Xét tuyển bằng phỏng vấn, có thể thay đổi cách nộp lệ phí thi, công bố danh sách giải thưởng để ưu tiên tuyển thẳng là những điểm mới trong tuyển sinh đại học 2021.
Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 diễn ra tại Đại học Bách khoa Đại học Quốc gia TP.HCM ngày 24/1, có gần 100 trường đại học, cao đẳng tham gia. Tại đây, đại diện Bộ GD&ĐT thông báo những điểm mới trong công tác tuyển sinh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, chia sẻ thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Mỹ An.
Bổ sung phương thức tuyển sinh mới
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 giữ ổn định như năm ngoái, nội dung tập trung chủ yếu ở lớp 12.
Về việc ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh đoạt giải quốc tế, Bộ GD&ĐT sẽ công bố danh sách những giải thưởng được công nhận.
Ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho biết khi thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2020, đồng thời xét tuyển đại học, cao đẳng, phải nộp lệ phí tuyển sinh tại địa điểm đăng ký xét tuyển. Cách nộp lệ phí có thể thay đổi theo hướng thuận tiện hơn, như qua tài khoản thí sinh.
Nhiều trường đại học bổ sung phương thức tuyển sinh mới, trong đó có hình thức phỏng vấn trực tiếp để xét tuyển.
Ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết sẽ tuyển khoảng 150 em theo hình thức này. Dịch Covid-19 tác động khiến nhiều thứ thay đổi, trong đó phỏng vấn trực tuyến trở nên đơn giản hơn.
Trường xét tuyển bằng phỏng vấn đối với những ngành đào tạo bằng tiếng Anh, để tìm ứng viên có thể học tập tốt ở nước ngoài, nâng cao tính hợp tác quốc tế của Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Cách tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành "hot"
Những ngành như Logistics, Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá, Khoa học máy tính, Trí tuệ nhân tạo thu hút nhiều sự quan tâm của phụ huynh và học sinh.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, thông tin những năm gần đây, ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hoá có điểm chuẩn cao. Hiện nay, nhiều nhà máy ứng dụng kỹ thuật điều khiển và tự động hoá trong sản xuất, nên nhu cầu tuyển dụng lớn. Để vào được ngành này, thí sinh cần có mức điểm thi mỗi môn trên 8.
Đối với những thí sinh đang phân vân về cách để chọn trường tốt, ông Bùi Hoài Thắng cho biết hiện nay, nhiều trường đào tạo ngành Công nghệ thông tin, trong đó một số trường có chuyên ngành đặc biệt như Trí tuệ nhân tạo. Học sinh có hứng thú tìm hiểu, muốn học sâu, nên chọn những ngành như kỹ thuật phần mềm, trí tuệ nhân tạo…Nếu muốn học để có kiến thức tổng quát hơn, thí sinh nên chọn vào những ngành như Khoa học máy tính.
Ông Đỗ Văn Dũng tư vấn cho thí sinh về phương thức tuyển sinh của trường. Ảnh: Mỹ An.
Ông Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) nói: “Hiện nay, nhóm ngành Công nghệ thông tin đang khát nhân lực, nhưng không phải ai học xong cũng sẽ được tuyển dụng. Những ngành này yêu cầu tư duy logic, sự sáng tạo và ngoại ngữ ở mức giỏi".
Nguyễn Vũ Duy Bảo, học sinh trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú, TP.HCM) xếp hàng để chờ nhận tư vấn riêng từ ông Bùi Hoài Thắng. Chia sẻ với Zing, Duy Bảo dự tính xét tuyển vào ngành Kỹ thuật Ôtô của Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM).
“Em đi nghe tư vấn cùng bạn, thấy các thầy cô tư vấn thông tin khá đầy đủ. Tuy nhiên, em vẫn còn một số thắc mắc về cơ hội việc làm, lo sợ sau này thị trường bị bão hòa, sẽ gặp nhiều khó khăn”.
Theo MỸ AN (báo Zingnews)