TIN TỨC & SỰ KIỆN

So với thế kỷ 20, ở thế kỷ 21 giáo dục khai phóng trở nên phổ biến hơn, xuyên suốt hơn trong chương trình đào tạo cử nhân. Gần đây chủ đề về giáo dục khai phóng (Liberal Education) được bàn luận nhiều ở nước ta. Đặc biệt, khi đại học Fulbright Việt Nam và Đại học Việt Nhật tuyên bố sẽ áp dụng mô hình giáo dục khai phóng khi đào tạo đại học. Vậy giáo dục khai phóng là gì và nó có ý nghĩa như thế nào trong mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy và học ở đại học, nhất là trong thời đại hiện nay?

Hôm nay trong kỳ 1 của chủ đề “giáo dục khai phóng” gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nêu cụ thể giáo dục khai phóng trong giáo dục đại học các nước trên thế giới để độc giả hiểu rõ về nguồn gốc của vấn đề này. 

Thế nào là "giáo dục đại học khai phóng"?

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết. 

Nguồn gốc của giáo dục khai phóng 

Về giáo dục khai phóng qua không gian và thời gian có thể tìm thấy rất nhiều định nghĩa khác nhau, nhưng trước hết chúng ta hãy tham khảo một định nghĩa gần đây của Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Hoa Kỳ (AAC&U): 

“Giáo dục khai phóng là một cách tiếp cận học tập tạo năng lực và chuẩn bị cho từng cá thể người học ứng phó với sự phức tạp, đa dạng và thay đổi.  

Nó cung cấp cho người học một nền kiến thức bao quát về thế giới rộng lớn (khoa học, văn hóa và xã hội) đồng thời đi sâu nghiên cứu một lĩnh vực xác định. 

Giáo dục khai phóng giúp người học phát triển ý thức về trách nhiệm xã hội cũng như tri thức khả dụng mạnh mẽ và các kỹ năng thực tiễn như giao tiếp, phân tích và giải quyết vấn đề, cũng như thể hiện một năng lực áp dụng kiến thức và kỹ năng vào đời sống thực tế”. [AAC&U, 2017].


Theo Giáo sư Lâm Quang Thiệp: "So với thế kỷ 20, ở thế kỷ 21 giáo dục khai phóng trở nên phổ biến hơn, xuyên suốt hơn trong chương trình đào tạo cử nhân." (Ảnh minh họa: Bích Phượng)

Ở phương Tây có thể nói giáo dục khai phóng có từ thời Hy Lạp với niềm tin của Socratesvề “cuộc sống được thử thách” và lý tưởng của Aristotes về “công dân suy tư”. 

Ở phương Đông, giáo dục Khổng giáo Trung Hoa với Tứ Thư, Ngũ Kinh và đạo đức triết học Nho giáo, cam kết phát triển tư duy trên một phạm vi kiến thức rộng.

Quan niệm con người tính bản thiện, cần nuôi dưỡng và phát triển bản năng con người để hoàn thiện trí tuệ và đạo đức. Việc cam kết phát triển tư duy trên phạm vi kiến thức rộng như vậy có thể xem là tương đồng với giáo dục khai phóng.  

Ở Ấn Độ, trường Đại học Nalanda phát triển rực rỡ ở vùng đông bắc Ấn gần một nghìn năm cho đến cuối thế kỷ 12, giảng về Phật pháp và cũng đòi hỏi một nền giáo dục kiến thức rộng.  

Ở Ai Cập, Đại học Al-Azhar tại Cairo thành lập từ năm 975, ngoài việc giảng triết lý đạo Hồi, còn dạy văn học nghệ thuật và chủ trương  một nền giáo dục toàn diện.  

Như vậy, có thể nói giáo dục khai phóng có nguồn gốc từ thời Socrates, Aristotes ở phương Tây cũng như thời Khổng tử, Đức Phật và các hiền triết đạo Hồi ở phương Đông.

