TIN TỨC & SỰ KIỆN

Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung cần có những cơ chế thoáng hơn về tự chủ. Trong đó, cần giải quyết nút thắt về vấn đề tự chủ nhân sự và tài chính để giúp các trường đại học công lập có cơ hội phát triển tốt hơn.

Đó là những ý kiến góp ý của các chuyên gia nêu ra tại hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học” do Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 25/12, thu hút hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các trường đại học phía Nam tham dự.

Hội thảo “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học” tổ chức thu hút hơn 100 nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo các trường ĐH phía Nam tham dự

Thời điểm hiện tại, việc áp dụng cơ chế tự chủ đã được triển khai tại 23 trường đại học trên cả nước. Thế nhưng, đại diện nhiều trường cho biết, các cơ chế, quy định liên quan đến việc tự chủ hiện vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt, những hạn chế về quyền tự chủ trong việc tổ chức bộ máy nhân sự và tài chính khiến không ít trường gặp khó khăn trong quá trình hoạch định kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cũng như chương trình đào tạo.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM phát biểu rằng: “Khi có cơ quan chủ quản thì tư duy muốn”quản” vẫn còn. Tự chủ hiện nay của các trường ĐH là tự chủ nửa vời. Tất cả các đầu tư công đều phải xin phép cơ quan chủ quản. Vừa rồi trường chúng tôi lát sàn của nền trong trường cũng phải xin phép Bộ, chẳng khác gì người dân xây cái chuồng heo cũng phải ra chính quyền xin phép”.

Do đó, ông Dũng đề nghị: “Trong thời gian tới Luật Giáo dục ĐH cần quy định ngay cả trường đại học công lập khi tự chủ thì nhà nước cũng chỉ quản lý khoảng 50%, phần còn lại phải chia cổ phiếu cho người lao động. Khi người lao động cảm nhận được mình là chủ của ngôi trường thì họ mới cố gắng phấn đấu và họ làm nhiều thì phải được hưởng nhiều. Tự chủ mà nửa vời thì không được”.

Trong khi đó GS.TS Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM cũng cho rằng: tự chủ ĐH có hai mảng quan trọng nhất hiện nay là tự chủ về công tác nhân sự và tự chủ về tài chính. Nếu chưa giải quyết được 2 nút thắt này thì tất cả những vấn đề tự chủ ĐH đều không có ý nghĩa gì cả. Theo bà Quỳ: “Nên cho phép nhà trường có quyền đánh giá năng lực làm việc, có cơ chế mềm dẻo, linh hoạt, được sử dụng người tài. Đồng thời phải có giải pháp căn cơ vấn đề tự chủ trong tổ chức hành chính. Trong Luật Giáo dục ĐH đưa ra các phòng ban, khoa, bộ môn...theo cơ chế liệt kê, trong khi đó các tổ chức trong một trường ĐH có thể phát sinh bất cứ lúc nào”.

GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP.HCM phát biểu

Bên cạnh đó, bà Quỳ cũng cho rằng, cơ chế tự chủ tài chính hiện nay không có gì khác so với trường bình thường, chưa có chuyển biến gì đáng kể.

TS Phạm Duy Nghĩa, Trưởng khoa Luật, trường ĐH Kinh tế TPHCM khá gay gắt khi nêu rằng “tôi chưa thấy rõ Bộ GD-ĐT và Chính phủ muốn gì ở đạo luật này. Tôi có cảm giác hình như đây Chính phủ muốn ĐH tự lo hơn".

TS Phạm Duy Nghĩa, trường ĐH Kinh tế TP.HCM khá gay gắt nêu nhận định rằng "tôi chưa thấy rõ Bộ GD-ĐT và Chính phủ muốn gì ở đạo luật này"

"Trước đây ĐH được coi là đơn vị hành chính sự nghiệp và nay coi như một doanh nghiệp nhà nước. Đây là xu hướng làm cho nền giáo dục ĐH nước ta ngày càng manh mún, phân tán và chất lượng không so được với ai”, ông Nghĩa nói.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, để quá trình tự chủ trong các trường đại học thời gian tới được thể hiện đúng thực chất thì cần giải quyết hài hòa các vấn đề liên quan, nhất là mối quan hệ giữa quyết định chi ngân sách đầu tư cho giáo dục, mức học phí và cơ chế tạo nguồn thu. Trong giai đoạn hiện nay, học phí được xem là giải pháp chủ yếu nhằm chia sẻ chi phí giáo dục đại học. Vì thế, mức thu học phí cần được tính toán dựa trên chất lượng đào tạo nhưng phải đảm bảo bù đắp đáng kể cho các chi phí hoạt động của trường đại học. Về vấn đề tổ chức nhân sự, nhiều trường cho rằng Luật Giáo dục ĐH sửa đổi cần có những cơ chế thoáng hơn để các trường được linh động trong việc tuyển dụng, chi trả lương cho giảng viên, cán bộ thì mới thu hút được nhân tài. Quan trọng nhất vẫn phải nâng cao quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học áp dụng mô hình tự chủ.

Theo Lê Phương - Báo Dân trí

Our website is protected by DMC Firewall!