Khi 17-18 tuổi, nhiều em chưa biết mình thích gì. Vì vậy, bắt phải lựa chọn nghề nghiệp thì rất nhiều em sau này sẽ cảm thấy nuối tiếc.... Giáo dục khai phóng (Liberal Arts Education) là mô hình giáo dục đặc sắc của giáo dục đại học Hoa Kỳ, được áp dụng rộng rãi ở Châu Âu và nhiều nước Châu Á. Đặc trưng của mô hình này là đào tạo linh hoạt, cả chiều rộng cũng như chiều sâu của môn học, khuyến khích các môn liên ngành, tăng quyền lựa chọn cho sinh viên.
Giáo dục khai phóng là một hệ thống giáo dục được thiết kế để thúc đẩy sinh viên gia tăng mong muốn và khả năng học hỏi, suy nghĩ chín chắn, giao tiếp thành thạo, trở thành công dân có trách nhiệm với xã hội.
Tại Việt Nam, đến nay khái niệm “giáo dục khai phóng” hiện đã xuất hiện trong khẩu hiệu, triết lý giáo dục của một số trường đại học cả miền Bắc và miền Nam. Điều này được thể hiện thông qua hội thảo “Giáo dục khai phóng : Hướng đi mới cho giáo dục đại học tại Việt Nam” do Đại học Fulbright Việt Nam và Đại học Việt Nhật tổ chức ngày 16/10 vừa qua.
Quang cảnh giao lưu tại hội thảo “Giáo dục khai phóng : Hướng đi mới cho giáo dục đại học tại Việt Nam”, ảnh: Báo Tin tức.
Các đại biểu tham gia đã có những trao đổi những ý tưởng cốt lõi của giáo dục khai phóng và sự tương tác với giáo dục Việt Nam.
Tại hội thảo, bà Đàm Bích Thủy – Chủ tịch trường Đại học Fulbright Việt Nam - trường đại học độc lập, không vì lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam, được truyền cảm hứng bởi mô hình giáo dục khai phóng của Hoa Kỳ, cho biết: "Các mô hình giáo dục khác dạy sinh viên kiến thức, kỹ năng để làm một công việc cụ thể. Còn giáo dục khai phóng có 3 đặc trưng: dạy cách học, học cách nghĩ và học cách sống".
Tuy nhiên, bà Thủy cũng nhấn mạnh:“Chúng tôi không cổ xúy một phương pháp học nào tối ưu nhất bởi không có phương pháp nào là phù hợp với 100% sinh viên”.
Sinh viên năm nhất chưa cần trả lời câu hỏi ra trường sẽ làm gì, tránh cho sinh viên đưa ra quyết định khi mới bước qua tuổi 18. Trong hai năm tiếp theo, sinh viên được tiếp xúc với nhiều môn học khác nhau một cách tự chọn, không áp đặt để các em khám phá ra mình say mê điều gì, khát khao làm việc gì nhất để đưa ra quyết định.
Bà Thủy đưa ra ví dụ về một bạn trẻ say mê kiến trúc nhưng theo mong muốn của cha mẹ nên đi học y. Mặc dù việc học rất tốt, ra trường có công việc cũng rất ổn nhưng cậu ấy vẫn mong muốn được thiết kế một thứ gì đó. Và giờ cậu ấy nuối tiếc vì không thời gian để theo đuổi giấc mơ của mình.
“Khi 17-18 tuổi, nhiều em chưa biết mình thích gì. Vì vậy, bắt phải lựa chọn nghề nghiệp thì rất nhiều em sau này sẽ cảm thấy nuối tiếc. Giáo dục phải giúp các em sau này không phải nói những điều “giá như” như thế trong vòng 10-15 năm sau” – bà Thủy chia sẻ.
