Học liệu mở (OpenCourseWara- OCW), với truyền thông đa phương tiện, từ lâu được đánh giá là cần thiết cho giáo dục bậc phổ thông trên thế giới và ngay cả nền giáo dục Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới. Học liệu mở hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại người giáo viên phổ thông, giúp đẩy nhanh sự phát triển và tham gia nghề nghiệp của người giáo viên.
Nguồn học liệu mở là cơ sở quan trọng trong đào tạo và bồi dưỡng giáo viên
Phát triển học liệu mở còn mới mẻ ở bậc phổ thông
Theo ThS Trần Hùng Minh Phương (Trường Đại học Vinh), nguồn học liệu mở rất cần thiết cho người giáo viên, các môn KHXH và KHTN mở rộng các kiến thức trong SGK, bổ sung các tri thức mới về các vấn đề mà SGK đề cập, khái quát hóa hoặc chưa đề cập một cách đầy đủ, tiếp cận các phương pháp dạy học đặc thù của bộ môn xây dựng giáo án, bài giảng trên lớp, xây dựng bài kiểm tra đánh giá một cách hoàn thiện.
Việc phát triển học liệu mở hiện nay mới chỉ triển khai ở các trường đại học Việt Nam, còn ở bậc phổ thông thì vấn đề này còn khá mới mẻ. Hiện nay giáo viên các môn khoa học tự nhiên và xã hội chỉ được dạy các kiến thức về các môn khoa học trong sách giáo khoa, kiến thức dạy và học không được cập nhật thường xuyên. Vì vậy, việc đào tạo và đào tạo lại giáo viên phổ thông các môn KHTN và KHXH cập nhật các kiến thức mới cho chương trình, SGK bậc phổ thông mới là việc làm cần thiết.
Cần thiết cho một xã hội học tập
ThS Trần Hùng Minh Phương cho rằng, giáo viên có vai trò then chốt trong giáo dục, cho nên việc tham gia đào tạo, đào tạo lại là rất quan trọng. Tính thích ứng, tự thay đổi, sửa chữa nội dung của học liệu mở giáo dục hỗ trợ rất tốt cho giáo viên, sinh viên sư phạm trong việc sử dụng, áp dụng phù hợp vào môi trường GD-ĐT của cá nhân.
Ngoài ra học liệu mở còn tạo ra môi trường tương tác của người dạy và người học, góp phần rèn luyện người học khả năng tích cực, chủ động, sáng tạo và tìm tòi cái mới, góp phần vào việc hình thành nhân cách người học.
“Quá trình nhận thức học liệu mở ở bậc phổ thông bước đầu sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong việc đào tạo và đào tạo lại giáo viên phổ thông các bộ môn KHTN và KHXH, nhằm thực hiện chương trình, SGK mới nhưng điều quan trọng là mỗi GV, mỗi nhà trường phổ thông và các trường đại học sư phạm cần phải có chung một mục đích giáo dục, tạo được sự chuyển biến về hiệu quả và chất lượng GD, hướng tới xây dựng nền GDVN ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và trên thế giới”.
ThS Trần Hùng Minh Phương
Vấn đề này đòi hỏi các cơ sở đào tạo giáo viên phổ thông cần chủ động trong quá trình tiếp cận các xu hướng mới trên thế giới để điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với sự phát triển của trường, từ đó dẫn đến sự nhận thức của sinh viên sư phạm cần thay đổi theo quy định mới.
Các môn học ở trường phổ thông hiện nay như Ngoại ngữ, Văn, Lịch sử… được xem là các môn học khô khan, chưa hấp dẫn người dạy lẫn người học, do nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không kể đến việc thiếu tài liệu tham khảo, trích dẫn các vấn đề còn đang nghiên cứu, đánh giá với các luận cứ khác nhau, thiếu các học liệu mở để thầy cô cùng tham khảo, nghiên cứu các chuyên đề văn học, sự kiện lịch sử, địa lý một cách cụ thể, hiểu sâu hơn bài giảng, bài đọc.
Chia sẻ tri thức, tài liệu giảng dạy, học tập là một trong những mục tiêu chính của các hoạt động đối với học liệu mở, cần thiết cho một xã hội học tập, xã hội tri thức ngày nay.
Nâng cao chất lượng giáo viên phổ thông
Để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, ThS Trần Hùng Minh Phương cho rằng, đối với các cơ sở đào tạo GV nên xây dựng hệ thống dữ liệu, tài liệu số hóa bổ sung thêm các nguồn tư liệu phục vụ cho SV sư phạm; Chia sẻ nguồn dữ liệu, tài liệu từ các trường đại học cho các trường phổ thông, tạo sự liên kết gắn bó giữa nơi đào tạo và nơi sử dụng nguồn nhân lực giáo viên, phục vụ cho việc đào tạo giáo viên ngay tại cơ sở, hỗ trợ hoạt động dạy và học ngay tại trường phổ thông.
Bên cạnh đó, trường ĐHSP có thể đào tạo, đào tạo lại giáo viên phục vụ cho việc thay SGK và chương trình GD phổ thông qua dịch vụ trực tuyến, thông qua việc chia sẻ các nguồn học liệu mở, tiết kiệm thời gian, kinh phí đào tạo...
Đối với các giáo viên môn KHTN và KHXH phải không ngừng tự đào tạo sau khi tốt nghiệp các trường sư phạm. Việc tự đào tạo là sự cần thiết cho quá trình tiếp cận các nguồn thông tin mới, cập nhật các kiến thức của bộ môn, hỗ trợ cho việc giảng dạy tại trường phổ thông.
Bản thân mỗi giáo viên phải tự đào tạo thông qua các học liệu mở ngay trong tổ, nhóm bộ môn và thư viện của từng nhà trường phổ thông nơi giáo đang công tác.
Giáo viên các môn KHTN và KHXH cần có bước đầu áp dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh thông qua hệ thống học liệu mở; chia sẻ các nội dung sách giáo khoa số hóa cho các đồng nghiệp, các giáo viên có thể điều chỉnh bài dạy theo tính địa phương và phù hợp với khả năng của từng đối tượng học sinh là các dân tộc thiểu số, học sinh các vùng còn khó khăn về kinh tế, học sinh vùng sâu, vùng xa. |
Theo Trung Kiên - Báo Giáo dục & Thời đại