TIN TỨC & SỰ KIỆN

Ngày 16/10, tại Đại học Thái Nguyên, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo “Vai trò của trường đại học với việc học tập suốt đời của người lớn”.

Dự hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; GS.TS Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; đại diện Ban tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, UBTWMTTQ Việt Nam; đại diện một số trường đại học và Hội Khuyến học một số tỉnh, thành phố phía Bắc.

Giáo dục đại học tạo cơ hội cho mọi người học tập suốt đời

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, các trường đại học là nơi cung cấp nguồn nhân lực cần thiết để phục vụ hầu hết yêu cầu về vị trí công tác ở tất cả các khu vực kinh tế. Bên cạnh đó, giáo dục đại học còn có nhiệm vụ quan trọng là tạo ra các cơ hội cho mọi người được học tập suốt đời, tạo điều kiện và sẵn sàng cập nhật các kiến thức, kỹ năng thường xuyên theo nhu cầu của xã hội. Bởi vì thực tế một số người sau khi tốt nghiệp đại học, trường nghề hoặc chưa học qua trường lớp sau khi thi tốt nghiệp THPT... luôn có nhu cầu học tập nâng cao trình độ, trau dồi tri thức mới phục vụ nhu cầu công tác hoặc cuộc sống.

Toàn cảnh hội thảo 

GS.TS Nguyễn Thị Doan chỉ ra một số nhóm đối tượng có nhu cầu học tập, gồm: Những người đang nắm các cương vị lãnh đạo muốn phát triển năng lực, trí tuệ, củng cố vị trí và hoàn thiện mình; những người đang công tác trong các cơ quan, doanh nghiệp muốn nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao chất lượng cuộc sống; những người đã về hưu muốn tìm đến các trường đại học để đọc, nghe, học và tìm hiểu các chuyên đề phục vụ cho cuộc sống mới, có thể họ muốn khởi nghiệp, muốn tìm hiểu văn hóa ứng xử của người già, họ cũng muốn học các môn về nâng cao sức khỏe; cán bộ giảng dạy trong các trường đại học muốn học liên tục để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu.

GS Nguyễn Thị Doan cũng cho rằng, những thách thức về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, kể cả đối với sinh viên vừa tốt nghiệp hiện chưa tìm được việc làm muốn trau dồi thêm tri thức, kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp hoặc tham gia thị trường lao động, đòi hỏi các trường đại học phải có chương trình đào tạo lại đáp ứng yêu cầu. Từ đó cũng đòi hỏi phải thay đổi nhanh hơn phương pháp đào tạo theo hướng mở, gắn kết với thực tiễn để đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cần có của đất nước.

Tại hội thảo, các ý kiến tham luận đã tập trung khẳng định tầm quan trọng của học tập người lớn; vai trò, trách nhiệm, quyền lợi của các trường đại học đối với việc thúc đẩy học tập người lớn. Đặc biệt, cần có sự thay đổi căn bản nhận thức về giáo dục người lớn. Hiện nay, giáo dục phổ thông của Việt Nam được thế giới đánh giá cao, tuy nhiên giáo dục người lớn chưa được ghi nhận. Quan tâm đầu tư cho giáo dục người lớn nhiều hơn nữa, trong đó, các cơ chế đảm bảo cho sự phát triển của giáo dục người lớn cần được luật hóa làm cơ sở cho việc triển khai trong thực tiễn.

GS.TS Nguyễn Thị Doan phát biểu khai mạc hội thảo

Một số ý kiến cũng cho rằng, các trường đại học phải có chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đáp ứng nhu cầu; có môi trường giáo dục tốt tạo điều kiện và cơ hội học tập cho tất cả mọi người; có giáo trình đa dạng, các chuyên đề luôn cập nhật tri thức mới; các loại chương trình học tập linh hoạt cho thời gian vài ngày, một tuần, một tháng, một năm cho người học cần chứng chỉ cũng như không cần chứng chỉ; các loại chương trình liên doanh, liên kết với các trường đại học trong, ngoài nước, với các doanh nghiệp… giúp người học khai thác, cập nhật kiến thức khi đang ở bất cứ đâu; tham gia tích cực hơn vào hệ thống giáo dục thường xuyên, các trung tâm đào tạo, các trung tâm học tập cộng đồng.

Mục tiêu để học tập người lớn đi đến chất lượng

Nhấn mạnh sự phong phú, tầm quan trọng của giáo dục người lớn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, vai trò của trường đại học với việc học tập suốt đời của người lớn cần bắt đầu ngay từ việc mỗi cán bộ, giảng viên của các trường không ngừng học tập để cập nhật kiến thức. Các cựu sinh viên của nhà trường cũng là đối tượng học tập, bởi sau một thời gian ra trường, nhiều kiến thức đã lạc hậu cần được trang bị kiến thức mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.

