TIN TỨC & SỰ KIỆN

Từ năm 1993 Học chế Tín chỉ (HCTC) được thực hiện đầu tiên tại ĐH Bách Khoa TP.HCM, tiếp đến là ĐH Khoa học TP.HCM, ĐH Xây Dựng Hà Nội rồi ĐH Bách Khoa – ĐH Đà Nẵng… Đến nay, về cơ bản HCTC đã được triển khai ở bậc giáo dục đại học trong hầu khắp cả nước. Chúng tôi, với tư cách là những sinh viên đang theo học HCTC xin mạo muội có đôi dòng nhận xét về loại hình đào tạo mới mẻ này!

Hiển nhiên, khi đã quyết định thay đổi cái cũ sang cái mới thì cái mới ấy phải có ưu điểm vượt trội hơn cái cũ. Phải khẳng định rằng HCTC có những điểm tốt hơn so với loại hình đào tạo niên chế truyền thống. Về cơ bản, nó trao quyền chủ động học tập cho SV, tạo cơ hội cho SV tự quyết định tiến độ học tập và tốc độ tích lũy tín chỉ phù hợp với năng lực và nhu cầu của mình, SV cũng được quyền lựa chọn lớp học phần, thời gian học và thậm chí cả cán bộ giảng dạy…

Học chế tín chỉ trao quyền chủ động cho sinh viên

Học chế tín chỉ khuyến khích tinh thần tự giác học tập ở SV, đào tạo theo HCTC khối lượng kiến thức vẫn giữ nguyên so với đào tạo niên chế truyền thống trong khi số lượng tiết học lại giảm xuống đáng kể, điều đó yêu cầu giảng viên đứng lớp chỉ trao đổi những nội dung căn bản của môn học, những vấn đề liên quan còn lại được giao cho SV hoàn thành tại nhà bằng các bài thuyết trình, nghiên cứu tiểu luận...

Loại hình mới cũng tạo sự linh động học tập cho SV, khi môn học được chia thành học phần, SV hoàn toàn có điều kiện học tập song ngành, tốt nghiệp nhiều bằng ở các ngành học khác nhau (điều mà đào tạo niên chế không làm được), những học phần nào trùng nhau giữa các ngành SV sẽ chỉ phải học 1 lần duy nhất. Nó cũng là “ngôn ngữ chung” cho các trường ĐH “giao tiếp” khi có sự chuyển đổi địa chỉ học tập của SV – tức là nếu 2 trường ĐH cùng đào tạo những nhóm ngành giống nhau ở “đẳng cấp” như nhau thì việc SV trường này có nguyện vọng chuyển sang đào tạo tiếp ở trường kia cũng sẽ trở nên rất dễ dàng.

Ở trên là những điểm mạnh của của loại hình đào tạo mới mà dưới góc nhìn SV chúng tôi ghi nhận được, tuy nhiên sự mới mẻ nào cũng có những khó khăn cơ bản của nó.

Cái khó đầu tiên là sự lúng túng của các sinh viên năm nhất khi phải thích nghi với môi trường học tập hoàn toàn mới khác xa cách “cầm tay chỉ việc” ở các lớp THPT. Giờ giấc, thời gian học tập đã không còn đều đều lặp lại y hệt lúc phổ thông, rồi việc chưa hiểu sâu, hiểu đủ về các điều khoản của quy chế tín chỉ cũng gây cho SV những khó khăn trong thủ tục giấy tờ, tài liệu học tập….

Đào tạo tín chỉ là loại hình đào tạo hiện đại yêu cầu sự chuyên nghiệp của hệ thống quản trị và cơ sở vật chất đầy đủ; rút gọn, đơn giản hóa thủ tục giấy tờ tối đa thì mới có thể vận hành trơn tru hiệu quả được. Do vậy những đơn vị mới chuyển đổi thường thiếu kinh nghiệm vận hành và cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ cùng những thủ tục giấy tờ rườm rà lại trở thành “hành khổ” SV.

Vấn đề gắn kết quan hệ giữa người dạy và người học được coi là điểm yếu của HCTC, cái tốt ở đâu thì cái dở cũng ở chỗ ấy. Vì HCTC là môi trường đào tạo chuyên nghiệp, trao cho người học quyền chủ động học tập và phục vụ đào tạo ở quy mô “công nghiệp” nên vấn đề gắn kết tình cảm thầy-trò đã không còn thân mật gần gũi như xưa nữa.

Giảng viên bây giờ đi dạy là đi làm, học viên đi học là đi mua kiến thức, chẳng ai nợ ai điều gì nên cái duyên thầy trò cũng nhạt hẳn đi. Thôi thì để nhận được những giá trị mới tốt hơn ta cũng đành hi sinh những giá trị cũ!

Theo Phạm Tấn Lực - Báo Giáo dục & Thời đại

Our website is protected by DMC Firewall!