Tự chủ ĐH không còn là khái niệm xa lạ với hệ thống GDĐH Việt Nam khi từ ba năm trước, Nghị quyết 77/NQ-CP đã chính thức mở đường cho các trường thực hiện thí điểm mô hình tự chủ. Tính đến tháng 12/2017, cả nước đã có 23 trường ĐH thí điểm xây dựng mô hình tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP; trong đó, riêng TPHCM hiện có 7 trường đang thực hiện theo mô hình này.
Mang đến sự chủ động và cơ hội cho các trường
Đó là điều có thể dễ dàng nhận thấy khi các vướng mắc căn bản của cơ chế quản lý, tài chính, tuyển dụng và mở ngành đào tạo đã được gỡ bỏ và trao cho các trường. Các trường thí điểm mô hình tự chủ không chỉ xây dựng được một môi trường học thuật hiện đại cho người học, các chính sách hỗ trợ sinh viên mạnh mẽ hơn, nhiều trường thậm chí còn đang nâng dần thương hiệu của mình trên bản đồ giáo dục khu vực và quốc tế.
Nhìn nhận sự đột phá lớn trên mọi mặt của nhà trường trong thời gian ngắn vừa qua đến từ việc trường theo đuổi mô hình tự chủ tài chính, PGS.TS Vũ Hữu Đức - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Mở TPHCM - cho biết, giá trị mô hình tự chủ mang lại cho nhà trường và sinh viên trong thời gian qua là một tầm nhìn mới. Chính tầm nhìn từ cơ chế thông thoáng ấy đã giúp đội ngũ CBQL, GV hướng đến chất lượng giáo dục vượt trội và hướng đến hội nhập.
Theo PGS.TS Vũ Hữu Đức, sự vượt trội và thoát khỏi “cái khung” hiện trạng cũ ấy đến từ việc nhà trường được chủ động trong việc hoạch định mọi hoạt động thay vì phải chờ đợi cơ chế “xin cho”. Và quan trọng hơn cả là trường thoát được khỏi cái vòng luẩn quẩn giữa học phí và chất lượng, cơ chế tuyển dụng GV và các chính sách thu hút người tài.
“Nhờ tự chủ mà chúng tôi đã kiện toàn gần như đầy đủ đội ngũ và cơ sở vật chất trong hai năm qua khi đưa vào sử dụng 2 cơ sở mới khang trang rộng rãi với diện tích sàn sử dụng lên tới hàng chục ngàn m2. Đặc biệt, trong hai năm Trường ĐH Mở TPHCM đã tuyển dụng thêm cho đội ngũ GV của trường nhiều PGS, Tiến sĩ giàu thành tích NCKH. Nhưng quan trọng nhất vẫn là các chính sách học bổng, hỗ trợ sinh viên khó khăn đã toàn diện hơn với nguồn kinh phí hàng năm lên tới hơn 10 tỉ đồng” - PGS.TS Vũ Hữu Đức cho biết.
Là trường thực hiện mô hình tự chủ Đại học từ rất sớm, Trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng đã và đang chuyển mình một cách mạnh mẽ không chỉ ở chất lượng đào tạo, đội ngũ, cơ sở vật chất mà trường còn đang vươn mình hội nhập với quốc tế thông qua nhiều hoạt động kiểm định tầm châu lục, cũng như các chương trình, ngành hiện đang đào tạo của nhà trường đều đã theo chuẩn tiên tiến quốc tế.
PGS.TS PhanThị Bích Nguyệt - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM - cho rằng: Mô hình tự chủ không chỉ mang đến sự tự chủ trong đào tạo, học thuật mà nó còn mang đến nhiều chính sách hỗ trợ cho sinh viên tốt hơn. Đó là chính sách học bổng, đó là chính sách vay, đó là các quỹ hỗ trợ học sinh khó khăn… Tự chủ nguồn thu (học phí) cũng mang đến cho trường những khoản chi cho đội ngũ tốt hơn, giúp họ toàn tâm toàn ý dốc lòng xây dựng chất lượng đào tạo cho nhà trường ngày một tốt hơn.
“Muốn có chất lượng đào tạo tốt, môi trường học tập hiện đại không thể dựa vào nguồn lực tài chính “ốm yếu”. Điều quan trọng, từ cơ chế tự chủ ấy, trên cơ sở nhận được sự đồng thuận của xã hội, phụ huynh và sinh viên, chúng ta có nhiều hơn điều kiện thực hiện các chính sách xã hội, tiếp sức cho sinh viên của trường. Mục tiêu của mô hình tự chủ tài chính, theo tôi không gì khác là mong muốn mang đến cho người học một môi trường học tập hiện đại, chuẩn mực và một điểm tựa để đội ngũ CB-GV-SV xây dựng và hình thành thói quen NCKH, nâng chất lượng đào tạo cho nhà trường” - PGS.TS Bích Nguyệt chia sẻ.
