TIN TỨC & SỰ KIỆN

Vấn đề điểm sàn chỉ nóng lên khoảng 2 năm trở lại đây, đặc biệt trong mùa tuyển sinh 2012 khi không ít trường ĐH, CĐ công lập và ngoài công lập gặp nhiều khó khăn trong nguồn tuyển. Trước thực trạng đó, nhiều trường cho rằng cách áp dụng điểm sàn như hiện nay là rào cản lớn khiến các trường không thể tuyển đủ chỉ tiêu và ảnh hưởng lớn đến sự tồn vong của các trường này.

Đã có không ít kiến nghị Bộ GD&ĐT nên bỏ điểm sàn hay đề xuất phương án xác định mức điểm sàn riêng cho công lập - dân lập, cho lấy chỉ tiêu dự bị ĐH ở mức dưới điểm sàn chung. Một số ý kiến lại cho rằng phải xem xét lại cách thức ra đề, hay cần có quy định nhiều mức điểm sàn cho phù hợp với cơ cấu vùng miền

Mỗi ý kiến nêu ra đều có cái lý của nó, việc xác định điểm sàn một cách hợp lý sẽ giúp các nhà trường vượt qua được những khó khăn về nguồn tuyển. Tuy nhiên, việc xác định điểm sàn cũng cần cân nhắc kỹ, để tránh việc tạo thêm nguồn tuyển cho các trường đại học nhưng lại làm cạn kiệt nguồn tuyển đối với các trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng.

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2012 bậc ĐH tuyển được 88%, CĐ 70%, TCCN 63%. Nhìn vào cả 3 bậc học trên cho thấy đều không tuyển hết chỉ tiêu, tỷ lệ tuyển càng thấp hơn ở bậc CĐ và lại thấp hơn nữa ở bậc trung cấp. Hoàn toàn không có chuyện thí sinh trượt đại học xuống học cao đẳng và trượt cao đẳng xuống học trung cấp.

Thực tế là nhiều em trượt đại học trường này, nhưng không chấp nhận vào trường thấp hơn mà đợi sang năm thi lại. Bỏ điểm sàn là điều không nên vào lúc này, nếu bỏ điểm sàn thì không những chúng ta đại học hóa nguồn nhân lực, mâu thuẫn với quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc cơ cấu nguồn nhân lực cũng như chủ trương phân luồng trong tuyển sinh của ngành giáo dục.

Trên thực tế thì với điều kiện hiện nay thực lực của các nhà trường cũng chưa thể đáp ứng cao nhu cầu học tâp với trình độ đại học. Chẳng qua đây chỉ là tâm lý trọng bằng cấp trong xã hội. Việc xác định lại cách tính điểm sàn là điều nên làm, nhưng yếu tố đầu tiên cần được quan tâm là vẫn phải đảm bảo chất lượng nguồn tuyển.

Chúng ta có thể xác định điểm sàn dựa trên việc phân tầng các đại học, khu vực. Theo đó, các trường nghiên cứu nên có mức điểm sàn thế nào, các đại học ứng dụng thì mức điểm sàn ra sao. Thí sinh ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành có điều kiện kinh tế - xã hội – giáo dục phát triển cũng nên có mức điểm sàn cao hơn các địa phương có nền tảng giáo dục thấp hơn.

Tuy rằng, học sinh các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã được cộng điểm ưu tiên khu vực, nhưng trên thực tế thì sức học của những học sinh khu vực này vẫn còn kém xa các tỉnh, thành phát triển.

Thực tế cho thấy, những trường đại học thuộc hàng đầu luôn lấy điểm cao hơn điểm sàn, thứ đến mới là các trường đại học công lập ở top giữa nhắm tới thí sinh có điểm sát sàn. Chính vì thế việc phân định điểm sàn cũng nhằm tránh không để các trường top giữa này tuyển hết thí sinh ở mức cận điểm sàn.

Chính vì vậy, để xây dựng một mức điểm sàn hợp lý Bộ GD&ĐT nên dựa theo phổ điểm thi chung của thí sinh ở từng môn thi, cũng nên công bố phổ điểm này ra để dư luận thấy rằng phổ điểm thi đại học và phổ điểm thi các môn tốt nghiệp trung học phổ thông khác nhau ra sao, khi đó dư luận sẽ nhận thấy tính hợp lý của điểm sàn thi đại học được đưa ra.

Thêm nữa, việc xây dựng điểm sàn cần tính đến sự cân đối một cách hợp lý với số chỉ tiêu các trường đã xây dựng. Sau khi công bố điểm sàn, Bộ GD&ĐT cũng nên lắng nghe dư luận xã hội để có những điều chỉnh cần thiết.

Cuối cùng, tôi cho rằng quan trọng hơn cả là các nhà trường cần xây dựng kế hoạch tuyển sinh cho mình một cách hợp lý. Chỉ tiêu cần được xác định trên cơ sở khoa học, tính thực tế dựa trên nhu cầu nguồn nhân lực và năng lực đào tạo của trường mình.

Các nhà trường cũng nên nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, trách nhiệm với người học hơn nữa. Phương án tốt nhất cho các nhà trường chính là tạo uy tín với xã hội và cũng là cách thức hiệu quả nhất thu hút được người học.

Từ ngày 02/3, Báo Giáo dục & Thời đại (gdtd.vn) mở diễn đàn “Hiến kế xây dựng phương án điểm sàn mùa tuyển sinh 2013”. Các phương án của bạn đọc đề xuất sẽ được đăng tải trên báo để trao đổi, tranh luận. Mọi ý kiến tham gia diễn đàn xin gửi về email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. 

NGƯT.TS Hoàng Ngọc Trí - Chủ tịch Hiệp hội các trường CĐ, TC kinh tế kỹ thuật (Báo Giáo dục & Thời đại)

DMC Firewall is developed by Dean Marshall Consultancy Ltd