Bộ giáo dục sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép các trường đại học tuyển dụng giảng viên theo hai hình thức luật lao động và luật viên chức để thu hút “nhân tài”.
LTS: Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên tại các trường Đại học.
Trong đó, tập trung vào các vấn đề chính như: tăng tỷ lệ Tiến sĩ, nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học…
Ngoài ra, đề án cũng tiếp thu các ý kiến nhằm “tháo còng” cho các trường đại học để tuyển dụng được người tài về phục vụ.
Đó là những kiến nghị thay đổi về cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với giảng viên để ngăn “nhân tài” rũ áo ra đi.
Xung quanh vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Hải Thập – Phó Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả.
Phóng viên: Thưa ông, đề án nâng cao năng lực giảng viên mà Bộ giáo dục đang xây dựng tập trung vào những vấn đề gì?
Tiến sĩ Nguyễn Hải Thập: Chúng ta phải đưa ra phương án để tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ cao hơn hiện nay. Tiến tới, đã là giảng dạy đại học thì phải có trình độ Tiến sĩ. Và muốn như vậy thì phải có lộ trình, tăng từng bước một.
Tiến sĩ Nguyễn Hải Thập - Phó Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép các trường đại học tuyển dụng giảng viên theo hai hình thức luật lao động và luật viên chức. Ảnh: TT
Ví dụ như năm nay vào khoảng hơn 20%, nâng dần lên đạt 40-45%. Trong tương lai thì đã là giảng viên đại học thì phải có trình độ Tiến sĩ. Tuy nhiên, trình độ đào tạo chỉ là một tiêu chí thôi, còn muốn giảng dạy (bậc đại học) thì phải có năng lực giảng dạy, năng lực giáo dục, năng lực nghiên cứu khoa học... Mà người giảng dạy thì phải có ba nhiệm vụ: giảng dạy, nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ cho cộng đồng.
Muốn giảng dạy tốt thì anh phải có năng lực khoa học, phương pháp nghiên cứu, phương pháp giảng dạy, phương pháp tiếp cận các vấn đề xã hội, năng lực phát triển môn học theo yêu cầu của thị trường lao động, năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Vừa qua, có tình trạng giảng viên đi du học bằng ngân sách nhà nước rồi tự phá vỡ cam kết, không trở về công tác gây thiết hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho các trường. Vậy Bộ Giáo dục có phương án nào để ngăn chặn tình trạng trên?
Tiến sĩ Nguyễn Hải Thập: Đúng là có nhiều giảng viên sau khi học xong, có thể do mong muốn phát triển cá nhân, phát triển cuộc sống ở nước ngoài nên nhiều giáo viên không quay về.
Nhưng tôi tin đến một lúc nào đó, khi cuộc sống của người ta ổn thì những người đó sẽ có đóng góp cho đất nước, chứ không phải cứ đi là mất. Người Việt Nam mình đi ra, bước đầu khó khăn thì có thể ở lại nhưng đến một giai đoạn nào đó thì họ sẽ quay về với đất nước.
Nhưng để hạn chế bớt đi (đào tạo rồi đi), thì chính sách hỗ trợ đội ngũ giảng viên phải thay đổi.
Trong đó, phải tăng cường quyền tự chủ của các trường đại học để họ có những chính sách đãi ngộ tốt hơn. Bên cạnh ngân sách của nhà nước thì các trường cũng hỗ trợ vào. Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước thì sẽ rất khó khăn.
Các trường đại học hiện nay có nhiều trường mạnh, họ có nguồn lực rất là tốt nhưng vì cơ chế chính sách chưa phù hợp nên chưa được tự chủ trong việc trả lương cho giáo viên.
Nếu tăng quyền tự chủ cho các trường đại học thì họ sẽ có khả năng thu hút giảng viên bằng những chính sách hỗ trợ như: điều kiện làm việc, thiết bị công nghệ, chính sách tiền lương, phụ cấp và các chính sách về đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ tốt hơn. Lúc đó, giảng viên được nhận những chính sách tốt như vậy thì họ sẽ về.
Chính sách về đãi ngộ, thu hút nhân tài cho các trường Đại học sẽ được thay đổi như thế nào trong đề án này, thưa ông?
Tiến sĩ Nguyễn Hải Thập: Vấn đề cuối cùng là phải tăng cường quyền tự chủ của các trường. Trong đó, có việc tự chủ tuyển dụng, bố trí lao động. Lúc đó, người ta có thể đề xuất theo hướng: một mặt quản lý lao động theo luật viên chức, một mặt người ta quản lý theo luật lao động.
Cái đó không trái luật, không sao cả. Những người giỏi họ sẵn sàng từ bỏ viên chức để đi làm cho các công ty. Nếu trường đại học trả lương cao theo hợp đồng lao động thì người ta sẽ chuyển sang ký hợp đồng lao động để lấy lương cao.
Chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép các trường đại học tuyển dụng giảng viên theo hai hình thức luật lao động và luật viên chức. Tùy theo điều kiện thỏa thuận giữa người lao động và hiệu trưởng.
Thực tế, hiện các trường đại học (công lập) đều có cơ chế này nhưng chưa biết cách vận dụng. Các trường không dám làm vì không đọc kỹ các văn bản pháp luật. Nếu trong Luật không cấm thì ta có quyền làm.
Xin cảm ơn ông!
Theo Tấn Tài - Báo Giáo dục Việt Nam