Để mô hình tự chủ thành công, cần gì?
Sự thành công của 23 trường ĐH trên cả nước nói chung, 7 trường tại TPHCM nói riêng đang theo đuổi mô hình này là tín hiệu vui, đáng mừng cho mục tiêu chuyển đổi hệ thống giáo dục ĐH từ lượng sang chất.
Nó không chỉ mang đến những kỳ vọng, niềm tin cho các trường đã và đang chuẩn bị theo đuổi mô hình tự chủ tài chính, mà còn khẳng định định hướng đúng đắn của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong việc đẩy mạnh xu hướng tự chủ -tự chịu trách nhiệm tại các trường ĐH và CĐ.
Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ quản lý để quá trình tự chủ trong các trường ĐH thời gian tới được thể hiện đúng thực chất thì cần giải quyết hài hòa các vấn đề liên quan, nhất là mối quan hệ giữa quyết định chi ngân sách đầu tư cho giáo dục, mức học phí và cơ chế tạo nguồn thu.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH SPKT TPHCM chỉ rõ lực cản lớn nhất trong việc đẩy mạnh tự chủ đại học hiện nay chính là tư duy quản lý lỗi thời, tư duy quản lý điều hành vẫn còn ở thời bao cấp của một số ít cán bộ quản lý. Bên cạnh đó, theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, cơ cấu quản lý các trường hiện nay theo cơ chế quản lý bộ chủ quản cần được Luật Giáo dục Đại học đề cập, hoặc xóa bỏ nhằm tạo cơ chế toàn diện cho các trường. Đặc biệt là về vấn đề tài chính.
Nhìn nhận tự chủ sẽ mang đến động lực, nguồn lực rất lớn cho các trường. Tuy nhiên, theo GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH - CĐ Việt Nam, muốn thay đổi, muốn tạo sự đột phá trong quản trị đại học thì ngành Giáo dục cần mạnh dạn thay đổi trật tự cũ, tạo ra môi trường pháp lý chuẩn và mới mẻ hơn.
“Việc cho các trường thực hiện cơ chế tự chủ cũng giống như đẩy mạnh xã hội hóa một trường phổ thông; nếu kiềm chế về mặt tài chính sẽ rất khó cho các trường theo cơ chế tự chủ một cách toàn diện”- GS Quân nói.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM thì nhìn nhận việc tự chủ của các trường ĐH thành công hay không phụ thuộc vào chính Ban giám hiệu và đội ngũ CB-GV nhà trường. Bởi theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn khi nào mô hình và cơ chế mới thoát khỏi tư duy bao cấp - đã ngấm quá sâu trong các hoạt động của các trường công lập thì việc tự chủ mới đi đến thành công.
“Để xây dựng mô hình tự chủ trong các trường ĐH thành công thì về nội tại các trường cần chuẩn bị thật kỹ hệ thống quy định, chính sách tiệm cận với các nội dung tự chủ để đội ngũ dần làm quen với cơ chế mới. Song song việc tích lũy và đầu tư cơ sở vật chất tạo tiền đề cho việc tự chủ thì các chính sách khuyến khích NCKH, tăng cường chất lượng đội ngũ cũng cần phải thực hiện đồng bộ. Đặc biệt, Luật GDĐH sắp tới cần mở hơn nữa việc cho các trường được áp dụng mức lương đặc biệt đối với người giỏi (tương đương mức lương bình quân do các tổ chức quốc tế, nước ngoài trả cho người Việt Nam) để các trường theo mô hình tự chủ có thể thực hiện chính sách thu hút nhân tài. Có cơ chế mở cùng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên thì mô hình tự chủ mới thật sự bền vững và thành công” - PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn nhấn mạnh.
Từ thực tế các trường đại học tại TPHCM đang xây dựng mô hình tự chủ cho thấy, việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập đã mở ra cơ hội cho các cơ sở giáo dục ĐH công lập nâng cao tính tích cực chủ động, sáng tạo trong quản lý tài chính và tài sản của đơn vị, sử dụng ngân sách Nhà nước giao một cách tiết kiệm, hiệu quả hơn rất nhiều. |
Theo Anh Tú - Báo Giáo dục & Thời đại