TIN TỨC & SỰ KIỆN

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa công bố kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 35/2009/QH12 và Nghị quyết 50/2010/QH12 của Quốc hội liên quan đến giáo dục đại học (GDĐH).

Ảnh minh họa

Tốc độ thành lập trường không còn quá nóng

Kết quả giám sát ghi rõ, sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, việc thành lập trường đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển GDĐH và bảo đảm thực hiện đúng theo các tiêu chí, điều kiện, quy trình thành lập trường ĐH theo Luật Giáo dục (sửa đổi, bổ sung năm 2009) và quy định của Thủ tướng.

Tốc độ thành lập trường không còn quá nóng; cơ cấu ngành nghề tại các cơ sở GDĐH mới thành lập từng bước được điều chỉnh. Quy trình thành lập khoa học, hợp lý hơn, tạo điều kiện cho cơ sở GDĐH mới được thành lập, đặc biệt là các cơ sở GDĐH ngoài công lập có đầy đủ tư cách pháp nhân cần thiết để tiến hành thủ tục thực hiện đầu tư xây dựng phát triển trường đồng bộ về cả 4 yếu tố: đất đai xây dựng trường, đội ngũ GV, vốn đầu tư và các điều kiện bảo đảm chất lượng.

Tuy nhiên, báo cáo giám sát cũng cho rằng, dù vậy, tốc độ thành lập trường trong các năm 2010 và 2011 vẫn còn cao. Việc phân bố các trường mới thành lập theo địa lý còn chưa hợp lý. Việc cân đối cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa thực sự gắn với Chiến lược và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 cũng như Quy hoạch phát triển nhân lực của các bộ, ngành, địa phương.

Một số địa phương đã có sự quan tâm, hỗ trợ đáng kể cho việc thành lập trường, đặc biệt là về quy hoạch đất đai, phê duyệt các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc cấp đất xây dựng mới hoặc mở rộng khuôn viên nhà trường.

Nhiều cơ sở GDĐH đã chủ động nỗ lực cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên và các điều kiện bảo đảm chất lượng khác… góp phần đáng kể cải thiện và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Việc thẩm định thành lập trường thời gian qua nhìn chung được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho đến nay vẫn chưa đưa ra được những quy định cụ thể về công tác hậu kiểm đối với các trường sau khi thành lập.

Các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo được cải thiện

Theo kết quả giám sát, công tác tuyển sinh và mở ngành đào tạo được quy định chặt chẽ hơn. Đa số các trường đều cố gắng bám sát quy định của pháp luật để tổ chức hoạt động, phát triển quy mô đào tạo phù hợp với các điều kiện bảo đảm chất lượng.

Quy mô đào tạo GDĐH giai đoạn vừa qua đã có sự điều chỉnh, chú trọng hơn tới chất lượng thay vì chạy theo số lượng HSSV. Chỉ tiêu được giao hằng năm về tăng quy mô đào tạo đối với GDĐH từ năm 2010 tới nay chỉ dừng ở mức khoảng 6 - 6,5%, giảm 5 - 6% so với năm 2009 trở về trước. Tỉ lệ SV hệ chính quy, tập trung tăng lên trong khi số lượng sinh viên hệ phi chính quy giảm dần.

Công tác phát triển đội ngũ GV và cán bộ quản lý được các cơ sở GDĐH chú trọng thúc đẩy mạnh mẽ. Hầu hết các cơ sở GDĐH đều đưa ra nhiều giải pháp để xây dựng, thu hút, phát triển đội ngũ GV. Nhiều cơ sở đào tạo đưa ra những chính sách khuyến khích về vật chất như hỗ trợ, ưu đãi về lương, thưởng, hỗ trợ khuyến khích học tập nâng cao trình độ hoặc bố trí nhà công vụ cho GV trẻ…

Chương trình đào tạo của các cơ sở GDĐH mới thành lập được xây dựng theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập cũng được các trường quan tâm, đẩy mạnh theo hướng lấy người học làm trung tâm, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, chú trọng phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, khả năng làm việc tập thể của người học… Hoạt động nghiên cứu khoa học và gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất kinh doanh đã được các cơ sở GDĐH chú trọng hơn.

Cũng theo kết quả giám sát, việc đầu tư cho GDĐH cũng có nhiều đổi mới. NSNN tiếp tục giữ vai trò chủ yếu trong đầu tư phát triển GDĐH với giá trị đầu tư không ngừng tăng cao. Cơ chế, định mức phân bổ kinh phí phù hợp với thực tiễn hơn. Việc lập và giao kế hoạch NSNN cho GDĐH được thực hiện kịp thời và ổn định.

Công tác xã hội hóa GDĐH được quan tâm thúc đẩy; chính sách mới về học phí giúp có thêm nguồn lực để nâng cao các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo. Đặc biệt, chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực, không chỉ góp phần tăng cường giá trị đầu tư của Nhà nước mà còn đạt được thành tựu nổi bật khi không để cho bất cứ học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì thiếu kinh phí học tập, góp phần thực hiện tốt công bằng xã hội trong GDĐH .

Công tác quản lý nhà nước về GDĐH từng bước được cải thiện theo hướng phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan, bộ, ngành chủ quản và các địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực GDĐH thời gian qua được tăng cường mạnh mẽ và kiên quyết, nhờ đó đã tạo được chuyển biến tích cực từ nhận thức tới thực hiện, góp phần lập lại trật tự, kỷ cương trong các hoạt động của GDĐH. Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDĐH được quan tâm, đẩy mạnh; công tác tổ chức, quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở GDĐH được chú trọng đổi mới.

Thế nhưng, kết quả giám sát cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập, đó là tiến độ ban hành văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Nghị quyết còn chậm. Đầu tư từ NSNN cho GDĐH còn hạn chế; cơ chế tự chủ của cơ sở GDĐH, đặc biệt là về tự chủ tài chính còn nhiều vướng mắc.

Chưa có cơ chế, chính sách cụ thể và khả thi giúp cơ sở GDĐH ngoài công lập phát triển. Công tác quản lý nhà nước về GDĐH tuy đã được cải thiện song vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém, đặc biệt là trong quản lý đối với các hoạt động đào tạo liên thông, liên kết, nhất là liên kết đào tạo với nước ngoài.

Theo Hải Bình - Báo Giáo dục & Thời đại

DMC Firewall is a Joomla Security extension!