Sáng 22/5, Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) đã tổ chức Báo cáo Dự thảo Khung trình độ năng lực ngoại ngữ dùng cho Việt Nam tương thích khung năng lực ngoại ngữ chung của châu Âu. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì cuộc họp với các đơn vị liên quan để trao đổi thống nhất về một số nội dung của Dự thảo.
Hiện trong dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam đang tồn tại rất nhiều “khung chuẩn”. Việc xây dựng và ban hành một “thước đo” thống nhất trên toàn quốc, vừa phù hợp với điều kiện dạy – học ngoại ngữ tại Việt Nam, vừa được cộng đồng quốc tế công nhận là một trong những vấn đề được Bộ GD&ĐT rất chú ý, quan tâm.
Nội dung Dự thảo gồm: Khung trình độ năng lực ngoại ngữ dùng cho Việt Nam tương thích khung năng lực ngoại ngữ của châu Âu; Các chủ điểm và tình huống để lựa chọn ngữ liệu xây dựng đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo khung trình độ năng lực ngoại ngữ dùng cho Việt Nam; Bảng trọng số độ khó cho các đề thi tiếng Anh theo khung trình độ năng lực ngoại ngữ dùng cho Việt Nam; Định dạng đề thi tiếng Anh theo khung trình độ năng lực dùng cho Việt Nam.
Trước đó, Dự thảo đã được gửi đến 12 đơn vị, trong đó có các trường đại học đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ trên toàn quốc để lấy ý kiến đóng góp. Về cơ bản, các đơn vị đều nhất trí với nội dung Dự thảo và bày tỏ ý kiến đồng ý ban hành Dự thảo sau khi có chỉnh sửa, bổ sung.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các vụ và chuyên gia từ các trường đại học đã đóng góp ý kiến xung quanh việc văn bản khung năng lực ngoại ngữ sẽ ban hành có thay thế Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT không? Cần thuyết minh làm rõ quy trình xây dựng văn bản…
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Quyết định số 66/2008/QĐ-BGDĐT không phải là khung trình độ năng lực ngoại ngữ mà là quy định Chương trình giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành.
Cần thống nhất việc ban hành một “khung chuẩn” trong việc dạy - học ngoại ngữ. Bởi không có khung thì không có chuẩn để đánh giá, không có chuẩn để xây dựng chương trình, không có chuẩn để nghiệm thu đầu ra. Việc xây dựng khung trình độ năng lực ngoại ngữ chính là căn cứ để thống nhất tiêu chí trong hệ thống ngoại ngữ Việt Nam sau này.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chỉ đạo Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu lại Dự thảo, chỉnh sửa lại những nội dung chưa phù hợp, đặc biệt cần bổ sung cụ thể khung chuẩn được xây dựng có đặc điểm riêng của Việt Nam như thế nào, tương thích với chương trình đào tạo, hệ thống văn bằng quốc tế ra sao; phần giới thiệu chung cần nêu bật lý do, mục đích, ý nghĩa, cơ sở khoa học,…
Thứ trưởng nhận định: Trước mắt sẽ xây dựng một khung chuẩn đánh giá cho ngoại ngữ là tiếng Anh, sau đó tiến tới những ngoại ngữ khác. Hiện học sinh THPT khi thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ chưa đánh giá được các kỹ năng nghe, nói, đọc. Nếu khung chuẩn ngoại ngữ được triển khai thành công, trong quá trình học tập, các em tự tin mình đủ trình độ sẽ đăng ký tham gia dự thi, đạt được chứng chỉ sẽ được tính điểm thi tốt nghiệp…
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục cùng các đơn vị liên quan sẽ hoàn thiện, xây dựng nội dung để ban hành 2 thông tư về Khung trình độ năng lực ngoại ngữ dùng cho Việt Nam và Định dạng đề thi tiếng Anh theo khung trình độ năng lực ngoại ngữ cho Việt Nam trong thời gian tới.
Theo Gia Hân - Báo Giáo dục & Thời đại