Bài 1: Kết quả khảo sát của Bộ GD-ĐT công bố cho thấy, thực tế nhiều trường ĐH, CĐ rất thiếu hoặc không có thư viện. Trong 196 trường ĐH, CĐ thuộc diện khảo sát, còn trên 20 trường "trắng" thư viện.
Nhiều đại học trắng thư viện
Một quan chức của Bộ GD-ĐT so sánh, nếu như các trường ĐH trên thế giới luôn coi thư viện là linh hồn, là trái tim của một trường ĐH thì ở Việt Nam lại ngược lại.
"Nguồn tài liệu ít được cập nhật nên thư viện lạc hậu..." - Trưởng phòng Đỗ Thúy Hằng, HV Báo chí-TT cho hay (Ảnh: Văn Chung)
Từ khảo sát của Bộ cho thấy, trong số 87,8% trường ĐH, CĐ có thư viện truyền thống thì khối các trường trực thuộc Bộ có tỷ lệ đạt thấp nhất với 80,4%. Các trường trực thuộc các Bộ ngành khác là 92,9%. Các trường trực thuộc UBND tỉnh/ thành phố là 88,6%.
Theo đó, tỷ lệ trường thuộc Bộ GD-ĐT quản hiện chưa có thư viện chiếm gần 20%. Tỷ lệ trắng thư viện ở các trường trực thuộc các bộ ngành khác là 7% và trường thuộc tỉnh/thành phố chưa có thư viện là gần 12%...
Với số liệu Bộ đưa ra chứng minh một điều: nhiều ĐH Việt mọc ra nhưng không có "linh hồn"? Mặc dù con số 196 trường Bộ sờ đến mới chiếm chưa được 50% số trường ĐH, CĐ hiện có - chưa kể chất lượng bên trong các thư viện truyền thống có đáp ứng nhu cầu ngành học?
Trong khi đó, Điều lệ trường ĐH quy định, điều kiện để mở ngành đào tạo trình độ ĐH là phải có thư viện đáp ứng yêu cầu của ngành đào tạo. Đồng thời, có đủ phòng học với các phương tiện, trang thiết bị cần thiết đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập....
Nhưng thực tế, trong tổng số 172 thư viện của 196 trường ĐH, CĐ được khảo sát chỉ có 38,9% thư viện đạt chuẩn thư viện hiện có của Việt Nam hoặc nước ngoài.
Bên cạnh thư viện truyền thống, số trường có thư viện điện tử chỉ có 39,7%. Có 77 thư viện điện tử trong tổng số 196 trường ĐH, CĐ được khảo sát. Con số này được Bộ GD-ĐT bình luận, quá ít. Điều đó thể hiện sự chậm trễ của các trường ĐH, CĐ trong việc khai thác các lợi thế của công nghệ thông tin.
Chất lượng đi xuống
Đại diện Trường ĐH Mỏ - địa chất thừa nhận, hiện số lượng các loại sách báo tiếng Việt, tiếng nước ngoài chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Mặt khác, do hạn hẹp về kinh phí nên nhiều loại sách tham khảo, tài liệu nghiên cứu còn thiếu không cập nhật.
Cùng với đó là cơ sở vật chất thư viện và hệ thống thông tin còn nghèo nàn, lạc hậu - đây chính là nguyên nhân cơ bản làm chất lượng phục vụ cho cán bộ, giáo viên, sinh viên nghiên cứu thấp không đáp ứng yêu cầu. Một số thư viện tại các khoa hầu như không hoạt động, thiếu sự liên kết với thư viện trường....
Còn lãnh đạo Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho biết, hiện thư viện của trường có khoảng 30.000 đầu sách khoa học kỹ thuật với 130.000 bản sách, trong đó có 20%-30% sách khoa học kỹ thuật bằng tiếng nước ngoài.
