TIN TỨC & SỰ KIỆN

Quản lí quá trình đào tạo theo học chế tín chỉ và quản lí nhà trường theo phương thức mới là những kĩ năng nghề nghiệp quan trọng nhất. Nêu quan điểm này, GS Nguyễn Đức Chính – nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội – cho rằng, cần có kế hoạch, chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho các nhà quản lí đại học. Họ chính là những chủ thể quyết định thành bại của công cuộc đổi mới bậc học này.   

SV Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh: Thiên Thanh

Phương thức quản trị mới: Quản lí chất lượng

- GS nhắc đến kĩ năng quản lí nhà trường theo phương thức mới. Vậy cụ thể phương thức này là thế nào?

- Quản lí chất lượng là một phương thức quản trị mới, khác hẳn phương thức quản lí truyền thống.

Quản lí chất lượng giáo dục là xây dựng và vận hành hệ thống quản lí trên cơ sở bộ chuẩn, hướng dẫn và kiểm soát tất cả các lĩnh vực của một cơ sở giáo dục, vào tất cả các giai đoạn của quá trình giáo dục, bảo đảm không có lỗi trong các giai đoạn đó, nhằm tạo ra chất lượng của toàn bộ sản phẩm của quá trình giáo dục.

Với quản lý truyền thống, công cụ quản lý và các chức năng kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo kiểm tra; người quản lý là các cán bộ quản lý. Kết quả thường là giảm tỉ lệ phế phẩm; tìm sai sót để qui trách nhiệm; sửa chữa hoặc loại bỏ; thưởng phạt dẫn tới đối phó, chống đối. Với phương thức truyền thống, người lao động chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm; quản lý đóng vai trò quan trọng và thời gian theo các đợt.

Trong khi đó, với quản lý chất lượng, công cụ là các qui trình nhằm đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn; vai trò quản lý thuộc về tất cả mọi người, không phải chỉ cán bộ quản lý. Kết quả hướng tới không có lỗi trong tất cả các công đoạn, tất cả sản phẩm đều đạt chất lượng một cách bền vững. Mọi người đều có trách nhiệm làm tốt công việc của mình và liên tục cải tiến qui trình. Với quản lý chất lượng, hệ thống quản lí và cách điều hành hệ thống quyết định chất lượng của sản phẩm. Vai trò lãnh đạo mang tính chất quyết định và thời gian là suốt quá trình, mọi lúc, mọi nơi.

- Công cụ quan trọng nhất của phương thức quản trị mới là gì, thưa GS?

GS Nguyễn Đức Chính

- Công cụ quan trọng nhất của phương thức này là hệ thống quản lí chất lượng (hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong), bao gồm các tiểu hệ thống, hướng dẫn và kiểm soát từng công việc trong trường, cho từng người (căn cứ các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ báo).

Với sự nỗ lực của các nhà quản lí và các nhà khoa học giáo dục, chúng ta đã xây dựng và ban hành nhiều bộ chuẩn, cụ thể ở đây là bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục ĐH ban hành kèm Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Mỗi tiểu hệ thống là một qui trình thực hiện từng công việc, để bảo đảm rằng sản phẩm của nó là không có lỗi, để khâu tiếp theo cũng không có lỗi và cuối cùng toàn bộ sản phẩm của cả quá trình giáo dục cũng không có lỗi.

Bộ tiêu chuẩn có 25 tiêu chuẩn, 114 tiêu chí. Trong đó, lĩnh vực bảo đảm chất lượng gồm 8 tiêu chuẩn, 36 tiêu chí; bảo đảm chất lượng hệ thống: 4 tiêu chuẩn, 18 tiêu chí; bảo đảm chất lượng chức năng: 9 tiêu chuẩn, 44 tiêu chí; kết quả hoạt động: 4 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí.

