Liệu chính sinh viên có đang là tác nhân và nạn nhân gây nên sự khủng hoảng lớn hơn nữa cho xã hội, khi họ bị giật dây bởi các tập đoàn kinh doanh tài trợ?
Ai bảo vệ dữ liệu cá nhân của sinh viên và đại học?
Ai mua bán dữ liệu cá nhân của sinh viên và đại học cho các đối tác thứ 3, các tập đoàn kinh doanh dữ liệu, các hãng kinh doanh và tổ chức thương mại?
Ai minh chứng năng lực học và phát triển của sinh viên qua những hoạt động học online, dù đó chỉ là dưới 10% tổng số đối tượng học?
Ai đảm bảo an toàn mạng cho sinh viên không bị “hacking trí não” và được dùng làm đối tượng nghiên cứu bất hợp pháp trong công nghệ ứng dụng dữ liệu lớn và AI?
Những câu hỏi trên hoàn toàn chưa có câu trả lời. Và chính xác nhất là không có ai muốn trả lời rõ ràng cả, bởi tất cả đang lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng và chưa có luật pháp để “ăn cắp tốt”.
Giáo dục đại học trong thời đại kỹ thuật số (Ảnh: tác giả cung cấp).
Hãy nhìn đến một số thực tế sau từ Việt Nam và nước ngoài.
Ở Việt Nam
Xu hướng học và kết hợp với công nghệ mới chỉ bắt đầu trong khoảng 5 năm gần đây (2014), khi có một tổ chức đứng ra tuyên bố họ sẽ dạy online.
Với thời gian ngắn, việc xác định chất lượng, tiền đầu tư và hiệu quả ra sao, có lẽ không đủ để nói lên điều gì.
Đi cùng với chương trình đại học có kết hợp với dạy online, một số các tổ chức nước ngoài và Việt Nam cũng chào mời các chương trình dạy ngoại ngữ, dạy học phổ thông, gia sư…online.
Nhưng, chưa có bất kỳ đánh giá cụ thể về chương trình đó kết quả ra sao.
Chỉ có điều nhỏ có thể quan sát được, đó là với chương trình học online UoP được tổng kết theo quốc gia, trong 3 năm, kể từ 2012-2015, Việt Nam là nước có số người đăng ký tham gia nhiều nhưng bỏ học cũng nhiều không kém.
Thực trạng này của Việt Nam cũng là thực tế của tất cả các nước có chương trình dạy học online, đăng ký hàng nghìn, hàng chục nghìn, đi theo được khoảng 800 và kết thúc được chương trình thì còn vài chục người.
Câu hỏi được EAIE đề cập trong vài số viết chuyên san của họ về giáo dục online “Bằng cách nào chúng ta thu hút và dạy học sinh thích thú với học online?” có lẽ là câu hỏi cho tất cả ở Việt Nam, nếu những ai ở Việt Nam tin vào giáo dục online và hy vọng có thể cải thiện được chất lượng dạy và học.
Chỉ có điều, theo như một nghiên cứu gần đây ở Mỹ, việc dạy online, hay dưới những tên gọi tương tự như virtual, personalized learning, hay kể cả hybrid (kết hợp online và offline), việc chúng ta sử dụng algorithms trong hệ thống giáo dục online nhằm để học sinh sinh viên “đọc” và “nhìn” những gì chúng ta muốn chúng khai thác dữ liệu giáo dục, thì hình như đó không phải là giáo dục thực sự, bởi đó chỉ là cách “tiêu hóa” các nguồn dữ liệu và giáo trình giáo dục mà thôi [1].
Việc cơ cấu tổ chức, điều chuyển hoạt động của một hệ thống đại học đang từ phổ cập mọi thứ dữ liệu bằng tay sang thời đại số hóa tất cả, internet hóa tất cả là một thách thức với Việt Nam.
Bởi đơn giản, đó là tiền, là đầu tư, là phương thức hợp lý hóa mọi vấn đề trước khi kết nối.
