Công bố quốc tế, ngoài là thước đo năng lực nghiên cứu và khả năng hội nhập của các nhà khoa học, còn là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá và xếp hạng đại học.
Vượt qua giới hạn quốc gia
So với một số nước trong khu vực ASEAN thì công bố quốc tế của ta còn khiêm tốn, kể cả số lượng và chất lượng. Điều này đặt ra một thách thức lớn về năng lực nghiên cứu và đánh giá xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH.
Công bố công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học quốc tế nói chung, và các tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI (Institute for Scientific Information - Viện Thông tin khoa học) nói riêng, là một trong những tiêu chí quan trọng đối với cá nhân nhà khoa học cũng như cơ sở giáo dục đại học với tư cách là nơi sáng tạo ra tri thức mới.
Theo thống kê từ Web of Science, giai đoạn năm 2011 - 2015, tổng số công bố quốc tế của Việt Nam trong ISI là 10.034 bài, trong đó số công bố của các nhà khoa học thuộc các trường đại học có 5.738 bài, chiếm trên 50% số công bố quốc tế trong cả nước.
Các công bố quốc tế, gồm bài báo, sách và các phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích… góp phần quan trọng trong nâng cao vị thế của các trường đại học.
Trong hầu hết xếp hạng về tiềm lực KHCN của các tổ chức khác nhau từ QS Ranking, QS Start, URAP (University Ranking by Academic Performance) cho đến Webometrics, các chỉ số liên quan trực tiếp và gián tiếp đến KH&CN, cụ thể như số công bố có trích dẫn cao nhất, số sản phẩm công nghệ patent, số các spin-off trên thị trường chuyển nhượng, số các start-up được hình thành… đều có trọng số rất cao trong đánh giá xếp hạng của đại học hay tổ chức nghiên cứu nói chung.
Tuy nhiên, khối các trường đại học kỹ thuật công nghệ luôn có tỷ lệ công bố quốc tế cao nhất. Riêng một số trường kỹ thuật công nghệ với một năm gần nhất (trên cơ sở số liệu của nhóm 16 trường: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Khoa học tự nhiên- ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa- ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Bách khoa- ĐH Đà Nẵng) cho thấy, công bố quốc tế giai đoạn 2011-2016 của 16 trường đại học khối kỹ thuật công nghệ là có 1733/5.738 bài của cả nước, chiếm khoảng hơn 30% công bố ngành giáo dục trên cả nước).
Khối các trường đại học sư phạm có các công bố trên các tạp chí có chỉ số ISI thuộc về khoa học tự nhiên, số công bố của khối các trường khoa học xã hội và nhân văn, khoa học giáo dục còn rất hiếm. Nhìn chung, tổng số lượng bài báo quốc tế có chỉ số ISI được xuất bản trong cả giai đoạn 2011-2015 từ các trường sư phạm còn khá khiêm tốn so với số lượng nguồn nhân lực hiện có (804 bài quốc tế có chỉ số).
TS Phan Xuân Hiếu (Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, công bố quốc tế là một trong những chỉ số quan trọng nhất cho biết một nhà nghiên cứu có tiếp cận và cập nhật những xu thế mới và quan trọng trong ngành của khoa học thế giới hay không, có đủ năng lực để tương tác với các đồng nghiệp quốc tế thông qua ngôn ngữ khoa học hay không, có những kết quả nghiên cứu có giá trị và thực sự ít nhiều có ảnh hưởng đến cộng đồng nghiên cứu hay không…
Vì vậy, những thống kê về công bố quốc tế là một chỉ số quan trọng và khách quan giúp mỗi nhà khoa học định vị bản thân mình trong bản đồ R&D (Research & Development - nghiên cứu và phát triển) của ngành và lĩnh vực.
Cần thêm những hỗ trợ
Theo chia sẻ của TS Nguyễn Hoàng Nam (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội), công bố quốc tế sẽ giúp cơ sở giáo dục ĐH quảng cáo mình tốt hơn, qua đó thu hút được nhiều SV và các nguồn tài trợ, thu hút thêm nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào hoạt động nghiên cứu và đào tạo.
Đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học trải nghiệm và tương tác với đồng nghiệp giỏi trên thế giới, tạo mạng lưới quan hệ và cộng tác học thuật rộng lớn trong lĩnh vực của mình.
Khi đã có vị trí và tên tuổi nhất định, các nhà khoa học sẽ dễ tiếp cận được các nguồn tài trợ thường xuyên. Điều này càng quan trọng trong bối cảnh các dự án nghiên cứu ngày nay có xu hướng liên ngành, liên lĩnh vực, cần nhiều đầu tư vào máy móc, thiết bị hiện đại để tiến hành thực nghiệm.
Tại Lễ trao tặng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2017 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ngành khoa học và công nghệ thời gian qua đã có nhiều bước tiến đáng kể nhưng vẫn ở mức trung bình thấp so với khu vực và trên thế giới. Cụ thể, số công trình của Việt Nam được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế ISI trong 5 năm qua tăng khoảng 20%/ năm. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/4 của Malaysia và 1/5 của Singapore.
Theo một thống kê, tỉ lệ từ chối của các tạp chí khoa học hàng đầu lên đến 90%, các tạp chí khoa học trung bình là 50%. Nguyên nhân của việc bị từ chối, theo PGS-TS Võ Nguyễn Quốc Bảo (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở TPHCM), ngoài do chủ đề bài báo không phù hợp với các lĩnh vực của tạp chí thì còn do chủ đề không còn tính thời sự; nội dung nghiên cứu đã được công bố trước đây hoặc bài báo chưa minh chứng rõ nội dung nghiên cứu mở rộng, bổ sung thêm từ các công trình đã công bố.
“Kết quả nghiên cứu có đóng góp hạn chế, không khả thi; tính mới, sự độc đáo, ưu việt chưa được chứng minh rõ; bố cục bài báo không phù hợp; ngôn ngữ viết báo chưa đạt yêu cầu của tạp chí; hình vẽ, biểu bảng, công thức không đạt yêu cầu; trả lời ý kiến phản biện không tường minh… cũng là các nguyên nhân khiến bài báo bị từ chối” - PGS Quốc Bảo cho biết.
Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã có những hỗ trợ thiết thực cho giảng viên - các nhà khoa học để thúc đẩy phát triển công bố khoa học. Trường ĐH Kinh tế quốc dân có riêng một chính sách hỗ trợ, khuyến khích công bố quốc tế như cơ chế khuyến khích về tài chính như thưởng tiền cho các giảng viên có bài nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế, mức chi cao hơn cho các đề tài cấp cơ sở được thực hiện bằng tiếng Anh có kèm theo công bố quốc tế; buộc mỗi viện nghiên cứu thuộc trường phải có ít nhất một bài nghiên cứu được đăng trên tạp chí chuẩn ISI hoặc SCOPUS; thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh; khuyến khích nhà khoa học tham gia các đề tài nghiên cứu của Quỹ Nafosted; có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích giảng viên tham gia hôi thảo tại nước ngoài.
GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng - cho biết: “ĐH Đà Nẵng đề ra mục tiêu tăng tổng số bài báo ISI/SCOPUS mỗi năm 40% trong thời gian tới. Chất lượng của các công bố quốc tế trong mỗi lĩnh vực tăng 30% mỗi năm. Để đạt được mục tiêu đó, ĐH Đà Nẵng sẽ khoán khối lượng giờ dạy chuẩn, kinh phí và sản phẩm công bố khoa học cho mỗi nhóm nghiên cứu – giảng dạy TRT hàng năm. Ngoài ra, chúng tôi sẽ hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu sinh tập trung để tăng cường năng lực nghiên cứu toàn thời gian tại ĐH Đà Nẵng; nâng cao mức tiền khen thưởng cho các công bố khoa học quốc tế có chất lượng cao, số lần trích dẫn lớn; tăng lương trước thời hạn cho các cá nhân có kết quả công bố đặc biệt xuất sắc…”.
ĐH Đà Nẵng cũng sẽ đầu tư kinh phí để thúc đẩy phát triển cho các nhóm TRT, theo đó, kinh phí đầu tư sẽ tương ứng với kết quả công bố đã đạt được trong các năm gần đây.
Theo AN KHANG - Báo Giáo dục & Thời đại