“Tới đây, việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục là việc cần làm thường xuyên và triển khai rộng rãi”, Giáo sư Trần Hồng Quân nói.
Khi học sinh cả nước nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, nhiều nhà trường, địa phương còn lúng túng trong khi triển khai học trực tuyến thì sau khi lắng nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia đặc biệt Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã nhiều lần gửi kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương hướng dẫn để “tạm dừng đến trường nhưng không tạm dừng việc học” giúp các trường triển khai đồng bộ hơn và thực sự có hiệu quả.
Dù mục đích của dạy học từ xa cũng giống như dạy học truyền thống không gì khác chính là giúp người học khởi tạo và củng cố kiến thức.
Điểm khác biệt giữa hai loại hình dạy và học này nằm ở công cụ và môi trường diễn ra tương tác giữa người học và người dạy.
Tận dụng được sức mạnh của máy tính, mạng internet, tivi cũng như khắc phục được những hạn chế của công nghệ chính là điểm mấu chốt quyết định thành công và hiệu quả của quá trình dạy học từ xa.
Tuy nhiên việc đổi từ học truyền thống sang học từ xa là một thay đổi đáng kể, gần như chưa từng có tiền lệ đối với giáo dục phổ thông, dù thời gian triển khai ngắn và còn nhiều khó khăn, nhưng đã tạo được một sự thay đổi trong nhận thức về kênh dạy - học, thoát ly sự lệ thuộc vào bảng đen phấn trắng.
“Tới đây, việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục là việc cần làm thường xuyên và triển khai rộng rãi”, Giáo sư Trần Hồng Quân nói. (Ảnh: Ngọc Quang)
Chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá, trước những thách thức do dịch bệnh Covid-19, giống như nhiều ngành khác, giáo dục cũng bị ảnh hưởng nặng nề tuy nhiên đây cũng là cơ hội để ngành đưa công nghệ số vào giảng dạy thông qua học trực tuyến, học qua truyền hình và đã đạt được kết quả nhất định.
“Tới đây, việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục là việc cần làm thường xuyên và triển khai rộng rãi”, Giáo sư Trần Hồng Quân nói.
Giáo sư Trần Hồng Quân đánh giá, thời gian qua, dù chúng ta triển khai dạy học chưa đồng đều, nơi làm tốt, nơi chưa bởi vùng sâu, vùng xa chưa có thiết bị, hạ tầng, do đó dạy qua truyền hình đã phủ rộng được nhiều đối tượng hơn.
Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng thừa nhận, khiếm khuyết của dạy học trên truyền hình so với dạy học truyền thống là bị hạn chế ở khâu tương tác thầy - trò.
Tuy nhiên, cái hay của hình thức dạy học này lựa chọn được thầy cô giảng dạy tốt nhất đưa lên truyền hình, khi đó số lượng học sinh được nghe thầy cô giáo giỏi giảng tăng lên, khiến chất lượng sẽ tốt hơn.
Và những hạn chế của hình thức học tập này sẽ được khắc phục nếu biết huy động đội ngũ giáo viên trực tiếp ở các cơ sở giáo dục tham gia vào quá trình dạy học trên truyền hình thông qua vai trò trợ giảng.
“Đến nay, dịch bệnh đã được đẩy lùi, tuy nhiên không nên để giáo dục trực tuyến, dạy qua truyền hình là giải pháp tình thế mà giờ đây, chúng ta cần coi đó là phương pháp bổ trợ giáo dục trực tiếp, cần được nhân rộng để khai thác triệt để những ưu điểm của hình thức học tập này, tạo điều kiện cho giáo dục phát triển tốt hơn”, Giáo sư Trần Hồng Quân nhấn mạnh.
Muốn làm được như vậy thì cần phải đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, nội dung, phương pháp đánh giá và cách thức tổ chức.
Đánh giá về sự đồng hành, hỗ trợ của ngành Thông tin và Truyền thông với ngành Giáo dục và Đào tạo, Giáo sư Trần Hồng Quân cho rằng: “Sự liên kết giữa hai Bộ là vô cùng quan trọng để triển khai dạy học qua internet, trên truyền hình”.
Trước đó, ngày 13/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng, chống Covid-19.
Sau đó, lễ cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành Thông tin và Truyền thông với ngành Giáo dục và Đào tạo trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 diễn ra ngày 26/3.
Theo đó, các doanh nghiệp và đơn vị trong ngành Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ phát sóng miễn phí các bài giảng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định lên truyền hình; miễn phí toàn bộ cước phí truy cập dữ liệu cho học sinh, sinh viên và giáo viên liên quan đến các chương trình học từ xa của ngành giáo dục và đào tạo.
Hỗ trợ miễn phí sử dụng giải pháp phục vụ đào tạo và quản lý giáo dục cho tất cả 43.000 trường học, miễn phí dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học.
Các doanh nghiệp viễn thông, mạng xã hội Việt Nam hỗ trợ nhắn tin đến học sinh, sinh viên, giáo viên và phụ huynh về các thông báo quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các doanh nghiệp viễn thông đầu tư mạnh mẽ để hướng đến mục tiêu mỗi hộ gia đình một đường cáp quang tốc độ cao, mỗi người dân một máy điện thoại thông minh kết nối 4G/5G…
Theo Thùy Linh - Báo Giáo dục Việt Nam