TIN TỨC & SỰ KIỆN

Ý tưởng thúc đẩy việc xếp hạng đại học và những quan ngại về điều này đã được đặt ra tại hội thảo “Nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường đại học Việt Nam" diễn ra sáng 11/4 tại Hà Nội.

Việt Nam có 6 trường trong "tốp 400 châu Á" 

GS. Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho biết, hiện nay trên thế giới có 16 bảng xếp hạng đại học có ảnh hưởng quốc tế ở các mức độ khác nhau, trong đó 4 bảng xếp hạng phổ biến nhất là Times Higher Education (THE), World University Rankings (QS), Webometrics và ARWU của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải.


GS Nguyễn Hữu Đức báo cáo kết quả nghiên cứu về đối sánh các chỉ số xếp hạng và đề xuất giải pháp cho một số đại học Việt Nam. Ảnh: Hạ Anh


Việt Nam hiện nay mới có 6 trường đại học có tên trong bảng xếp hạng QS châu Á 2017. Cụ thể, ĐHQG Hà Nội xếp vị trí thứ 139. ĐHQG TP.HCM ở vị trí 142. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nằm trong nhóm 291-300, Trường ĐH Cần Thơ thuộc nhóm 301-350. ĐH Huế ở nhóm 351-400. ĐH Đà Nẵng xếp 417.

Đại học Việt Nam nên tham gia bảng xếp hạng nào cho phù hợp là vấn đề được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đưa ra tại hội thảo.

Theo ý kiến của nhiều trường, QS là bảng xếp hạng phù hợp hơn cả. GS. Nguyễn Lộc tới từ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng, nếu đi theo THE hay ARWU thì việc Việt Nam có mặt trên bảng xếp hạng là rất xa vời, bởi 2 bảng xếp hạng này yêu cầu cao về nghiên cứu và hợp tác quốc tế - 2 tiêu chí không phải là thế mạnh của các trường đại học Việt Nam.

Trường ĐH Duy Tân cho biết đang "âm thầm" tham gia bảng xếp hạng THE. Ảnh: Hạ Anh


Tuy nhiên, theo chia sẻ của đại diện ĐH Duy Tân, trong 2 năm vừa qua, trường này đang “âm thầm” chuẩn bị hành trang theo tiêu chí của bảng xếp hạng THE. Theo vị lãnh đạo này, các trường nên có quyền tham gia nhiều bảng xếp hạng khác nhau giống như trên thế giới.
GS. Nguyễn Hữu Đức khẳng định, việc các trường tham gia bảng xếp hạng nào là tuỳ các trường. Tất cả các bảng xếp hạng đều có cái lõi khoảng 70% tiêu chí là giống nhau. 

Xếp hạng đại học: Cuộc đua của nhà giàu?

GS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, trong quá trình tham gia xếp hạng, phải xem xét đến việc hỗ trợ tài chính như thế nào. Còn nếu không, sẽ dẫn đến việc đây chỉ là cuộc chơi của nhà giàu, khiến các trường lo lắng.

Về vấn đề đầu tư cho xếp hạng đại học, GS. Nguyễn Lộc (ĐH Nguyễn Tất Thành) đưa ra một thông tin: Đề án 5-100 (5 trường nằm trong top 100) của Nga từng chi 9 USD trong vòng 5 năm. Vậy Việt Nam có nên xem xét đầu tư 10-20 ngàn USD cho một trường tham gia hay không? – GS. Lộc đề xuất.

Đồng tình với ý kiến này, bà Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Bộ không nên chỉ dừng lại ở chính sách, mà nên có kinh phí hỗ trợ hoạt động cho các trường tham gia xếp hạng.

TS Lê Văn Út cảnh báo về yếu tố thương mại của việc xếp hạng đại học. Ảnh: Hạ Anh


TS. Lê Văn Út (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) thì cho biết, QS (vốn dĩ là một doanh nghiệp) gần đây mời các đại học tham gia hội thảo rất liên tục. Những hội thảo này lại mang yếu tố thương mại, phải đóng rất nhiều tiền để tham gia.

“Cho nên, về mặt hình thức, xếp hạng là không có kinh phí nhưng bản chất phía sau là yếu tố thương mại. Bộ cần hết sức cảnh giác việc này”.

Ông Út cũng đề xuất Bộ nên tổ chức các hội thảo có nhiều hơn một tổ chức xếp hạng, không nhất thiết phải là QS, làm sao tách bạch giữa vấn đề xếp hạng và thương mại để đảm bảo yếu tố học thuật của xếp hạng được phát huy tốt.

Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, Việt Nam nên có bảng xếp hạng riêng. Các trường sẽ ngồi lại cùng nhau để đưa ra các tiêu chí đánh giá cho xếp hạng. Một hiệp hội sẽ xét duyệt và Bộ GD-ĐT là người công nhận.

Ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội


Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM ủng hộ đề xuất “customize” (tuỳ biến) bảng xếp hạng QS châu Á vào Việt Nam. 

