TIN TỨC & SỰ KIỆN

Vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó đề ra các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình học bậc ĐH được các cử tri quan tâm và gửi câu hỏi tới Bộ trường Phạm Vũ Luận.

Giờ học của sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP HCM

Cử tri hỏi:

Bộ trưởng có giải pháp gì mới và hiệu quả đề nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình để có chất lượng phù hợp phục vụ tốt nhất việc học tập của sinh viên?

Bộ trưởng trả lời:

Về nâng cao chất lượng chương trình đào tạo

Theo Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và các quy định của Bộ GD&ĐT, việc tổ chức xây dựng, thẩm định, ban hành và cập nhật, bổ sung chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học do các cơ sở giáo dục đại học chịu trách nhiệm thực hiện. Để đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện các giải pháp cụ thể như sau:

- Quy định chặt chẽ về các điều kiện mở ngành, thực hiện chương trình đào tạo, bao gồm các điều kiện về cơ sở vật chất, môi trường sư phạm và đặc biệt là về đội ngũ giảng viên. Cụ thể là: để mở ngành đào tạo trình độ đại học, cơ sở giáo dục đại học phải có đội ngũ giảng viên cơ hữu giảng dạy được tối thiểu 70% khối lượng kiến thức, có tối thiểu 1 tiến sỹ và 3 thạc sĩ đúng ngành.

- Chỉ cho phép các trường tự thẩm định chương trình đào tạo khi có đủ các điều kiện: (i) Có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu có bằng tiến sĩ, trong đó có ít nhất 1 Giáo sư hoặc Phó Giáo sư hoặc tiến sĩ khoa học đúng ngành đăng ký đào tạo trình độ đại học; (ii) Trường đã thành lập trên 5 năm và có ít nhất 1 khóa sinh viên chính quy đã tốt nghiệp. Nếu các trường không đủ điều kiện tổ chức tự thẩm định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ định một cơ sở giáo dục đại học có uy tín, đủ năng lực để giúp trường thẩm định chương trình.

- Cho phép các trường được sử dụng chương trình nước ngoài nhưng phải được hội đồng khoa học và đào tạo của nhà trường thông qua và đảm bảo các môn học bắt buộc theo quy định (như các môn lý luận chính trị, An ninh Quốc phòng....);

- Yêu cầu các nhà trường xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của từng ngành, chương trình đào tạo, tạo điều kiện để người dạy, người học và xã hội giám sát việc thực hiện chương trình đào tạo.

- Triển khai một số dự án giúp nâng cao năng lực của một số trường đại học trong xây dựng chương trình đào tạo như: Chương trình giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp (POHE), Chương trình thiết kế và phát triển chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra (CDIO) nhằm hoàn thiện mô hình, quy trình về xây dựng và phát triển chương trình đào tạo theo từng khối ngành và chuyển giao cho các trường khác.

- Thực hiện 35 chương trình tiên tiến ở 23 trường đại học, trong đó có mục tiêu là xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chương trình của các trường đại học tiên tiến của nước ngoài. Kinh nghiệm trong xây dựng nội dung của chương trình tiến tiến, phương pháp đào tạo đi cùng chương trình đã và đang được chuyển giao cho các khoa, trường khác.

- Triển khai biên soạn thông tư quy định cụ thể về quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trong các trường đại học và cao đẳng theo Luật Giáo dục Đại học; xây dựng thông tư quy định về chuẩn các ngành, chương trình đào tạo, làm cơ sở để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng của chương trình đào tạo;

- Đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng theo từng chương trình, ngành đào tạo ở tất cả các trường.

Về nâng cao chất lượng giáo trình phục vụ học tập của sinh viên

Để đảm bảo chất lượng của giáo trình sử dụng trong các trường đại học, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 04/2011/TT-BGDĐT về việc biên soạn và sử dụng giáo trình giáo dục đại học, trong đó quy định: (i) Chủ biên hoặc đồng chủ biên giáo trình các môn học của chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học phải có chức danh Giáo sư, phó Giáo sư hoặc trình độ tiến sĩ thuộc chuyên ngành của giáo trình đó; (ii) Các thành viên tham gia Ban biên soạn giáo trình phải có chuyên môn phù hợp với nội dung giáo trình và đang trực tiếp giảng dạy trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ hoặc các nhà khoa học có uy tín đang tham gia thỉnh giảng tại trường; (iii) Mời các đơn vị sử dụng lao động tham gia quá trình biên soạn, thẩm định giáo trình giáo dục đại học.

Trong chỉ đạo, Bộ GD&ĐT luôn yêu cầu các trường ưu tiên bố trí kinh phí cho việc tổ chức biên soạn giáo trình; lựa chọn mua bản quyền giáo trình nước ngoài để dịch và sử dụng trong nước; chủ động phối hợp với các trường trong cùng khối ngành, các khoa cùng nhóm ngành tổ chức biên soạn giáo trình, đảm bảo đến năm 2015 tất cả các môn học đều có đủ giáo trình phục vụ đào tạo.

Ngoài ra, từ năm 2008 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo xây dựng được trên 1300 giáo trình điện tử và đưa lên mạng làm tài liệu sử dụng chung cho giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai các giải pháp như: Rà soát hệ thống giáo trình của từng cơ sở đại học; đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở học liệu, trong đó quan tâm tới xây dựng hệ thống học liệu điện tử; đầu tư biên soạn và nâng cao chất lượng của các giáo trình dùng chung; yêu cầu các trường đại học trọng điểm quốc gia tập trung biên soạn các giáo trình sử dụng chung trong các khối ngành; tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thư viện điện tử, thực hiện kết nối thư viện giữa các nhà trường.

Theo báo Giáo dục & Thời đại

Our website is protected by DMC Firewall!