TIN TỨC & SỰ KIỆN

Trao đổi bên lề hội thảo “Chính sách giáo dục trực tuyến và nâng cao số hóa trong giáo dục”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Chuyển đổi số trong giáo dục có tính nền tảng. Trên cơ sở đó, chúng ta áp dụng mạnh các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là Internet trong dạy và học.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo.

Chú trọng hợp tác

Bộ trưởng cho biết, triển khai chủ trương chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt lĩnh vực giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo rà soát xây dựng hành lang pháp lý đào tạo trực tuyến và kết hợp giữa trực tuyến với trực tiếp. Có những môn học trực tiếp, môn học trực tuyến; thậm chí trong một môn có thể kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp.

“Vấn đề ở đây không chỉ là phương thức dạy - học, mà qua trực tuyến và kết hợp giữa trực tuyến với trực tiếp, chúng ta xây dựng được cơ sở học liệu phong phú; đặc biệt là những kiến thức, thành tựu khoa học công nghệ có thể nói là mới nhất được chia sẻ trên toàn cầu. Với cách đi này, nước nào thích ứng nhanh thì đi tiên phong” – Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, so với các lĩnh vực khác, công nghệ thông tin của Việt Nam là một trong những thế mạnh. Nhìn từ thế hệ trẻ, công nghệ thông tin được giảng dạy bắt buộc từ lớp 3. Đến khi học sinh tốt nghiệp lớp 12, những kiến thức cơ bản, đặc biệt là kỹ năng của chuyển đổi số và các công việc liên quan đến môi trường số, các em đã được làm quen, thậm chí thành thạo. Khi vào đại học, người học sử dụng công nghệ thông tin như một công cụ. “Chúng ta chú trọng đến điều này và một trong những đường đi nhanh, tốt nhất là hợp tác quốc tế” –Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng viện dẫn: Một số nước, như Australia, các trường đại học, trong đó có Trường ĐH RMIT rất mạnh về đào tạo trực tuyến và đào tạo kết hợp giữa trực tuyến với trực tiếp. Đây là nguồn học liệu được chia sẻ không giới hạn và giữa nhiều người khác nhau, tạo nên giá trị chung. Điểm quan trọng của đào tạo trực tuyến là tiếp cận được phương pháp giảng dạy và tổ chức quản lý hiệu quả. Theo đó, các trường đại học của Việt Nam cần cập nhật và tạo động lực cho đội ngũ, cán bộ giảng viên. Đồng thời tạo điều kiện để giảng viên được tiếp cận, kết nối với các chuyên gia, giảng viên của trường đại học nước ngoài. Với cách làm như vậy, khoảng 5 - 7 năm sau, Việt Nam sẽ có thế hệ giảng viên đại học trình độ quốc tế.

Cũng theo Bộ trưởng, muốn phát triển một hình thức hay ứng dụng công nghệ trong đào tạo, đầu tiên phải tính đến hệ thống pháp lý. Pháp lý phải hợp lý, đủ vững chắc thì các bên tham gia mới thực hiện được. “Chúng tôi đã chỉ đạo vụ, cục rà soát, sửa đổi, bổ sung các thông tư quan trọng liên quan đến đào tạo trực tuyến trong lĩnh vực đại học. Điểm mới là, mở rộng kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, không thuần túy trực tuyến hoặc trực tiếp. Đây là cơ hội lớn cho cơ sở giáo dục đại học trong việc liên kết với trường đại học quốc tế và với giáo sư nước ngoài”, Bộ trưởng trao đổi.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Cơ hội cho các trường đại học

Cho rằng hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đang được chú trọng đẩy mạnh ở Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, để đạt hiệu quả trước hết cần có chương trình tốt, công nghệ đào tạo, sau đó là đội ngũ giảng viên tốt; thứ nữa là đội ngũ quản trị, điều kiện thực hiện và mối quan hệ tương tác giữa nhà trường – người dạy - người học với doanh nghiệp.

Các trường đại học ở nước phát triển, họ đi trước chúng ta đã lâu. Khi hợp tác, chúng ta có cơ hội trưởng thành cùng họ. Khi họ chấp nhận “chơi” với mình, đấy là thành công bước đầu.

Ngoài ra, mình có thể mời họ về cộng tác, mở chi nhánh hoặc trường để cùng lan tỏa hiệu ứng tích cực. Trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, có trường đã phát triển, trường chưa phát triển, nhưng khi một số trường phát triển, nhất là có yếu tố nước ngoài sẽ tạo ra động lực phấn đấu và sự hợp tác, chia sẻ lẫn nhau. Như vậy, hiệu quả của tham gia hợp tác quốc tế có cả trực tiếp và gián tiếp.

Bộ trưởng cho hay: Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai theo hướng này, vì đây là lợi thế của Việt Nam. Với dân số gần một trăm triệu dân, số học sinh đông, nhiều em trong số đó có nhu cầu du học ở nước ngoài. Xu hướng tới đây, học sinh không nhất thiết phải học toàn bộ thời gian ở nước ngoài; các em có thể học ở trong nước một vài học kỳ, ở nước ngoài một vài học kỳ, miễn làm sao chương trình đào tạo được công nhận và kết nối tốt.

“Tôi cho rằng, đây là cơ hội vàng để trường đại học Việt Nam tranh thủ hợp tác với các trường nước ngoài. Qua đó, giảng viên, nhà khoa học có điều kiện được làm việc, học hỏi lẫn nhau; dần dần họ trở thành giảng viên toàn cầu, chứ không thuần túy là chuyên môn” – Bộ trưởng trao đổi.

Theo Bộ trưởng, hiện trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài chưa nhiều nhưng các chương trình liên kết đa dạng. Tới đây, chúng ta đi theo hướng phát triển từ nội lực. Nghĩa là, các trường đại học tốp đầu Việt Nam hợp tác trực tiếp để cùng đào tạo, nghiên cứu. Bộ sẽ tăng cường kiểm soát, kiểm định, để ngay từ khâu chọn đối tác, duyệt các dự án cũng phải tính đến năng lực đầu tư nhằm tạo uy tín tốt.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, con đường hợp tác với nước ngoài là một trong những giải pháp có tính đột phá. Cứ nhìn vào kinh tế là một ví dụ: Các doanh nghiệp hợp tác, đầu tư nước ngoài phát triển rất mạnh. Với giáo dục đại học, nhất là khu vực tư thục, tư nhân có điều kiện, cộng với kiến thức công nghệ của nước ngoài, cùng với môi trường chính sách và kiểm soát tốt, chúng ta sẽ có những trường đại học tốt.

Theo Minh Phong (báo Giáo dục & Thời đại)

DMC Firewall is a Joomla Security extension!