Mà hình như vấn đề này lại chả mấy ai nghĩ đến, bởi có lẽ ai cũng tin là cứ cắm internet vào, cứ kết nối với các mạng xã hội và một số tổ chức nào đó có thể cung cấp nguồn dữ liệu mở để đọc và tự học (dù cũng rõ là có năng lực để đọc và tự học trực tiếp bằng ngoại ngữ hay chưa? [2]), thực hiện kết nối theo chủ đề và theo một số nhóm các trường trong nước và quốc tế, ấy là chúng ta đang tiến lên thời công nghệ đại học.
Tôi thì tin là, mọi sự đều cần có thời gian đủ để lượng mới đổi thành chất, nhất là trong giáo dục, bởi những kế hoạch cải cách hệ thống đại học mà còn chưa xong, hiểu về tự chủ đại học hay phương thức tổ chức và minh bạch trách nhiệm của đại học với xã hội và người học còn chưa ra đâu, chúng ta còn nhiều việc để làm.
Biết đâu, đi chậm của Việt Nam lại có cái hay, bởi ít phải trả giá hơn các nước khác?
Giá phải trả của Việt Nam trong thời đại công nghệ, cho đến nay có thể thấy:
(i) Dữ liệu 43 triệu người tham gia mạng lưới đánh bạc online;
(ii) Những hệ thống hạ tầng cơ sở cho những cơ quan nhà nước, các tổ chức và cấu trúc đại học và giáo dục vẫn là nơi dễ dàng bị hack.
(iii) Ý thức về bảo vệ tài khoản mạng cá nhân, tổ chức, hay thậm chí, kể cả hệ thống ngân hàng, vẫn thấp.
(iv) Những tập đoàn đa quốc gia kinh doanh trên mạng và trên số người Việt dùng tài khoản của họ trên hệ thống phương tiện truyền thông mạng xã hội kiếm tiền tốt, nhưng chưa hề đóng thuế cho Việt Nam.
Cuối cùng, một giá phải trả nữa, đó là đã có người Việt Nam khiếu nại tại Quốc hội Mỹ và Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, về việc sau hơn 3 năm học tại Mỹ, ai đã cướp mất quyền được sống với một tư duy độc lập và tự do của cô ấy?
Ai đã “hacking” và “đọc” trí não cô ấy? Ai đã sử dụng cuộc đời cô ấy để thử nghiệm công nghệ dành cho giáo dục? [3], khi cô ấy sang Boston, Mỹ để làm thiện nguyện?
Ở Mỹ và thế giới
FBI Mỹ đã có thông báo về việc các trường học Mỹ, khi kết hợp làm nghiên cứu hay thu thập dữ liệu học sinh, sinh viên với bên thứ 3, dù đó là tập đoàn công nghệ hay tổ chức kinh doanh dữ liệu, đều có nguy cơ cao ảnh hưởng đến học sinh suốt đời [4].
Không chỉ dừng ở việc khai thác dữ liệu để kinh doanh kiếm tiền, ở Mỹ, người ta đã và đang nhận ra sức mạnh của dữ liệu lớn tác động thay đổi hành vi và tư duy của người dùng internet và mạng xã hội lớn như thế nào [5].
Nhất là trong hành vi thói quen tiêu dùng và kể cả, tư duy về chính trị, xã hội và bầu cử. Dữ liệu lớn, đi cùng với nghiên cứu tâm lý hành vi, đã thay đổi tất cả chúng ta. [6]
Việc bầu cử giờ này không chỉ là ý kiến của cá nhân mỗi người về ai đại diện cho tôi, mà được “giật dây” bởi các hãng công nghệ, truyền thông và dịch vụ marketing chính trị online, nhằm đảm bảo cho ai đó có thể thắng cử [7].
