“Ước tính có khoảng 80% trong số 54 triệu lao động tại Việt Nam không có các kỹ năng phù hợp để tham gia vào nền kinh tế số”.
Đó là đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, nhà nghiên cứu đưa ra tại hội nghị Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật và Toán học Việt Nam thường niên lần thứ 7 (viết tắt là STEMCON Việt Nam) diễn ra tại Đà Nẵng ngày 14/3.
Đổi mới trong giáo dục và đào tạo để tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số.
Chủ đề của STEMCON lần này là “nguồn nhân lực số tương lai: những gợi mở và cơ hội trong ngành STEM”.
Hội nghị lần này quy tụ lãnh đạo các doanh nghiệp, giới học thuật và đại diện các cơ quan chính phủ để cùng nhau thảo luận và xem xét thấu đáo chủ đề nguồn nhân lực số tương lai.
Trong thập kỷ qua, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tác động mạnh mẽ lên thị trường lao động toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam, và định hình lại nền kinh tế thế giới.
Cùng với các tiến bộ trong công nghệ, những công việc mang tính đơn điệu và lặp lại sẽ dần được tự động hóa nhằm nâng cao năng suất và lợi nhuận kinh doanh.
Mặc dù quá trình chuyển dịch số đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều công việc bị thay thế. Song nó không đồng nghĩa với việc sẽ có ít cơ hội việc làm hơn, hay con người ngày nay sẽ trở nên ít quan trọng hơn, đặc biệt trong lĩnh vực STEM.
Theo bà Uyên Hồ - Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam và Malaysia: “Nay là thời điểm rất quan trọng để các sự kiện như STEMCON Việt Nam quy tụ các cá nhân và tổ chức cùng nhau thảo luận về các thách thức, cơ hội và chiến lược để xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong việc xây dựng nguồn nhân lực.
Nói một cách đơn giản, công ty không thể lớn mạnh nếu thiếu lực lượng lao động có kỹ năng và bền vững”.
Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ thách thức và cơ hội gặp phải trong nền kinh tế số, các xu hướng về lực lượng lao động, các chính sách giáo dục và các mô hình học tập đổi mới dành cho Việt Nam.
Năm nay, STEMCON đã thu hút trên 500 người tham dự đến từ các doanh nghiệp, giới học thuật, và các cơ quan chính phủ, những người tin rằng giáo dục là cốt lõi của thành công kinh tế.
Ông Jeffrey Goss, Phó Hiệu trưởng phụ trách các Chương trình tại Đông Nam Á, Đại học Bang Arizona cho biết:
“Với việc uớc tính có khoảng 80% trong số 54 triệu lao động tại Việt Nam không có các kỹ năng phù hợp để tham gia vào nền kinh tế số.
Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải xác định nhu cầu và tạo ra được các mô hình phù hợp, song phải mang tính đổi mới trong giáo dục và đào tạo.
Việc tổng hợp các góc nhìn khác nhau có thể giúp thúc đẩy sự đổi mới theo một định hướng có sự phối hợp, có được thông tin đầy đủ, và mang tính tiến bộ”.
Ông Đặng Việt Dũng – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng chia sẻ, thành phố luôn tập trung cho phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt đề cao việc ứng dụng công nghệ thông tin.
“Đà Nẵng trong 15-30 năm tới, chúng tôi xác định kinh tế số là một trong năm ngành kinh tế mũi nhọn và lấy công nghệ cao để phát triển ngành kinh tế số.
Bởi vậy, hy vọng các nhà khoa học sẽ bàn luận để tìm ra hướng đào tạo tốt nhất cho lực lượng lao động trong tương lai ở trong các lĩnh vực:
Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học và tích hợp để người lao động thích ứng được với sự phát triển của ngành kinh tế số”.
Theo TẤN TÀI - Báo Giáo dục Việt Nam