Phát triển năng lực người học trong đó có năng lực sáng tạo trở thành năng lực cơ bản của học sinh được xem như một trong những yêu cầu cơ bản của của đổi mới giáo dục.
Đánh thức tiềm năng sáng tạo
Theo các nhà nghiên cứu giáo dục, các kiến thức cần cung cấp cho học sinh bao gồm: Kiến thức về môn học và liên môn học, kiến thức về cách thức sáng tạo. Cho học sinh luyện tập các bài tập thực hành để phát triển các kĩ năng sáng tạo liên quan đến các kĩ năng quan sát, khám phá, tò mò, tưởng tượng và tư duy sáng tạo. Bên cạnh đó, hình thành ở các em ý thức, thái độ tích cực và hứng thú sáng tạo.
Phát triển năng lực sáng tạo chú ý phát triển từng thành tố của năng lực sáng tạo và kết hợp chúng với nhau trong quá trình sáng tạo để tạo ra các ý tưởng mới và các sản phẩm mới. Người lớn cần cung cấp các công cụ/kĩ thuật tạo môi trường khuyến khích các em sáng tạo.
Mặt khác, dạy học phát triển năng lực sáng tạo cũng nhằm phát triển các tiềm năng sáng tạo của học sinh, giúp các em trở thành những cá nhân sáng tạo.
Dạy học phát triển năng lực sáng tạo còn tạo điều kiện để học sinh làm chủ quá trình học tập của bản thân. Bởi việc tự kiểm soát quá trình học tập dẫn đến sự sáng tạo, tạo sự hứng thú và đam mê học tập với cảm giác được làm chủ bản thân, được thể hiện nay trải nghiệm và cảm giác thuộc về một nhóm với sự chấp nhận những mong muốn chung khi thực hiện các hoạt động hợp tác.
Giáo viên khi đặt các mục tiêu phát triển năng lực sáng tạo của học sinh trong các mục tiêu dạy học nhất thiết phải xác định được các công cụ, phương pháp sáng tạo và nguyên liệu ngay từ khâu chuẩn bị bài.
Giáo viên đóng vai trò then chốt
TS Trần Thị Bích Liễu – Trường ĐH Giáo dục – ĐHQG Hà Nội cho rằng, nền giáo dục Việt Nam còn thấp so với nền giáo dục của nhiều nước trên thế giới. Phương pháp dạy học truyền thống vẫn phổ biến, học sinh phải học thêm quá nhiều. Học thêm tốn thời gian và sức lực của học sinh và làm cho các em mệt mỏi.
Giáo viên sử dụng chưa có hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực, ít chú trọng phát triển sáng tạo cho học sinh vì họ không được khuyến khích dạy học để phát triển năng lực sáng tạo. Trong khi đó giáo viên chỉ có thể phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh khi bản thân họ có được năng lực dạy học phát triển sáng tạo và có một môi trường thuận lợi để phát huy sự sáng tạo của bản thân trong quá trình dạy học...
TS Liễu chỉ ra, để giúp học sinh phát triển năng lực sáng tạo trong các môn học thì bản thân giáo viên phải có có kiến thức và kĩ năng chuyên môn sư phạm. Cụ thể đó là kiến thức về các lĩnh vực khoa học; hiểu biết bản chất của sự sáng tạo và những phẩm chất năng lực cần có để một người sáng tạo.
Tiềm năng sáng tạo của học sinh ở các độ tuổi khác nhau có những đặc điểm riêng đòi hỏi giáo viên phải nắm bắt và vận dụng trong quá trình dạy học để phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh một cách phù hợp...
Thực tế cho thấy, giáo viên đóng vai trò quan trọng đối với việc phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh vì vậy họ cần được đào tạo để có được kĩ năng dạy học phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh. Sự sáng tạo của giáo viên ảnh hưởng đối với học sinh cũng như nhà trường và phụ thuộc vào môi trường làm việc của họ.
Với yêu cầu đổi mới giáo dục chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho người học thì yếu tố quan trọng đầu tiên quyết định quá trình này chính là giáo viên với các năng lực sư phạm tương ứng…
Muốn vậy, các chương trình đào tạo và bồi dưỡng cần được xây dựng dựa trên những năng lực dạy học phát triển sáng tạo mà giáo viên cần có. Chỉ khi nào đội ngũ giáo viên có được các năng lực tương ứng cộng với những chính sách phù hợp để thực hiện chương trình giáo dục mới thì các năng lực của người học, đặc biệt là năng lực sáng tạo mới được phát triển.
Để dạy học phát triển năng lực sáng tạo, giáo viên phải sử dụng các phương pháp và công cụ sáng tạo trong suốt quá trình dạy học và đánh giá năng lực người học, đồng thời đánh giá sự phát triển năng lực sáng tạo của học sinh qua ý tưởng và sản phẩm mà các em sáng tạo ra theo một số tiêu chí về tính mới, tính độc đáo và tính hữu ích… |
Theo Trúc Anh- Báo Giáo dục & Thời đại