Điều mà tất cả đã tìm hiểu ra, tại sao các chủ hãng công nghệ và tài chính lớn đứng sau các hoạt động tài trợ cho giáo dục và chính sách giáo dục [8], nhằm thúc đẩy hoặc tư nhân hóa giáo dục công ở Mỹ [8] hoặc tìm cách thay đổi bản chất nghiên cứu khoa học trong đại học, để phục vụ cho lợi ích của chính trị - kinh tế dành cho những ai đang có ý định khai thác và thống trị xã hội Mỹ và thế giới trong tương lai, dưới tên gọi “cải cách giáo dục” vì một nước Mỹ Mới. [8]
Sự thật mà cả thế giới, Mỹ hay Việt Nam, hầu hết khi vỗ tay ca ngợi về thời đại công nghệ, đã “lờ” đi không hề nói cho sinh viên và công chúng biết rằng, khi bạn kết nối internet, khi bạn tham gia vào các hệ thống mạng lưới xã hội truyền thông online, chúng ta chỉ là "sản phẩm" (product) của những hãng công nghệ đó mà thôi. [9]
Nhân danh việc cung ứng dịch vụ internet và mạng xã hội, những dữ liệu cá nhân và hoạt động của chúng ta được ghi chép, phân tích, đánh giá và theo đó, giúp họ “đáp ứng” sao cho khả năng chúng ta ngày càng “lệ thuộc” vào các mạng xã hội và máy tính, smartphone nhiều hơn, đến độ, người ta khảo sát để nhận ra “chúng ta yêu smartphone” hơn chính bản thân mình.
Điều có nguy cơ lớn nhất, mà không ai nói thật là toàn bộ nhân quyền, quyền riêng tư, quyền được sống với tự do – độc lập trong tư duy, hành xử, cảm xúc, hành vi, dần dần đã bị điều khiển bởi những hệ thống internet và mạng xã hội mà chúng ta chung sống cùng [10].
Trong cuốn “Nhân dân – Sức mạnh – Lợi nhuận: Chủ nghĩa tư bản thời đại bất mãn”, J. Stiglitz [11] đã mô tả về sức mạnh của mạng xã hội như một “quyền lực độc quyền tự nhiên”, mà không dễ gì có thể phá vỡ.
Trong đó, người sử dụng có vẻ như “những nô lệ” mà các hãng công nghệ trả tiền lại không trả cho “nô lệ” làm nên hệ thống giá trị cho họ, mà trả tiền cho những “chủ nô”, các chính phủ bất lương khi kết hợp với những hãng bất lương không kém, để mua bán, lạm dụng và khai thác dữ liệu cá nhân của nhân dân và tất cả, nhằm kiếm lời trên đầu trên cổ người ta. [12]
Với thực trạng trên, nhân danh giáo dục online để tiết kiệm tiền học, nhưng hiệu quả học tập cho sinh viên, mà thời đại này hơn 50% sinh viên Mỹ vừa đi học vừa đi làm nhưng vẫn phải bỏ học đến 65%, thì thử hỏi, ai có lợi? Lợi cho ai? [13]
Tôi không phản đối giáo dục online hay giá trị của công nghệ với giáo dục và tiến bộ của xã hội và con người. Nhưng thực tế trải nghiệm ở 6 lớp học online của một chương trình tiến sỹ giáo dục giúp tôi hiểu rằng, tôi chỉ là “thử nghiệm” cho họ để marketing dịch vụ online, hơn là giáo dục.
Điều này đúng không chỉ trong môi trường đào tạo tiến sỹ, nó đúng cho 4 triệu học sinh phổ thông đang học online ở Mỹ [14].
Vấn đề kém chất lượng giáo dục, vấn nạn về sử dụng con người, học sinh sinh viên để thử nghiệm các chương trình công nghệ giáo dục, vấn nạn nghiên cứu bất hợp pháp trên con người và não người để đo lường các phản ứng tâm lý trong quá trình kết nối người và máy học, chương trình máy tính, tất cả những điều này hiện nay đang không hề có ai quản lý, không hề có ai chịu trách nhiệm.
