Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) do Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng vừa được công bố, xin ý kiến góp ý rộng rãi.
4 nội dung cơ bản được đề xuất sửa đổi
Dự thảo dự án Luật gồm 10 chương, 36 điều được sửa đổi, bổ sung. Các nội dung đề xuất sửa đổi gồm 36 điều (trong số 73 điều của Luật GDĐH), tập trung vào 4 chính sách cơ bản là:
Thứ nhất: Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ GDĐH trên các phương diện: hoạt động chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản; bao gồm việc sửa đổi 5 điều cụ thể là Điều 32, các điều từ Điều 64 đến Điều 67. Tinh thần đảm bảo tự chủ ĐH được bao trùm, thể hiện trong các chương quy định về Tổ chức cơ sở GDĐH, hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, tài chính, tài sản của cơ sở GDĐH.
Thứ hai: Nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở GDĐH; bao gồm việc sửa đổi 7 điều từ điều 16 đến điều 20 và các điều 54, 55.
Thứ ba: Đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn quốc tế; bao gồm việc sửa đổi 7 điều: Điều 6, các điều từ Điều 34 đến Điều 38 và Điều 45.
Thứ tư: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với GDĐH; bao gồm việc sửa đổi 17 điều: 4, 7, 8, 9, 11, 12, 14, 15, 39, 40, 42, 44, 48, 52, 68, 70, 72.
Xây dựng và ban hành dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về pháp luật đối với GDĐH trong thời gian qua, hoàn thiện khung pháp lý về GDĐH, giải quyết những vấn đề mới phát sinh, nổi cộm của GDĐH hiện tại và đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐH trong thời gian tới, phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển GDĐH, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
|
2 vấn đề còn có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến
Dự thảo Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT nêu những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng Dự án Luật cần xin ý kiến, gồm: cơ cấu tổ chức của đại học và công nhận hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng.
Về cơ cấu tổ chức của đại học:
- Loại ý kiến thứ nhất cho rằng trong cơ cấu của ĐH (quy định tại khoản 3 Điều15) nên có “trường”, “viện nghiên cứu” mà không phải là “trường thành viên” hay “viện nghiên cứu thành viên”có tư cách pháp lý độc lập.
Lý do: theo thông lệ chung trên thế giới, mô hình ĐH đa lĩnh vực mang tên tiếng Anh là University. Về mặt quản trị, các ĐH đa lĩnh vực thường có cấu trúc 3 cấp: cấp ĐH (University), cấp trường và tương đương (College, Faculty, School) và cấp khoa (Deparment).
Việc không quy định thuật ngữ “thành viên” trong mô hình ĐH như quy định tại khoản 3 Điều 15 nhằm phát huy ưu điểm của các ĐH đa lĩnh vực là để huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống để giải quyết các nhiệm vụ to lớn về đào tạo và nghiên cứu khoa học mà một trường ĐH chuyên ngành không thể đảm đương nổi.
Đó là: tạo cơ hội cho từng giảng viên được đi sâu vào chuyên môn của mình, cho phép người học được lựa chọn để học với những người thầy giỏi nhất, cho phép nhà trường mở ra các chương trình đào tạo, nghiên cứu liên ngành một cách nhanh nhất, đáp ứng yêu cầu của nền khoa học kỹ thuật trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
- Loại ý kiến thứ hai cho rằng tại khoản 3 Điều 15 quy định là “trường thành viên”, “viện nghiên cứu thành viên”
Lý do: Ngoài các đơn vị khác, ĐH gồm các trường thành viên hay viện nghiên cứu thành viên. Về cơ bản, quy định vẫn theo mô hình hiện nay là ĐH đa lĩnh vực có 4 cấp quản lý, trong đó các trường hay viện nghiên cứu thành viên như những cơ sở GDĐH độc lập.
Bộ GD&ĐT dự thảo hai phương án để lấy ý kiến và đề xuất phương án.
Về công nhận hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng:
- Ý kiến thứ nhất: cho rằng sửa đổi quy định về Hội đồng trường (Điều 16) và quy định về Hiệu trưởng (Điều 20) theo hướng là Hội đồng trường tổ chức thực hiện quy trình bầu Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng trình Bộ GDĐH công nhận.
Lý do: Thực hiện tự chủ ĐH, dự thảo đã quy định Hội đồng trường là cơ quan quản trị, quyền lực cao nhất trong trường ĐH nên Hội đồng trường thực hiện quyền tự chủ trong việc bầu hiệu trưởng và trình kết quả bầu để Bộ GDĐT công nhận nhằm thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về GDĐH, thực hiện giám sát các tiêu chuẩn cũng như việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với các chức danh lãnh đạo trong các cơ sở GDĐH, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH trên toàn hệ thống.
Bộ GDĐT không can thiệp vào công tác nhân sự và quá trình bầu Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng của Hội đồng trường; chỉ công nhận nếu kiểm tra hồ sơ thấy đã thực hiện đầy đủ các quy trình và tiêu chuẩn đã được quy định, nhằm quản lý chức danh hiệu trưởng trên mặt bằng tiêu chuẩn năng lực chung trong toàn hệ thống.
Thực hiện phương án này cũng đồng thời thực hiện chủ trương trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về “Giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp” trong quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Ý kiến thứ hai: cho rằng sửa đổi quy định về Hội đồng trường (Điều 16) và quy định về Hiệu trưởng (Điều 20) theo hướng là Hội đồng trường tổ chức thực hiện quy trình bầu Hiệu trưởng và các phó Hiệu trưởng trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận
Lý do: Quy định theo hướng như loại ý kiến thứ hai vẫn nhằm trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH công lập trong công tác nhân sự. Việc bầu Hiệu trưởng vẫn được thực hiện theo quyết nghị của Hội đồng trường. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ra quyết định công nhận kết quả bầu của Hội đồng trường. Tuy nhiên, việc quy định theo hướng như vậy có thể có những hạn chế nhất định trong việc thống nhất thực hiện tiêu chuẩn năng lực chung trên toàn hệ thống đối với các chức danh quan trọng này.
Bộ GDĐT dự thảo hai phương án để lấy ý kiến và đề xuất phương án 1 với các căn cứ đã phân tích ở phần lý do.
XEM TOÀN VĂN DỰ THẢO LUẬT TẠI ĐÂY
Ngày 15/9/2017, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, và một số chuyên gia, nhà khoa học. Trong quá trình soạn thảo, Bộ GDĐT đã tổ chức các cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập; các hội thảo, tọa đàm với chuyên gia trong nước và nước ngoài; tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức về dự án Luật với nhiều hình thức, quy mô khác nhau trong từng giai đoạn soạn thảo. Ban soạn thảo cũng đã lựa chọn một số vấn đề cơ bản, quan trọng về mặt chính sách của dự án Luật để đánh giá tác động. Sau khi phân tích, đánh giá tác động của từng phương án/giải pháp của từng vấn đề, Dự thảo Luật đã được xây dựng trên cơ sở lựa chọn phương án phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. |
Theo Hiếu Nguyễn - Báo Giáo dục & Thời đại