa đạt” ở trường Công lập và Tư thục
Tuy nhiên, đối với các tiêu chí liên quan đến tổ chức quản lý, quản trị, lấy ý kiến phản hồi của sinh viên tốt nghiệp và nhà sử dụng lao động, đảm bảo đủ giảng viên thực hiện chương trình đào tạo, tiêu chí về thư viện, trường đại học tư thục có tỉ lệ “Chưa đạt” thấp hơn so với mặt bằng chung và so với các trường công lập.
Từ kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu một số tồn tại chủ yếu mà các trường cần tập trung cải thiện.
Đó là quản trị đại học và tổ chức quản lý trường, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và hiệu quả của công tác nghiên cứu khoa học, thư viện và diện tích đất sử dụng. Ngoài ra, tài chính đại học cũng là một vấn đề đáng lưu tâm.
43% chưa đáp ứng yêu cầu chương trình đào tạo chuẩn, giảng viên chuẩn
Từ kết quả kiểm định chất lượng, nhóm nghiên cứu đề xuất một số vấn đề tồn tại cần tập trung giải quyết.
Đối với công tác quản trị và quản lý, có 36% số trường chưa có cách tổ chức phù hợp như chưa thành lập hội đồng trường, hội đồng khoa...
43% cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu chương trình đào tạo có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lý, thiết kế đáp ứng chuẩn kỹ năng và nhu cầu của thị trường lao động.
Trong triển khai hoạt động đào tạo, phương pháp và quy trình kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học chưa thật sự được các trường chú trọng. Có đến 44% các trường đại học chưa đáp ứng được yêu cầu của tiêu chí này.
Ngoài ra, 33% các trường đại học vẫn chưa chú trọng lấy ý kiến của người học, nhà sử dụng lao động và các bên liên quan để làm căn cứ điều chỉnh chương trình đào tạo.
Thứ hai, sự bất cập của nhiều trường đại học là tỷ lệ trung bình SV/GV còn quá cao. Thậm chí, có chương trình đào tạo lên tới khoảng 60 SV/GV. Theo kết quả kiểm định, 55% trường được đánh giá chưa đáp ứng đủ số lượng giảng viên thực hiện chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Đặc biệt, có 43% trường được đánh giá có đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo trình độ chuẩn theo quy định. Một số giảng viên chưa giảng dạy theo chuyên môn được đào tạo. Đồng thời, số lượng đội ngũ cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn lên tới 35%.
Nhóm nghiên cứu cũng nhìn nhận điểm tồn tại lớn nhất của các trường đại học là nhiều đề tài, dự án chưa được thực hiện và nghiệm thu theo kế hoạch. Tính ứng dụng và chuyển giao của các đề tài nghiên cứu còn yếu mà một chỉ số cho thấy là 78% cơ sở chưa thực hiện đầu tư cho nghiên cứu khoa học theo đúng quy định.
Đáng lưu ý, có 66% cơ sở đại học được đánh giá chưa đáp ứng yêu cầu của tiêu chí thư viện. Bên cạnh đó, số trường đại học được đánh giá chưa đủ diện tích sử dụng đất theo quy định; diện tích mặt bằng tổng thể chưa đạt mức tối thiểu theo quy định lên tới 55%.
Cuối cùng, sự phân bổ, sử dụng tài chính minh bạch và hiệu quả cho các bộ phận và các hoạt động của trường đại học cũng chưa được đảm bảo. Có đến 38% cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được các yêu cầu này.
15 năm, 3 bộ tiêu chí Hoạt động đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam có "tuổi đời" khá trẻ, chính thức đánh dấu bằng sự kiện thành lập Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (nay là Cục Quản lý chất lượng). Từ đó đến nay, đã có 3 bộ tiêu chuẩn kiểm định chính thức, bộ đầu tiên ban hành vào năm 2004, bộ thứ 2 ban hành vào tháng 10/2007 và được sử dụng cho đến tháng 6/2018 - chính là bộ có 10 tiêu chuẩn, 61 tiêu chí. Bộ mới nhất được ban hành ngày 19/5/2017 với 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí. Từ tháng 7/2018, việc kiểm định thực hiện theo bộ tiêu chí này ở 4 góc độ: Chiến lược, Hệ thống, Chức năng, Kết quả. Quy định mới được đánh giá theo thang 7 mức. Quy trình vẫn qua 4 bước: Tự đánh giá - Đánh giá ngoài - Thẩm định kết quả đánh giá - Công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. |
Theo Thuý Nga - Hạ Anh (giới thiệu) - Báo VietnamNet