Hệ quả là gì? Tất cả những ai là đối tượng bị thử nghiệm công nghệ như vậy, họ bị ám ảnh và thiệt hại suốt đời, nhất là với con trẻ học online phổ thông từ sớm, bởi chúng bị hổng kiến thức và mất kỹ năng học tập cần thiết, chúng làm sao có cơ hội để học lại và như những đứa trẻ khác, chúng đã và đang mất “cơ hội” của tương lai, khi hiện tại chúng phải gắn với giáo dục online kém chất lượng [15].
Với sinh viên đại học, chuyện cũng xảy ra tương tự. Điều mà các hãng và tổ chức quỹ tài trợ cho đại học, không chỉ nhắm tới mục đích về giáo dục online, mà nhiều hơn thế.
Họ muốn thay đổi ý thức của sinh viên, tác động vào đời sống và phiếu bầu, tìm kiếm và gây dựng những sinh viên và lãnh đạo xã hội từ còn trẻ, nhằm những mưu tính về kinh doanh quyền lực chính trị lâu dài [16].
Khi con người có học ở tầm đại học, nhưng cuộc sống của họ không còn là chính họ, chúng ta mong đợi xã hội công nghệ sẽ mang lại điều gì tốt đẹp hơn?
Những kết nối mọi người với nhau, chúng ta tin rằng nó sẽ làm cho xã hội tốt đẹp hơn, hóa ra, con người đang hành xử và được điều khiển theo “tâm lý bầy đàn” nhiều hơn, chúng ta bị chia rẽ, đau đớn, cay cú với nhau nhiều hơn, để đến nỗi, không chỉ ở tầm sinh viên và đại học, cứ nhìn cách các chính trị gia quản trị đất nước và thế giới “trình diễn” các vai của họ với chúng ta và với thế giới, đủ hiểu sự thê thảm về hệ đạo đức và giá trị nhân phẩm con người thời đại công nghệ này nó đến đâu [16].
Với khủng hoảng kinh tế kéo dài do nhiều nguyên nhân, mà cơ bản là sự tích tụ tư bản ngày càng lớn vào những tập đoàn và chủ sở hữu giàu nhất, giáo dục đại học và giáo dục đang là chỉ dấu của bất bình đẳng nghiêm trọng trong xã hội và thế giới [17].
Cơ hội và ưu thế cho những ai được học với chất lượng tốt chỉ dành cho số ít và hơn cả thế việc học giờ này cũng không quan trọng nữa, bởi bạn sinh ra trong gia đình nào sẽ quyết định tương lai của bạn nhiều hơn năng lực của cá nhân bạn. [17]
Vậy, giá trị của đại học thời đại công nghệ này là gì?
Liệu đại học có giải quyết được vấn nạn bất bình đẳng toàn cầu hiện nay?
Liệu chính sinh viên có đang là tác nhân và nạn nhân gây nên sự khủng hoảng lớn hơn nữa cho xã hội, khi họ bị giật dây bởi các tập đoàn kinh doanh tài trợ và các nhóm chính trị gia bất lương dùng họ để lèo lái xã hội mà đa phần dân chúng chỉ biết tin vào lời các “chuyên gia” từ đại học. [17]
Tài liệu tham khảo:
[1] //www.edsurge.com/news/2018-01-21-personalized-learning-is-a-problem-of-privilege
[2] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/co-hoi-de-cac-truong-dh-viet-nam-tiep-can-duoc-chat-luong-quoc-te-la-rat-han-che-547154.html
[3] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/co-hoi-de-cac-truong-dh-viet-nam-tiep-can-duoc-chat-luong-quoc-te-la-rat-han-che-547154.html
[4] //newasiagloballearning.com/tin-tuc/fbi-education-technologies-data-collection-and-unsecured-systems-could-pose-risks-to-students.html
[5] Everybody Lies: Big Data, New Data, and What the Internet Can Tell Us About Who We Really Are, 2017, Seth Stephens-Davidowitz, //www.theguardian.com/technology/2017/jul/09/everybody-lies-how-google-reveals-darkest-secrets-seth-stephens-davidowitz;
[6] Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính, Sự hình thành kinh tế học hành vi, R. Thaler;
[7] US election campaign technology from 2008 to 2018, and beyond The first Obama campaign kicked off a technological revolution in electioneering. Where is it going next?; //www.technologyreview.com/s/611823/us-election-campaign-technology-from-2008-to-2018-and-beyond/ //www.technologyreview.com/s/509026/how-obamas-team-used-big-data-to-rally-voters/