Đại diện ĐH Duy Tân cho rằng, nếu Việt Nam đưa ra tiêu chí riêng thì nó chỉ có giá trị của Việt Nam, không thể thay thế được QS, THE. “Chúng ta gia nhập quốc tế thì phải thừa nhận tiêu chí của quốc tế”.

Trong khi đó, ông Vũ Thế Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng, xếp hạng trong nước hay quốc tế cũng giống như thi tiếng Anh bằng A, B, C của Việt Nam hay IELTS của quốc tế. “Liệu rằng chúng ta có nên đi thi quốc tế luôn cho chuẩn mực?”

Ông thừa nhận, việc cung cấp thông tin về xếp hạng cho người học Việt Nam là quan trọng, nhưng khi chúng ta tổ chức việc này, nguồn lực của xã hội dồn rất nhiều vào đó.

"Thực ra, tôi lo lắng về mức độ chuyên  nghiệp của các tổ chức đánh giá trong nước. Liệu có thực sự khách quan và không bị chính trị hóa? Đánh giá được các trường không hề đơn giản” – ông Dũng chia sẻ.

Gốc rễ là nâng cao chất lượng đại học

Tăng số lượng trường và vị trí của trường trên bảng xếp hạng liệu có tỷ lệ thuận với việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam hay chỉ đơn thuần là cuộc chạy đua về thông số kỹ thuật, và đằng sau đó là những cuộc mời chào của các tổ chức xếp hạng?

GS. Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội băn khoăn: Sau khi tham gia xếp hạng và nâng thứ hạng lên cao hơn, các trường đại học sẽ có đóng góp như thế nào cho xã hội.       

GS Nguyễn Văn Minh cho rằng, các trường phải giải thích được cho xã hội việc xếp hạng sẽ có vai trò tích cực đối với thúc đẩy kinh tế xã hội. Ảnh: Hạ Anh


 Bàn về nâng cao chất lượng, ông Vũ Thế Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM khẳng định, gốc rễ của câu chuyện phải hướng tới chất lượng.

“Hiện nay, tất cả các trường cùng chạy theo ‘ranking’ – một công việc rất tốn thời gian, công sức. Đối với Bách khoa TP.HCM, chúng tôi mới bắt đầu làm 1, 2 năm trở lại đây. Cách đây 10 năm, chúng tôi làm công tác đảm bảo chất lượng bên trong, công bố quốc tế, kiểm định chất lượng. Tham gia xếp hạng là việc nên làm và nên phù hợp với sức của từng trường” – ông nói.

Theo ông, trong vài năm tới vẫn nên tập trung vào công tác kiểm định chất lượng các trường. Kiểm định chất lượng là cơ sở ban đầu, sau đó mới công bố danh sách các trường đã kiểm định. Việc đánh giá nó đã là một nguồn thông tin tốt, sau đó hẵng nghĩ tới chuyện "ranking Việt Nam".

“Thực tế là nhiều trường đại học châu Âu không tham gia xếp hạng. Nhiều trường đại học lớn của họ gần đây mới tham gia. Họ không quá quan tâm chuyện này. Nếu xếp hạng được tổ chức đúng mục tiêu thì rất tốt. Còn nếu như các trường không tỉnh táo thì lại chạy theo một cuộc đua mới mà chưa chắc đã phản ánh thực sự chất lượng”.                                                                 

Lập tổ công tác để hỗ trợ các trường xếp hạng

Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, xếp hạng là một công cụ để đánh giá chất lượng đại học. Đây cũng là biện pháp bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, mục đích của xếp hạng không phải là con số


Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công khai về điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường. Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường có điều kiện có thể cùng nhau thực hiện xếp hạng theo một tổ chức độc lập. Bộ sẽ chọn ra một số trường tiềm năng nhất và xây dựng một nhóm hỗ trợ các trường này ở những điều kiện còn yếu.

Với các trường không tham gia xếp hạng, Bộ sẽ có biện pháp kiểm tra và công khai để dư luận biết. Đồng thời, kiên quyết giải thể những trường yếu kém vì hiện nay không ít trường ĐH đang "chết lâm sàng". Chính sách này sẽ áp dụng trường công và trường tư như nhau.

Bộ trưởng cho biết, quy định về xếp hạng sẽ đưa vào Luật Giáo dục đại học và nghị định, thông tư để các trường thực hiện. Bộ sẽ thành lập tổ tư vấn cho các trường thực hiện xếp hạng.

Theo GS-TS Nguyễn Hữu Đức, trong cơ sở dữ liệu của tổ chức giáo dục QS, ngoài 6 trường nêu trên, một số trường đại học khác cũng được đánh giá là năng động và có tiềm năng như: Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Duy Tân, ĐH FPT, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, Việt Nam còn nhiều trường có tiềm năng như: ĐH Thái Nguyên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Học viện Bưu chính Viễn thông…

Theo Nguyễn Thảo - Báo VietnamNet

Our website is protected by DMC Firewall!