Cho rằng, các trường đại học phải có trách nhiệm xã hội với cộng đồng, Bộ trưởng nêu ví dụ như Đại học Thái Nguyên cần nắm bắt tiềm năng, thế mạnh và phải trở thành động lực tăng trưởng của tỉnh Thái Nguyên thông qua đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và phù hợp với yêu cầu của địa phương. Chỉ khi hai bên thấy được lợi ích thì khi đó việc học tập người lớn mới phát huy được.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tham quan khu trưng bày các sản phẩm

của sinh viên Đại học Thái Nguyên - một hoạt động trong khuôn khổ hội thảo

Đề cập tới trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong việc thúc đẩy học tập người lớn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua, Bộ GD&ĐT được giao là đầu mối xây dựng dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, nhận thức rõ vai trò của giáo dục thường xuyên, học tập người lớn nên các nội dung này đã sửa đổi và xây dựng thành các mục riêng trong dự thảo luật với tinh thần chung là tạo môi trường thuận lợi cho mọi người được tham gia đào tạo, được chuyển đổi hình thức đào tạo; hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống mở liên thông, khắc phục tình trạng phân mảnh như hiện nay; tổ chức hình thức giáo dục thường xuyên đa dạng, phong phú, khuyến khích phương thức đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, khuyến khích nhưng phải đi kèm với kiểm định chất lượng giáo dục, tránh mở rộng mà chất lượng không đảm bảo. Vì vậy, tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng học tập người lớn nói riêng. Mục tiêu cuối cùng là để học tập người lớn đi đến chất lượng. Bộ trưởng đề nghị, các trường đại học thiết lập bộ phận chăm lo cho học tập người lớn, đảm bảo học tập người lớn thiết thực và hiệu quả.

Khơi dậy sự sáng tạo, tinh thần tự giác, trách nhiệm học tập của giáo viên và học sinh

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại quá trình triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập mang tính hệ thống từ nhiều năm. Theo Phó Thủ tướng, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành giáo dục xác định có nhiều việc phải làm, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chính như đổi mới chương trình, sách giáo khoa; triển khai lộ trình đổi mới kỳ thi THPT quốc gia trong 6 năm (2015-2020); đổi mới giáo dục đại học, thực hiện thí điểm tự chủ, thay đổi phương thức quản trị với 23 trường đại học và trường nghề.

Về phần giáo dục thường xuyên, xây dựng xã hội học tập, Phó Thủ tướng chỉ ra, dù đã bắt đầu nhưng chưa được chú ý. Vì vậy, hội thảo hôm nay chỉ là bước khởi đầu và phải dấy lên thành một mũi đổi mới không kém giáo dục phổ thông, giáo dục đại học. Phó Thủ tướng khẳng định, việc xây dựng xã hội học tập cần sự tham gia của cả hệ thống. Bên cạnh việc ban hành khung khổ pháp lý, định hướng của Nhà nước thì doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng và phải vào cuộc để sử dụng tốt nhất nguồn lực gồm khoa học, quản trị, nguồn nhân lực.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng nêu rõ, vẫn còn có tình trạng chương trình học tập người lớn được biên soạn, giảng dạy để đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn của các cơ quan, thay vì nguyện vọng thực sự của người học. Chỉ khi giá trị của cá nhân được đánh giá dựa trên năng lực, tri thức thực sự thì mới tạo ra động lực học tập suốt đời mới bền vững.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ thông tin, người học không nhất thiết phải đến trường hay có văn bằng chính thức mà qua nhiều phương tiện khác nhau nhất là thiết bị di động để học mọi nơi, mọi lúc. Vì thế vai trò của các trường đại học không chỉ mở các lớp học, khoá học cho người lớn, mà còn phải phát triển các học liệu mở, chia sẻ rộng rãi trong đội ngũ giảng viên, sinh viên, và toàn xã hội.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, các trường đại học cần gắn sát với địa phương, nắm bắt nhu cầu khác nhau của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp để vừa phục vụ cho đào tạo chính quy, vừa có những giải pháp hỗ trợ, giúp hệ thống học tập cộng đồng tham gia vào phổ biến tri thức.

Đối với Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng yêu cầu cùng với xây dựng khung khổ pháp lý, các chủ trương, chính sách cần phải khơi dậy sự sáng tạo, tinh thần tự giác, trách nhiệm học tập của cả giáo viên lẫn học sinh. Người thầy phải đi đầu gương mẫu trong tự học và xoá bỏ tiêu cực trong giáo dục. Ngành Giáo dục phải sẵn sàng đưa ra khỏi hệ thống những nhà giáo vi phạm đạo đức.

Về phía các địa phương cần quan tâm hơn đến cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ hội khuyến học các cấp, hỗ trợ hệ thống trung tâm học tập cộng đồng. Theo Phó Thủ tướng, khi trung tâm học tập cộng đồng hoạt động thiếu hiệu quả thì cần xem lại cơ chế để tạo điều kiện, chứ không phải là dẹp bỏ hay sáp nhập.

Theo Trung tâm Truyền thông Giáo dục - Bộ GDĐT

Our website is protected by DMC Firewall!