Giáo dục khai phóng trong giáo dục đại học Hoa Kỳ

Trong thế kỷ 20, giáo dục khai phóng phát triển nổi trội nhất ở Hoa Kỳ nên ở một số nơi (như ở Trung Đông) người ta gọi giáo dục khai phóng là giáo dục “theo phong cách Hoa Kỳ” [Kara A. Godwin, 2015]. 

Do đó có lẽ cần dừng lại nhiều hơn để nói về giáo dục khai phóng trong giáo dục đại học Hoa Kỳ.

Sau một quá trình phát triển lâu dài về chương trình giáo dục đại học Hoa Kỳ, một sự định hình phổ biến đã đạt được, đó là: chương trình cử nhân bao gồm  hai thành phần nội dung quan trọng: giáo dục đại cương (general education) và giáo dục chuyên nghiệp (professional education).

Thuật ngữ general education và liberal education ở Hoa Kỳ trong một thời gian dài được xem là đồng nhất, cho nên trong tiếng Việt có thể sử dụng giáo dục khai phóng hoặc giáo dục đại cương diễn tả cùng một khái niệm.

Ở Hoa Kỳ, các chương trình giáo dục đại cương dựa trên các triết lý về giáo dục, thể hiện ở 4 quan điểm: 

1) Tính trường tồn (Perennialism) cho rằng bản chất của giáo dục là vĩnh viễn và trường tồn, con người ở mọi nơi đều giống nhau và giáo dục sẽ như nhau đối với mọi người; 

2) Tính tinh túy (Essentialism), cho rằng giáo dục phải dựa trên một khối tinh túy liên quan đến di sản của nhân loại;

3) Tính tiến bộ (Progressivism)có tác dụng thực tiễn hơn, quan niệm sinh viên là trung tâm, rằng lợi ích của sinh viên xác định phương hướng của giáo dục, giảng viên là người hướng dẫn sinh viên.

Những người ủng hộ tính tiến bộ cho rằng phương pháp tư duy phê phán là kỹ năng có giá trị suốt đời trong khi kiến thức thì thường xuyên thay đổi. John Dewey là nhà triết học có quan điểm về tính tiến bộ nổi tiếng nhất;

4) Tính tái cấu trúc (Reconstructionism) chấp nhận quan điểm về tính tiến bộ của giáo dục nhưng đưa vào thêm thành tố lưu ý đến sự cấu trúc lại xã hội[A. Levin, 1985].  

Đối với giáo dục đại học Hoa Kỳ, nội dung giáo dục đại cương thường bao gồm: 

1) Các kỹ năng học tập cao cấp xuất phát từ 3R (Reading, wRiting, aRithmetic): Anh ngữ, toán học, sau đó là ngoại ngữ, giáo dục thể chất; 

2) Các môn học diện rộng theo lĩnh vực, chẳng hạn một số môn trong 3 lĩnh vực rộng: nhân văn, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; 

3) Các giáo trình hiểu biết chung, chẳng hạn nghệ thuật, nhà nước và thiết chế, tôn giáo[A. Levin, 1985].  

Ở Hoa Kỳ, các trường đại học có quyền tự chủ rất cao. Tuy nhiên, có những cơ chế khác buộc các trường đại học phải thiết kế chương trình đào tạo theo quan niệm chung của một chương trình cấp đại học, chẳng hạn, Hiệp hội các trường đại học miền Nam Hoa Kỳ về kiểm định công nhận chất lượng đã đưa ra 13 điều kiện để có thể trở thành một thành viên dự bị, trong đó điều kiện thứ 10 quy định như sau: 

“Tất cả các chương trình đào tạo đại học của nhà trường phải có một phần đủ lớn các môn học giáo dục đại cương ở trình độ đại học: chương trình hai năm (dẫn đến bằng phó cử nhân - associate degree) có ít nhất 15 tín chỉ, chương trình cử nhân có ít nhất 30 tín chỉ.

Các giáo trình không được tập trung hẹp vào các kỹ năng, kỹ thuật và quy trình riêng biệt đối với một nghề xác định.” [Handbook of Accreditation, 1988]. 