[8] It might work too well': the dark art of political advertising online
[//www.theguardian.com/technology/2018/mar/19/facebook-political-ads-social-media-history-online-democracy]
//www.chronicle.com/article/How-Gates-Shapes-State/140303
//www.insidehighered.com/blogs/just-visiting/bill-gates-please-stay-away-higher-education
//www.washingtonpost.com/news/answer-sheet/wp/2018/04/22/professor-a-disturbing-story-about-the-influence-of-the-koch-network-in-higher-education/
//www.theatlantic.com/education/archive/2015/10/spreading-the-free-market-gospel/413239/
//www.nytimes.com/2017/09/01/us/politics/anne-marie-slaughter-new-america-google.html, //en.wikipedia.org/wiki/New_America_(organization)
[9] The age of surveillance capitalism, The fight for future human at the new frontier of power, Shosana Zuboff; Facebook Algorithms and Personal Data, //www.pewinternet.org/2019/01/16/facebook-algorithms-and-personal-data/;
[10] The Dark Side of Numbers: The Role of Population Data Systems in Human Rights Abuses, WILLIAM SELTZER and MARGO ANDERSON, //www.jstor.org/stable/pdf/40971467.pdf?seq=1#page_scan_tab_contents;
[11] People – Power – Profits: The Progressive Capitalism in the Age of Discontent, J. Stiglitz;
[12] //tuoitre.vn/g20-dong-y-ra-quy-tac-danh-thue-voi-cac-hang-cong-nghe-lon-vao-2020-20190611161519267.htm
[13] How well do we really know our today’ students? – Oct. 2018. Higher Learning Advocate; //newasiagloballearning.com/tin-tuc/dear-my-harvard-and-making-caring-common-mcc.html
[14] //edtechmagazine.com/k12/article/2014/11/7-telling-statistics-about-state-k-12-online-learning; //www.edweek.org/ew/issues/online-classes/index.html; //theconversation.com/the-failure-of-udacity-lessons-on-quality-for-future-moocs-20416; //www.rand.org/pubs/research_briefs/RB9994.html; //www.nea.org/assets/docs/Online%20Learning%20Programs%20Research%20Brief%20NBI%20135%202017.pdf; //credo.stanford.edu/pdfs/OnlineCharterStudyFinal2015.pdf
[15] The Flat World and Education: How America's Commitment to Equity Will Determine Our Future, Linda Darling-Hammond;
From the Achievement Gap to the Education Debt, //www.jstor.org/stable/3876731, G Ladson-Billings;
[16] //www.insidehighered.com/views/2018/07/23/colleges-must-do-more-teach-students-about-voting-and-democracy-opinion; //www.insidehighered.com/news/2018/09/26/growing-number-democrats-run-free-college-pushing-issue-mainstream; //press.princeton.edu/titles/6947.html; //www.pbs.org/newshour/economy/making-sense/how-income-inequality-can-make-or-break-presidential-elections; //www.pewresearch.org/fact-tank/2017/05/12/black-voter-turnout-fell-in-2016-even-as-a-record-number-of-americans-cast-ballots/; //www.brookings.edu/blog/the-avenue/2017/05/18/census-shows-pervasive-decline-in-2016-minority-voter-turnout/;
[17] The rise and fall of American growth, US living standard since Civil War, R. Gordon; The Forgotten Americans, An Economic Agenda for a divided nation, I. Sawhill; //www.brookings.edu/blog/social-mobility-memos/2018/06/05/seven-reasons-to-worry-about-the-american-middle-class/; Universities in the Marketplaces: The Commercialization of Universities, Derek Bok; Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính, Sự hình thành kinh tế học hành vi, R. Thaler;
Theo Nguyễn Thị Lan Hương - Báo Giáo dục Việt Nam