Doanh nghiệp chê sinh viên ra trường yếu, thiếu kĩ năng, ngoại ngữ không đáp ứng được yêu cầu công việc. Trường đại học ‘đáp’ rằng, giảng đường chỉ cung cấp những kiến thức cơ bản chứ không thể làm theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Sự vênh nhau này lại một lần được mổ xẻ tại hội thảo đối sách đầu ra theo yêu cầu xã hội do ĐHQG TP.HCM phối hợp với Trung tâm dư báo Nguồn nhân lực và thông tin thị trường TP.HCM tổ chức ngày 8/12.
Doanh nghiệp chê sinh viên yếu
Ông Trần Thanh Liêm đến từ Tổng công ty điện lực TP.HCM, nói rằng nhiều sinh viên tốt nghiệp rất yếu kém kĩ năng, đặc biệt là thuyết trình và giao tiếp.
“Những sinh viên kĩ thuật rất giỏi về kiến thức nhưng khi đi dự hội thảo nước ngoài lại nghe không được, nói không xong và viết cũng không nổi. Ngoài ra, khả năng làm việc nhóm cũng rất kém”.
Ông Liêm cho rằng, ở môi trường công nghệ, ngay trong quá trình đào tạo và khi ra trường đã thay đổi rất nhiều. Nhà trường cần phối hợp với những nhà thầu tiên tiến, cung cấp tài liệu kĩ thuật cho sinh viên nghiên cứu, tiếp cận với kĩ thuật mới.
Đại diện công ty Tân Hiệp Phát cho hay, đã phỏng vấn 200 sinh viên ở một trường đại học, nhưng chỉ tuyển dung được 10 người. 160 người không sử dụng được do xa lạ với môi trường làm việc. Điều buồn hơn nữa, trong 10 bạn được đánh giá tốt nhất thì cũng chỉ đạt được khoảng 60% yêu cầu của doanh nghiệp”.
Theo ông Masaki Yamashita, Tổng giám đốc ngân hàng Mitsibishi UFJ Việt Nam, hầu hết các công ty, doanh nghiệp nước ngoài đều bất mãn với nguồn nhân lực của Việt Nam vì kĩ năng giao tiếp và làm việc nhóm của người Việt Nam rất kém: “Tôi rất tiếc là các SV học được rất nhiều ở trường, nhưng để chuyển giao kiến thức thành kĩ năng làm việc lại không làm được, không áp dụng được thực tế và khi có một vấn đề gì, các bạn cũng không nói chuyện hay trao đổi được với cấp trên”
Ông Yamashita ví dụ, khi trao đổi về một vấn đề, do nhân viên không nói được tiếng Anh nên ông thường cho họ thảo luận bằng tiếng Việt. Tuy nhiên sau đó những người này thường trả lời ông rằng đây không phải là lỗi tại họ.
Vị Tổng Giám đốc khuyên Việt Nam nên đào tạo một lực lượng nhân lực trung gian để làm cầu nối, nguồn nhân lực này vừa thâu tóm được nhóm nhân lực dưới và làm việc với cấp trên. Bởi nếu các nhân lực dưới không dám nói với cấp trên thì không thể giải quyết được công việc.
Trong khi đó ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết: khảo sát 25.000 học sinh – sinh viên, có khoảng 54% cho là doanh nghiệp cần kiến thức chuyên môn; 53% đánh giá kĩ năng giao tiếp là quan trọng nhất, 89% cho là cần trang bị kĩ năng mềm. Tuy nhiên, khi hỏi trang bị kĩ năng mềm bằng cách nào thì 43% để phiếu trống.
‘Trường ĐH chỉ trang bị những kiến thức cơ bản”
Trường đại học không thể chạy theo yêu cầu của doanh nghiệp
Theo TS Lê Hữu Phước – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, các nhà tuyển dụng không nên đòi hỏi SV tốt nghiệp đáp ứng 100% yêu cầu công việc vì đó là điều bất khả thi.
Lý do là sau 4 năm đào tạo, sinh viên mới chỉ trang bị được kiến thức sơ khai và nền tảng. Chuyện doanh nghiệp đào tạo lại, đào tạo tiếp cho lao động, tạo môi trường làm việc cho họ là đương nhiên.
Tuy nhiên, TS Phước cũng bắt “bệnh” của trường ĐH ở Việt Nam là vẫn chưa xác định kiến thức nào nền tảng, kĩ năng nào cơ bản; đặc biệt là các trường “top trên” luôn chạy theo những kiến thức mang tính hàn lâm, tinh hoa…mà quên đi giá trị ứng dụng của thị trường lao động.”
Đại diện Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho rằng, ngoài việc nhà trường phải gắn bó với doanh nghiệp thì nên tạo ra ý thức cho sinh viên. Cụ thể là sinh viên phải năng động tìm ra nhu cầu của mình chứ không thể bắt các thầy tìm hộ.
Đúc kết lại vấn đề, TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho rằng trường đại hoc không thể nào chạy theo yêu cầu của doanh nghiệp, cũng không thể trang bị cho sinh viên những kiến thức hiện đại nhất. Nhiệm vụ của ĐH là trang bị những kiến thức cơ bản nhất, còn doanh nghiệp có trách nhiệm để ứng viên thành thạo trong công việc.
Theo Lê Huyền - Báo Vietnamnet