Giáo dục khai phóng trong giáo dục đại học các nước khác

Theo một thống kê về giáo dục khai phóng toàn cầu gần đây thì có 58 nước trên thế giới áp dụng giáo dục khai phóng trong giáo dục đại học, nhiều nhất ở châu Á, tiếp đến là châu Âu, gắn với quá trình Bologna. 

Các số liệu thống kê cho thấy trong các chương trình giáo dục khai phóng ngoài Hoa Kỳ thì 59% bắt đầu từ năm 1990, 44% bắt đầu từ năm 2000 [ Kara Godwin, 2015]. 

Ở Nhật Bản, sau thế chiến thứ 2, triết lý giáo dục khai phóng được đưa vào các trường đại học. Nhiều trường đại học Nhật đã áp dụng mô hình hai năm đầu đào tạo giáo dục đại cương và 2 năm sau đào tạo chuyên nghiệp. 

Tuy nhiên việc áp dụng mô hình đó bộc lộ một số nhược điểm nên vào thập niên 1990 Bộ Giáo dục Nhật bỏ quy định cứng về đào tạo giáo dục đại cương, do đó trừ Đạihọc Tokyo, nhiều trường đại học đã giải thể trường Đại học đại cương của mình.

Đại học Tokyo cải cách các môn giáo dục đại cương, tăng cường các môn tự chọn để hấp dẫn sinh viên, và phân công các giảng viên trình độ cao giảng phần giáo dục đại cương.  

Năm 2004 đánh dấu bước ngoặt “hồi sinh” giáo dục khai phóng ở Nhật, do xu thế toàn cầu hóa phải đào tạo công dân toàn cầu phù hợp với xu thế thời đại. Từ Đại học Waseda giáo dục khai phóng phát triển và lan sang nhiều trường đại học khác [Furuta Motoo, 2017]. 

Cho đến nay Đại học Tokyo vẫn có College of Arts and Sciences giảng daỵ chung phần giáo dục đại cương cho sinh viên mọi ngành học ở hai năm đầu.

Tại các nước theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây trong chương trình giáo dục đại học không có giáo dục khai phóng. 

Chẳng hạn chương trình giáo dục đại học trước tiến sĩ  của Liên Xô trước đây chủ trương đào tạo liền một mạch, 4 đến 6 năm, theo hướng chuyên ngành rất hẹp.  

Cấu trúc chương trình thường gồm 3 khối kiến thức: “cơ bản – cơ sở và chuyên ngành”, với quan niệm tất cả kiến thức cơ bản và cơ sở chỉ phục vụ cho việc học kiến thức chuyên ngành.  

Các nhà giáo dục phương Tây cho rằng trong các chương trình đại học của Liên Xô không có phần giáo dục đại cương (chỉ có các môn giáo dục ý thức hệ) vì mục tiêu đào tạo của các chương trình này chỉ là con người-công cụ.

Áp dụng mô hình giáo dục đại học Liên Xô, chương trình đào tạo cấp đại học của hệ thống giáo dục đại học Trung Quốc vào trước thời cải cách mở cửa (cuối thập niên 1970) cũng không quy định rõ về phần giáo dục đại cương. 

Với sự đổi mới giáo dục đại học trong thời kỳ cải cách mở cửa, chương trình đào tạo cấp đại học ở Trung Quốc được đổi mới theo hướng:

“Chú trọng nhiều hơn đến mặt bằng kiến thức rộng, đặc biệt các lý thuyết cơ bản, kiến thức cơ bản và kỹ năng cơ bản thông qua nền giáo dục đại cương rộng.

Không những các ngành chuyên môn cần phải rộng hơn, mà các môn học liên ngành cũng cần được khuyến khích, sao cho sinh viên về khoa học xã hội và nhân văn cũng cần có kiến thức cơ bản về khoa học, toán học và tin học;

Đồng thời sinh viên về khoa học và kỹ thuật cũng cần được trang bị kiến thức cơ bản về khoa học xã hội nhân văn để họ thể biết cách làm thế nào phục vụ được tốt hơn sự phát triển kinh tế xã hội với những điều mà họ thu nhận được ở nhà trường” [Min Weifang, 1998]. 

