Sáng ngày 3/12, Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam đã tổ chức Đại hội II nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đại hội đã đưa ra chiến lược phát triển giáo dục đại học ngày càng có chất lượng và hiệu quả cao hơn.
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức Đại hội II nhiệm kỳ 2020 -2025
Năm 2004 Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam thành lập với hơn 40 hội viên. Được sự đồng ý của Chính phủ, ngày 20/12/2014, Đại hội lần thứ I Hiệp Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã được diễn ra. GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập được tôn vinh là Chủ tịch Hiệp hội chung - Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.
Trong 6 năm hoạt động, có thêm hàng chục trường đại học, cao đẳng nộp đơn gia nhập Hiệp hội. Đến thời điểm năm 2020, Hiệp hội có 417 hội viên.
Các đại biểu tham dự Đại hội
Từ năm 2016 - 2017 xuất hiện nhu cầu giao lưu, tọa đàm của các nhóm trường có cùng lĩnh vực quan tâm, cùng nhóm ngành nghề đào tạo, hay cùng vấn đề khó khăn cần tháo gỡ… Từ thực tiễn đó, Ban Chấp hành Hiệp hội giữa nhiệm kỳ đã cho phép thành lập các Câu lạc bộ trực thuộc Hiệp hội.
Mỗi Câu lạc bộ tập hợp một số trường thành viên cùng có nhu cầu họp mặt giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, bàn thảo những vẫn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách. Đến cuối năm 2020 đã thành lập và đi vào hoạt động 20 Câu lạc bộ.
Thời gian qua, Hiệp hội đã tích cực tham gia phản biện chính sách, kịp thời đề xuất những nội dung thiết thực cho Luật giáo dục, Luật Giáo dục đại học, các Nghị định Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn của các bộ ngành liên quan đến giáo dục và đào tạo. Đặc biệt Hiệp hội có đóng góp tích cực, hiệu quả trong đổi mới tuyển sinh đại học, cao đẳng, đổi mới thi tốt nghiệp THPT.
Hiệp hội cũng chủ trì tổ chức một loạt hội nghị, hội thảo, tọa đàm về xây dựng khung trình độ Quốc gia giáo dục đại học, về kiểm định chất lượng giáo dục, về tự chủ đại học, về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và khai thác tài nguyên giáo dục mở trong đào tạo nhân lực ...
Năm 2020, khi cả nước chịu tác động của đại dịch Covid-19, Hiệp hội đã kiên trì đề xuất các cơ sở giáo dục chuyển sang dạy học onlin, dạy học qua truyền hình, thực hiện phương châm "học sinh sinh viên có thể không đến trường, nhưng việc học tập vẫn không ngừng". Kết quả đã được Ngành GD&ĐT đã đồng tình, hưởng ứng.
GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đại hội I.
Xây dựng nền giáo dục Việt Nam: nhân bản - khoa học - khai sáng và phát triển
Tại Đại hội II, nhiệm kỳ 2020 -2025, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã đề ra phương hướng chung là cần tập hợp lực lượng từ các tổ chức và cá nhân thành viên, các nhà khoa học và hoạt động xã hội, phối hợp với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và Đoàn thể, chủ động tham gia xây dựng và thúc đẩy thực hiện chiến lược phát triển giáo dục đại học ngày càng có chất lượng và hiệu quả cao hơn của một nền giáo dục Việt Nam: nhân bản - khoa học - khai sáng và phát triển. Trong đó, cần bám sát các chủ trương của Đảng và Nhà nước, cập nhật kịp thời tri thức thời đại về khoa học giáo dục.
TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên UVTƯ Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên Giáo TW, Phó Chủ tịch Hiệp hội cho biết, Hiệp hội đề ra nhiệm vụ là tham gia tư vấn cho các cơ quan liên quan của Đảng và Nhà nước về mặt chiến lược và chính sách, phối hợp và gắn bó với họ để cùng hành động vì lợi ích chung của nền giáo dục nước nhà;
Tham gia xây dựng và thực hiện chiến lược Phát triển Giáo dục đại học, trong đó có việc quy hoạch mạng lưới đại học và cao đẳng mà Chính phủ đã có chủ trương gần đây, tư vấn và đề xuất về chủ trương chuyển đổi một số trường công lập đang gặp khó khăn lớn về tuyển sinh sang trường hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
Góp phần tạo nhận thức chung về vai trò của mạng lưới và hệ thống đại học của một quốc gia, sự quan tâm xây dựng môi trường bình đẳng về đầu tư và cơ chế chính sách.
Theo đó, Hiệp hội nỗ lực góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về tự chủ đại học.
TS Vũ Ngọc Hoàng cho rằng, đây là việc lớn đối với hệ thống đại học. Không có tự chủ hoặc chưa được tự chủ thì coi như chưa có đại học thật sự theo đúng nghĩa. Chỉ có sự tự chủ mới bảo đảm tính năng động, sáng tạo cho hoạt động giáo dục của tập thể nhà trường nhằm tạo ra chất lượng và hiệu quả cao hơn. Quyết tâm thực hiện chủ trương đúng đắn này là việc hết sức cần thiết, đòi hỏi tâm huyết, bản lĩnh và cả phương pháp tốt nữa.
Ngoài ra, Hiệp hội tham gia xây dựng một hệ thống giáo dục mở, thực học, liên thông và hiệu quả, không bị cắt khúc và khu trú riêng trong từng khối, từng phần, trong đó có tư duy mở, cơ chế mở, dữ liệu mở, cấp phép mở, gắn với CNTT, kết nối và số hóa, gắn với tham gia xây dựng xã hội học tập.
"Đây là vấn đề mới mẽ và rất quan trọng cho trước mắt và cho lâu dài, vì sự phát triển của con người, của các thế hệ và của cả một dân tộc có năng lực ở thứ bậc cao hơn" - TS Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh.
Theo HỒNG HẠNH (báo Dân trí)