Dự thảo thông tư hướng dẫn về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục vừa được Bộ GD&ĐT công bố xin ý kiến rộng rãi.
Những nội dung thanh tra chuyên ngành đối với Sở, Phòng GD&ĐT; cơ sở GD ĐH và trường TCCN; cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên; thanh tra chuyên ngành đối với hoạt động hợp tác đầu tư có yếu tố nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục ; thanh tra chuyên ngành đối với các cơ sở giáo dục khác, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục tại Việt Nam được quy định cụ thể, chi tiết trong dự thảo này.
Nội dung thanh tra có những vấn đề đáng chú ý như việc dạy thêm học thêm; tuyển sinh; mở ngành đào tạo; tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ…
Hoạt động thanh tra chuyên ngành được tiến hành theo đoàn thanh tra chuyên ngành hoặc do thanh tra viên, công chức cơ quan thanh tra, cộng tác viên thanh tra tiến hành độc lập.
Về thẩm quyền, Thanh tra Bộ thanh tra chuyên ngành đối với các sở GD&ĐT; các ĐH; học viện, trường ĐH, viện, trường CĐ, TCCN, cơ sở giáo dục khác; cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài tham gia hoạt động giáo dục tại Việt Nam.
Thanh tra Sở thanh tra chuyên ngành đối với Phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, GDTX, trường chuyên biệt; trường ĐH, học viện, viện, trường CĐ, TCCN (không bao gồm các cơ sở giáo dục ĐH, TCCN công lập của các Bộ, cơ quan ngang bộ đóng trên địa bàn) theo phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục; cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài tham gia hoạt động giáo dục tại địa phương.
Hoạt động thanh tra chuyên ngành trong các ĐH quốc gia, đại học vùng thực hiện theo quy định tại thông tư 51 quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra của cơ sở giáo dục ĐH, TCCN.
Theo Lập Phương - Báo Giáo dục & Thời đại