Tự chủ đại học (ĐH) đang là vấn đề nóng được sự quan tâm của các nhà trường và xã hội. Thực tế đã minh chứng, GD ĐH muốn hội nhập với khu vực và thế giới chỉ có tự chủ, các trường ĐH sẽ sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, thích ứng nhanh với những yêu cầu mới của xã hội. Đang có nhiều thách thức để giáo dục đại học vươn tầm
Yêu cầu từ thực tiễn
Chủ trương để các cơ sở GD ĐH thực hiện quyền tự chủ không phải là vấn đề mới. Từ năm 2005, Bộ GD&ĐT đã mạnh dạn giao thí điểm tự chủ tài chính cho 5 trường ĐH công lập. Theo đó các trường này phải tự đảm bảo 100% kinh phí chi thường xuyên như một doanh nghiệp nhà nước và có thể tự xây dựng định mức chi cao hơn quy định nhà nước.
Đến nay, cả nước đã có 23 cơ sở GD ĐH công lập được tự chủ, trong đó 12 trường trên 2 năm, 11 trường dưới 2 năm. Những lĩnh vực các trường được tự chủ gồm: Đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy, nhân sự; tài chính. Thực hiện tự chủ, đã giúp các trường chủ động hơn trong việc mở ngành, xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, tiếp cận chuẩn quốc tế về phương pháp và nội dung giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, liên, cũng như nâng cao năng lực cán bộ, giảng viên có học hàm, học vị.
PGS.TS Phạm Tiết Khánh – Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, bộc bạch: Tự chủ có vai trò quyết định ảnh hưởng lớn đến các hoạt động từ đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Do vậy, việc các trường thực hiện đầy đủ quyền tự chủ theo luật dịnh là tiền đề và căn cứ quan trọng để trường lớn mạnh. Trong đó, việc các trường tự chủ hoàn toàn về tài chính là giải pháp quan trọng để các hoạt động của GD ĐH hiệu quả hơn.
“Việc thực hiện tự chủ tài chính đã giúp chúng tôi chủ động hơn nhiều trong các hoạt động đào tạo, học thuật. Đặc biệt là nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các đơn vị chức năng của trường đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm làm việc với các đối tác, doanh nghiệp thực hiện các đơn hàng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ” - PGS.TS Phạm Tiết Khánh phân tích.
Vượt qua rào cản tâm lý
Nhìn lại thực tiễn GD ĐH thời gian qua, một số chuyên gia chỉ ra rằng, không phải cơ sở đào tạo nào cũng hiểu một cách đầy đủ về lợi thế trong việc thực hiện tự chủ; hoặc cũng có thể còn có những suy nghĩ khi cho rằng, nhận tự chủ về tài chính sẽ bị cắt nguồn cung từ ngân sách Nhà nước; trong khi thu học phí đồng ý là được quyết định nhưng không phải muốn thu mức nào cũng được, mà còn phụ thuộc nhiều vào khả năng đóng góp của người học.
Thực tế là Nhà nước không giảm chi cho đầu tư phát triển GD ĐH, mà là thay đổi cách thức để phát huy hiệu quả hơn các nguồn lực tài chính, đồng thời để tăng cường trách nhiệm của nhà trường.
Cũng có một số chuyên gia lo ngại việc trao quá nhiều quyền tự chủ cho các trường mà không đặt yêu cầu về tự chịu trách nhiệm, sẽ dẫn tới nguy cơ giảm sút chất lượng, chạy theo lợi ích trước mắt.
Những lo ngại trên không phải là không có cơ sở, nhưng việc quy định cụ thể trách nhiệm của các trường, của Hội đồng trường và trực tiếp là những người giữ vai trò quản lý, sẽ là định chế giảm thiểu rủi ro đó.
Thêm nữa, việc có một cơ chế phân bổ ngân sách Nhà nước phù hợp, trường có đặc thù đào tạo thế nào sẽ có mức chi như thế; đồng thời các hoạt động này cũng cần gắn với kết quả đánh giá, kiểm định độc lập về chất lượng đào tạo thì mới công bằng, hiệu quả.
Mạnh dạn vượt qua rào cản tâm lý thực hiện quyền tự chủ là điều mà TS Trương Tiến Tùng - Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội - nhấn mạnh. Theo ông, tự chủ cho GD ĐH là cần thiết, trong một môi trường cạnh tranh, chỉ có tự chủ, các trường mới điều hành các hoạt động đạt hiệu quả cao.
Còn về vấn đề tài chính, Nhà nước có hỗ trợ SV chính sách, trường thu đảm bảo đủ chi. Việc trường nào, cá nhân nào làm sai sẽ chịu trách nhiệm với xã hội và pháp luật. Thêm nữa, điều hành hoạt động ở trường ĐH còn có Hội đồng trường. Khi tổ chức này thể hiện quyền lực và trách nhiệm của mình, sẽ giám sát phê duyệt, tham gia quản trị thu chi tài chính.
Khi đó chắc chắn các nguồn tài chính cũng như việc sử dụng sẽ đạt được hiệu quả cao và tránh được những quan ngại về thất thoát, sai phạm.
Tiền đề giúp các trường lớn mạnh
Trong GD ĐH, việc quản trị hiệu quả hoạt động là điều vô cùng cần thiết, tuy nhiên lâu nay hoạt động này thường không được chú trọng. Trong giai đoạn hiện nay, khi GD ĐH đối mặt với nhiều thách thức của đổi mới và phát triển, việc quản trị điều hành hiệu quả là điều phải tính đến.
Để quản trị hiệu quả và nâng cao tính tự chủ, các nhà trường cần được tách ra khỏi cách hoạt động như một tổ chức Nhà nước, chuyển đổi sang hình thức quản lý như mô hình doanh nghiệp.
Vai trò của Hội đồng trường sẽ như Hội đồng quản trị; được giao mọi quyền hạn về tuyển dụng bổ nhiệm hiệu trưởng, quản trị nguồn nhân lực (tuyển dụng, đào tạo, đãi ngộ, sa thải nhân viên), chất lượng đào tạo (tuyển sinh, học phí, chất lượng giảng dạy…). Hội đồng trường với sự góp mặt của đại diện đầy đủ các giới liên quan để bảo vệ quyền và nghĩa vụ của mình là điều cần thiết.
Trong các nội dung Dự thảo sửa đổi Luật GD ĐH đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến, nhiều chuyên gia và cán bộ quản lý GD đánh giá rất cao về tính chủ động được coi trọng. Đặc biệt trong đó là những quy định chi tiết về Hội đồng trường, việc bầu hiệu trưởng, hiệu phó là những điểm mới tăng quyền tự chủ cho trường.
Dự thảo đã tiếp cận đến tôn chỉ, mục đích của hoạt động Hội đồng trường, để Hội đồng trường thực sự là cơ quan quản trị, chi phối điều hành hoạt động trong trường ĐH. Bên cạnh đó là đề xuất quy định các cơ sở GD ĐH được quyền tự chủ các hoạt động tài chính, chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo, là tạo sự chủ động cho cả nhà trường và người học trong chi tiêu tài chính…
Những quy định này đều hướng đến việc các trường tự chủ tuyệt đối, điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy việc thực hiện quyền tự chủ để các trường trách nhiệm và lớn mạnh hơn.
Theo Hà An - Báo Giáo dục & Thời đại