Có thể nói, bộ tiêu chuẩn với các tiêu chí, chỉ báo đã xác định những lĩnh vực quan trọng nhất của trường đại học trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập; đã bao quát hết chức năng, nhiệm vụ đặc thù của một cơ sở giáo dục trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0. Bộ tiêu chuẩn định hướng để trường đại học thực hiện được sứ mạng cao cả là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Nhiệm vụ của nhà trường là xây dựng và vận hành một hệ thống quản lí để các lĩnh vực này đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, hội nhập, cạnh tranh.

Việc đầu tiên, quan trọng nhất của quá trình quản lí bằng chuẩn là xây dựng một hệ thống mới, thay thế cho hệ thống quản lí bằng chức năng (hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong) hướng dẫn và kiểm soát tất cả các điều kiện bảo đảm chất lượng để các điều kiện này đáp ứng mọi yêu cầu của từng tiêu chí trong bộ chuẩn.

Ảnh minh họa/ INT

Vận hành hệ thống là khâu khó nhất

- Có thể xây dựng hệ thống quản lí mới như GS nhắc tới ở trên như thế nào?

Hệ thống quản lý mới được tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Nghiên cứu từng tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ báo, xác định các minh chứng cần có, các yêu cầu của các minh chứng. Bước 2: Viết hướng dẫn chuẩn bị các minh chứng (hướng dẫn xây dựng các tiểu hệ thống, không phải đi tìm minh chứng) dưới dạng các qui trình. Trong bước này ghi rõ người chịu trách nhiệm chính, các bước tiến hành, sau mỗi bước đều có minh chứng;

Bước 3: Văn bản hóa toàn bộ các qui trình, tổ chức để toàn trường thảo luận, góp ý, bổ sung và thống nhất. Bước 4: Tổ chức để mỗi người thực hiện các công việc của mình theo hướng dẫn. Bước 5: Tổ chức để ai làm việc gì viết báo cáo tự đánh giá về quá trình làm việc đó. Bước 6: Tổng hợp báo cáo của các đơn vị, cá nhân thành báo cáo tự đánh giá của trường và đăng kí kiểm định. Bước 7: Đón đoàn đánh giá ngoài

Để quản trị chất lượng mọi thành viên trong trường đều có nhiệm vụ của mình. Mỗi nhiệm vụ đều được hướng dẫn theo một qui trình và phải tuân thủ qui trình để bảo đảm sản phẩm có chất lượng. Mỗi qui trình là một tiểu hệ thống trong hệ thống bảo đảm chất lượng của trường. Nếu thực hiện đúng qui trình, toàn bộ chương trình đào tạo, đề cương môn học sẽ luôn có chất lượng.

- Theo GS, đâu là khâu khó nhất khi thực hiện quản lý nhà trường theo phương thức mới?

- Vận hành hệ thống là khâu khó nhất vì nó phá vỡ thói quen của từng người, phải làm công việc cũ theo cách mới. Do vậy trước khi thực hiện cần để mọi người thảo luận, thêm bớt cho phù hợp với điều kiện hiện có. Trong quá trình thực hiện cần hỗ trợ, giúp đỡ, bồi dưỡng. Cần có cả chế tài trong giai đoạn đầu, sau sẽ quen và tiến tới hình thành văn hóa chất lượng.

Có thể thấy, mỗi tiểu hệ thống tạo ra chất lượng của 1 sản phẩm. Cả hệ thống được xây dựng và vận hành sẽ tạo ra chất lượng của toàn bộ sản phẩm của cơ sở giáo dục. Nếu được vận hành liên tục chất lượng của sản phẩm là rất bền vững.

Sau mỗi kì tự đánh giá và kiểm định sẽ cải tiến hệ thống và cách vận hành hệ thống. Đó là cơ sở để nhà trường quảng bá thương hiệu trong bối cảnh cạnh tranh. Đây cũng là biện pháp để nhà trường thực hiện trách nhiệm giải trình xã hội; là chìa khóa để nhà trường hội nhập với giáo dục đại học thế giới.

- Xin cảm ơn GS!

Theo Hiếu Nguyễn - Báo Giáo dục & Thời đại

DMC Firewall is developed by Dean Marshall Consultancy Ltd