Trước làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi giáo dục đại học phải thay đổi cả chương trình đào tạo lẫn phương thức đào tạo.
“Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khu vực giáo dục đại học bị đặt trước nhiều thách thức rất lớn. Các trường Đại học không thể dự đoán được các kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai gần. Lý do là tốc độ thay đổi công nghệ từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra quá nhanh”.
Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Khoa học Phan Quang Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường Đại học và cao đẳng Việt Nam tại hội thảo quốc tế: “cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng tại các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam” diễn ra tại Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) ngày 21/7.
Những thách thức mang tính sống còn
Theo Tiến sĩ Trung, trong cuộc cách mạng lần này, các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học từ các trường đại học phải đối mặt với các yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới.
Tiến sĩ Phan Quang Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: TT
“Nhiều tập đoàn công nghệ ngày nay có tiềm lực công nghệ, con người và tài chính rất lớn. Họ lại ở tuyến đầu trong cuộc chạy đua biến tri thức thành sản phẩm phục vụ cuộc sống. Vì thế, họ có nhiều trải nghiệm quý giá mà giới hàn lâm đại học không có. Chính điều đó đã làm giảm đáng kể ranh giới và khoảng cách về tri thức và khả năng sáng tạo giữa khu vực Đại học và công nghiệp”.
Tiến sĩ Trung phân tích thêm, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải. “Tất cả tạo ra một bức tranh giáo dục đào tạo sinh động mà các phương thức giáo dục truyền thống chắc chắn sẽ không thể đáp ứng” ông Trung nói.
Cùng chung quan điểm trên, Tiến sĩ Phạm Ly - Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với giáo dục đại học Việt Nam là rất lớn.
“Những mô hình đại học truyền thống đang bị thách thức. Cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi bản chất của trường đại học truyền thống, tạo điều kiện cho đại chúng hóa giáo dục đại học phát triển”. Tiến sĩ Ly cũng chỉ ra những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến giáo dục đại học Việt Nam sẽ khiến chúng ta nhìn trường đại học theo cách khác với trước đây. “Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ sở tạo ra toàn cầu hóa trong giáo dục đại học. Và quá trình toàn cầu hóa đó vừa tạo ra cơ hội hợp tác nhưng cũng tạo ra sự cạnh tranh” Tiến sĩ Ly cho biết.
Trường Đại học làm gì để đáp ứng?
Tiến sĩ Ly đặt vấn đề, trước làn sóng đó thì trường đại học làm gì để đáp ứng? Theo bà thì vấn đề sống còn cho các trường đại học là phải đẩy mạnh quốc tế hóa, hội nhập thông qua các chương trình liên kết. Thực tế hiện nay, nhiều trường đại học đang thực hiện các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Qua đó, tận dụng được công nghệ, sáng kiến cũng như đội ngũ giáo viên chất lượng cao. "Cần phải nhấn mạnh vào thực tiễn quốc tế và chuẩn mực quốc tế. Tập trung vào năng lực xây dựng chính sách ở cấp hệ thống lẫn cấp trường". Ngoài ra, cũng theo Tiến sĩ Ly thì các cơ sở giáo dục đại học phải nâng cao việc bảo đảm chất lượng và kiểm định. Trong đó, phấn đấu đạt kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc tế.
Còn theo Thạc sĩ Quách Ngọc Xuân – Trưởng ban phát triển chương trình Đại học trực tuyến Funix (Đại học FPT) thì cần một cách tiếp cận mới với giáo dục Đại học (ít nhất là về công nghệ thông tin), lợi dụng tối đa những lợi thế mà Internet mang lại để tạo nên một trường đại học chất lượng như các nước phát triển (Mỹ) mà giá thành phù hợp với các nước đang phát triển (Việt nam). "Cần tạo nên một trường đại học không chỉ dành cho những người có thể suốt ngày đi học mà cả những người chỉ có thể chắt chiu thời gian để đầu tư cho tương lai. Tạo nên một trường đại học mà thầy giáo chính là chuyên gia đang làm việc trong ngành, tích hợp nhà trường và ngành công nghiệp, xây dựng và khai thác cộng đồng nghề (hình thành Hội nghề nghiệp thực chất)" ông Xuân cho hay.
Tiến sĩ Phan Quang Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội các trường Đại học và cao đẳng Việt Nam cũng chung nhận định, dưới "sức ép" của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì các hình thức đào tạo trực tuyến như MOOC (Massive Open Online Course) có thể sẽ ngày càng trở nên thịnh hành hơn. Các cơ sở đào tạo với những chương trình học cập nhật tiến bộ công nghệ hay hợp tác sâu rộng với giới công nghệ trong đào tạo và nghiên cứu sẽ có ưu thế trong việc thu hút người học.
Theo Tấn Tài - Báo Giáo dục Việt Nam