Theo TS. Lê Viết Khuyến – nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), trước năm 1993, ở Việt Nam không có các đại học đa lĩnh vực.
Tất cả các cơ sở giáo dục đại học, để phục vụ cho nhu cầu nhân lực của một nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, đều được xây dựng theo mô hình của Liên Xô cũ, tức là đều là các trường đại học chuyên ngành. Cái gọi là “Trường đại học Tổng hợp” trên thực tế cũng chỉ là trường đào tạo về khoa học cơ bản.
Để triển khai Nghị quyết TW4 (Khóa 7) nhằm đổi mới hệ thống giáo dục nước ta từng bước theo hướng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Nhà nước chủ trương xây dựng các đại học đa lĩnh vực.
Trên tinh thần đó, trong 2 năm 1993 và 1994, lần lượt 5 đại học đa lĩnh vực là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp. HCM, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng đã được thành lập, dựa trên nguyên tắc gom một số cơ sở GDĐH chuyên ngành có trên cùng 1 địa bàn lại với nhau. Hiện tại 5 đại học này đều hoạt động theo các quy chế riêng do Thủ tướng Chính phủ (đối với 2 đại học quốc gia) hoặc do Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (đối với 3 đại học vùng) ký ban hành.
TS. Lê Viết Khuyến cho biết thêm: Như đề xuất ban đầu từ Đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH do Bộ GD&ĐT trình lên Hội đồng Bộ trưởng (tức Chính Phủ) từ năm 1992, tất cả các đại học đa lĩnh vực phải được tổ chức như một chỉnh thể thống nhất, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, với một hệ thống quản trị 3 cấp là: đại học (University), trường thành viên (College) và khoa (Deparment), tức là theo mô hình các University của Hoa Kỳ. Để làm được việc đó, cần phải tổ chức lại tất cả các trường đại học chuyên ngành (vốn có cấu trúc kiểu Liên Xô cũ) tham gia vào sự hình thành của đại học đa lĩnh vực.
Tuy nhiên, quá trình triển khai lại không phải như vậy. Vì nhiều lý do khác nhau, cuối cùng ở tất cả các đại học đa lĩnh vực được thành lập, cấu trúc 3 cấp là trường – khoa – bộ môn (kiểu quản trị của Liên Xô cũ) về căn bản vẫn được giữ nguyên ở các trường thành viên.
Kết quả là các đại học đa lĩnh vực đều có cấu trúc 4 cấp: đại học - trường – khoa – bộ môn. Để giữ được vị thế của mình vốn đã từng là một trường đại học độc lập, các trường thành viên khi chuyển ngữ cấu trúc 4 cấp trên qua tiếng Anh thường sử dụng mô hình: University – University – Faculty- Department, gây ra sự hiểu lầm trong các đồng nghiệp nước ngoài cho rằng các đại học đa lĩnh vực ở Việt Nam là các tập đoàn đại học.
Thực ra các đại học đa lĩnh vực của ta ngay từ lúc thành lập đã có xu hướng tồn tại dưới dạng một “liên hiệp các trường đại học chuyên ngành”.
Khi thành lập các đại học đa lĩnh vực xã hội mong chờ ở những ưu việt mà kiểu trường này sẽ bộc lộ ra như: bộ máy tổ chức gọn nhẹ (không có sự trùng lặp các khoa, bộ môn ở những trường thành viên khác nhau), sinh viên được tự do lựa chọn học các môn học hoặc các chương trình liên ngành ở các trường khác nhau, sinh viên được học với những giảng viên giỏi nhất ở tất cả các môn học, dễ dàng mở ra các chương trình liên ngành (Inter-disciplinary)...
Tuy nhiên cho tới nay kết quả có được lại không phải như vậy do các trường thành viên vẫn hoạt động gần như độc lập, không phối hợp với nhau, trước hết là về mặt đào tạo, nên đại học không có được sức mạnh tổng hợp.
Về mặt thể chế các quy chế tổ chức và hoạt động của các đại học đa lĩnh vực, đặc biệt ở quy chế cho các đại học vùng ban hành tại Thông tư số 08/2014/TT-BGDĐT ngày 20/3/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và ở Điều lệ trường đại học, đã gần như khẳng định tư cách hoạt động độc lập của các trường thành viên.
Từ những phân tích ở trên, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, có thể thấy 2 nguyên nhân làm cho các đại học đa lĩnh vực của ta hiện nay chưa thể hiện được sức mạnh tổng hợp của mình như những đại học đa lĩnh vực đích thực:
Một là, các đại học đa lĩnh vực chưa phải là một chỉnh thể thống nhất (đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo mà chúng chỉ vận hành dưới dạng của một “tập đoàn đại học” hay chính xác hơn, dưới dạng của một “liên hiệp các trường đại học chuyên ngành”.
Hai là, về mặt pháp lý các trường đại học thành viên đã được nhà nước công nhận có tư cách gần như một trường đại học độc lập làm cho hoạt động của các đại học đa lĩnh vực trở nên rời rạc.
“Để các đại học đa lĩnh vực thực sự trở thành những “quả đấm thép” của giáo dục đại học Việt Nam, nhằm đón nhận những sứ mệnh cao hơn trước đà phát triển của đất nước, về mặt thể chế Nhà nước cần tạo điều kiện rất thuận lợi để chúng phát huy được tối đa sức mạnh tổng hợp của mình.
Trong chiến tranh chúng ta đã thành lập các quân đoàn để đánh hợp đồng binh chủng, trong kinh tế chúng ta đã có các tập đoàn quốc gia, nên trong giáo dục đại học chúng ta cũng cần đến các đại học đa lĩnh vực. Điều này là quá rõ ràng và không có gì dể hoài nghi ở chủ trương đó cả” – TS Lê Viết Khuyến khẳng định.
Một nội dung còn có tranh luận trong khi xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học liên quan đến cơ cấu tổ chức của đại học. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng trong cơ cấu của ĐH (quy định tại khoản 3 Điều15) nên có “trường”, “viện nghiên cứu” mà không phải là “trường thành viên” hay “viện nghiên cứu thành viên”có tư cách pháp lý độc lập. Loại ý kiến thứ hai cho rằng tại khoản 3 Điều 15 quy định là “trường thành viên”, “viện nghiên cứu thành viên”. |
Theo Hải Bình - Báo Giáo dục & Thời đại