Nói tới đây, bà Đàm Bích Thủy đưa ví dụ về Mark Zuckerburg - người sáng lập mạng xã hội Facebook rằng:
"Anh học chuyên ngành tâm lý ở Đại học Harvard chứ không phải là khoa học máy tính. Mark luôn nói môn tâm lý đã giúp cho mình nhiều hơn là khoa học máy tính. Nếu không nhận biết được cách hành xử của người tiêu dùng tại thời điểm đó thì cậu ấy sẽ không thể tạo ra được Facebook như hiện nay”.
Còn theo quan điểm của Ngô Thùy Ngọc Tú, cựu sinh viên của Đại học Stanford (Hoa Kỳ) lại cho rằng, những lớp học đầu tiên của Liberal Art mà cô được học trong trường không phải là triết học hay lịch sử như nhiều người nghĩ, mà là về ý nghĩa cuộc sống, cái chết.
Khi học những chủ đề đó, sinh viên buộc phải đọc rất nhiều sách về khoa học tự nhiên, sách y học, sinh học và cả những sách về triết học, nhân văn...
Trong khi đó Giáo sư Randall Woods - Trường Nghệ thuật và Khoa học Fulbright, Đại học Arkansas cho biết, ở ngay tại Mỹ, vẫn có những tranh cãi lớn về giá trị của giáo dục khai phóng.
Thừa nhận có tranh cãi về giáo dục khai phóng, Giáo sư Furuta Motoo - Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật (VJU) tiết lộ, ngay cả ở Nhật, nhiều lãnh đạo cũng nghi ngờ giá trị của đường lối giáo dục này.
Dù thừa nhận giá trị của giáo dục khai phóng, song các chuyên gia cũng nhìn nhận, việc thúc đẩy giáo dục khai phóng ở Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức.
Giáo sư Furuta Motoo, người có nhiều năm gắn bó với Việt Nam nhắc lại, vào đầu thập niên 90 tại Việt Nam đã xây dựng trường đại học đại cương dạy những kiến thức cơ bản cho sinh viên trước khi chuyển sang đào tạo chuyên ngành là đã bắt đầu đi theo triết lý giáo dục khai phóng. Tuy nhiên, mô hình này không duy trì được lâu.
Là “tác giả” của đại học đại cương ở Việt Nam, Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết:
Thực tế, trước năm 1986, giáo dục đại học của Việt Nam đi theo mô hình của Liên Xô, nghĩa là đào tạo những chuyên ngành rất hẹp. Kể cả các môn cơ bản, cơ sở trong chương trình của họ cũng chỉ phục vụ mục đích đào tạo nghề.
Khi đổi mới, Việt Nam tham khảo mô hình của Mỹ, phân chia thành 2 phần: Giáo dục đại cương và Giáo dục chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, việc đưa giáo dục đại cương vào Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn vì ngay cả những người đầu ngành lúc đó cũng đều được đào tạo tại Liên Xô nên không chấp nhận giáo dục đại cương.
Đến nay, nhìn nhận từ thực tiễn, Giáo sư Lâm Quang Thiệp cho rằng, đến đầu thế kỷ 21, tinh thần giáo dục khai phóng đang bắt đầu trỗi dậy trên cả thế giới và Việt Nam. Hiện nay, vòng đời công nghệ ngắn nên nếu chỉ theo học một chuyên môn hẹp thì rất dễ thất nghiệp.
Thuộc về "lứa" đầu tiên học chương trình giáo dục đại cương 2 năm, Tiến sĩ Giáp Văn Dương cho rằng, việc chia giai đoạn chỉ là đơn giản cắt một cách cơ học 5 năm thành 2 năm đại cương, 3 năm chuyên sâu. Mọi thứ vẫn như vậy, các môn vẫn như vậy thì việc tách ra không có ý nghĩa gì.
Từ đó, ông Dương góp ý rằng, cái khó của giáo dục khai phóng là những người thầy, bởi không có những “người thầy khai phóng” sẽ không có giáo dục khai phóng.
Theo Thùy Linh - Báo Giáo dục Việt Nam