Tuy nhiên, là một trường ĐH trọng điểm nhưng đến nay nhà trường vẫn chưa có được thư viện điện tử phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Định hướng đến năm 2015 trường đề nghị Bộ GD-ĐT đầu tư kinh phí để xây dựng một thư viện điện tử với quy mô 7 tầng, diện tích sàn khoảng 10.000 m2 .
ĐH Nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu cải tạo thư viện có kết nối mạng với vốn vay từ World Bank thuộc dự án GD ĐH I là 500.000 USD đang là kế hoạch thì tương lai.
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Kiều Thế Hưng nhìn nhận, những thành quả mà giáo dục ĐH Việt Nam đạt được trong thời gian qua rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, so với khu vực và thế giới giáo dục ĐH Việt Nam đang còn ở khoảng cách quá xa.
"Chuyện một trường ĐH lớn ở Việt Nam không đủ phòng học, phải đi thuê, sinh viên phải học nhiều ca, không đủ phòng học bộ môn, thiết bị vừa thiếu vừa quá lạc hậu, môi trường cảnh quan quá chật hẹp...là chuyện quá bình thường và phổ biến ở Việt Nam" - ông Kiều dẫn dụ.
Bất cập quy hoạch?
Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TP.HCM tiền thân là Trường Sư phạm thể dục TW2 được thành lập tháng 3/1976. Quy mô đào tạo của trường hệ chính quy hiện có 1.500 sinh viên.
Mặc dù trong những năm gần đây trường rất muốn tăng quy mô đào tạo để đáp ứng nhu cầu của hệ thống các trường từ tiểu học đến ĐH nhưng "lực bất tòng tâm". Vì trường quá chật hẹp so với chuẩn Việt Nam năm 1985: dưới 2.000 sinh viên phải cần 20 ha. Trong khi diện tích hiện có của trường dưới 1 ha.
Những ngày bình thường, Trung tâm thông tin-thư viện của HV Báo chí Tuyên truyền có rất ít sinh viên tới đọc sách báo hay nghiên cứu tài liệu. (Ảnh: Văn Chung)
Còn vệ hệ thống thiết bị phục vụ cho quá trình đào tạo (giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học...) tính từ khi được nâng cấp thành trường ĐH - Bộ GD-ĐT đã rất qua tâm nhưng vì sống trong "một gia đình đông con, cơm ăn chưa đủ làm sao tính chuyện mặc đẹp". Do đó, hệ thống thiết bị vẫn còn quá thiếu thốn, đó là chưa dám nói đến huấn luyện nâng cao, phục hồi sau tập luyện...
Tại hội thảo đánh giá thực trạng cơ sở vật chất và thiết bị các trường ĐH, CĐ khối công lập, đại diện lãnh đạo nhà trường đã nêu bất cập trên.
Tiến sĩ Trần Thanh Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu thiết kế trường học nêu thực trạng, số trường mới được thành lập, chủ yếu là các trường ngoài công lập đều bó buộc trong những diện tích vốn không được thiết kế dành cho đào tạo. Không ít trường được bố trí ở nhữn khuôn viên vốn không thích hợp do chuyển đổi (Trường ĐH Mỏ địa chất với gần 1 vạn sinh viên được bố trí trong một khu khách sạn được cải tạo lại)...
Chính nguyên nhân thiếu đất dẫn đến các khu chức năng cần có của một trường ĐH, CĐ bị phá vỡ - ông Bình nói.
Bởi vậy, trong những lời giải cho bài toán giáo dục ĐH Việt thì đầu tư tập trung và chiến lược cho giáo dục ĐH là điểm nút quan trọng nhất. Nếu không có một "cú hích" về chiến lược thì khát vọng về một nền giáo dục ĐH Việt phát triển ngang hàng với Châu lục và thế giới sẽ vẫn còn ở rất xa - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Kiều Thế Hưng đề xuất.
Theo Nguyễn Hiền - Báo Vietnamnet.vn
Bài 2: Khi đại học thả sinh viên 'ngồi đáy giếng'