Cải cách giáo dục đại học của Liên bang Nga vào thập niên đầu thế kỷ XXI, đặc biệt từ khi gia nhập quá trình Bologna, cũng có xu hướng tương tự [Victor Chistokhvalov, 2003].

Giáo dục khai phóng trong thế kỷ 21

Hiện nay, vào thế kỷ 21, giáo dục khai phóng có dấu hiệu phục hồi trên toàn cầu. Vì lẽ:

Một là, công nghệ mới làm cho xã hội biến đổi nhanh chóng, cần một tầm nhìn rộng lớn mới định hướng được cuộc sống như cần la bàn để đi biển [Furuta Motoo, 2017].  

Hai là, người ta ngày càng nhận ra sự cần thiết của các “kỹ năng mềm” (khả năng giao tiếp, óc phê phán, tổng hợp và phân tích). 

Ba là, do vòng đời công nghệ quá ngắn, thế kỷ 21 không đảm bảo một nghề nghiệp ổn định: thị trường nhân lực rất đa dạng và đầy biến động.

Chương trình đào tạo chuyên môn hẹp không thích hợp với nền kinh tế tri thức đòi hỏi kiến thức rộng liên ngành và năng lực đổi mới. [Patti McGill Peterson, 2011; Philip G. Altbach, 2016].

Khi nói về giáo dục khai phóng cho thế kỷ 21, Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Hoa Kỳ [AAC&U, 2017] xác định: 

“Giáo dục phục vụ cho nền dân chủ tốt nhất khi nó chuẩn bị cho chúng ta trả lời đúng các câu hỏi phải đối mặt hiện nay: các câu hỏi về thế giới rộng mở, về các giá trị riêng của chúng ta, và về các lựa chọn khó khăn mà chúng ta phải thực hiện với tư cách là những con người và những công dân…

Cách tiếp cận đối với giáo dục đại học phục vụ tốt nhất cho mọi người, cho nền dân chủ gắn kết toàn bộ chúng ta và cho một nền kinh tế tân tiến – đó là giáo dục khai phóng”. 

Hiệp hội đó cũng nêu tóm tắt những khác biệt về giáo dục khai phóng ở thế kỷ 21 so với thế kỷ 20 trong bảng dưới đây:

    Thế kỷ 20   Thế kỷ 21
Cái gì?  

- Phát triển tri thức và nhân cách

- Một lựa chọn may rủi

- Quan niệm dường như không liên quan đến nghề nghiệp

 

- Phát triển tri thức và nhân cách

- Cần thiết cho mọi sinh viên

- Cần thiết để thành công trong nền kinh tế toàn cầu với tư cách một công dân thông tin.

Như thế nào?   - Thông qua việc học các môn học và ngành học và thông qua GDĐC trong mấy năm đầu chương trình cử nhân.   - Thông qua việc học và nhấn mạnh “kết quả học tập quan trọng” xuyên suốt toàn bộ tiến trình giáo dục – từ phổ thông đến đại học - ở các mức độ thành quả ngày càng cao.
Ở đâu?   - Ở các trường Đại học đại cương hoặc các trường Khoa học và Xã hội nhân văn trong các đại học lớn   - Trong mọi nhà trường: cao đẳng cộng đồng, cao đẳng, đại học, cũng như qua mọi lĩnh vực học tập.

 

Như vậy, so với thế kỷ 20, ở thế kỷ 21 giáo dục khai phóng trở nên phổ biến hơn, xuyên suốt hơn trong chương trình đào tạo cử nhân.

Trong kỳ 2 của bài viết, tác giả sẽ đánh giá cụ thể về Giáo dục khai phóng trong quá trình đổi mới giáo dục đại học và phương hướng phát triển của nó tại nước ta.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp - Báo Giáo dục Việt Nam thực hiện
Our website is protected by DMC Firewall!