TIN TỨC & SỰ KIỆN

Mục tiêu mà Bộ GD&ĐT hướng tới là đến năm 2020, 100% các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm được kiểm định. Luật Giáo dục đại học năm 2019 cũng quy định rõ các chương trình đào tạo không được kiểm định sẽ dừng tuyển sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn khá nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa được kiểm định chất lượng.

Xã Hội Hóa Giáo Dục Là Gì? Khái Niệm và Lợi Ích Khi Áp Dụng

 

Kiểm định để nhìn rõ điểm nghẽn

Kiểm định chất lượng (KĐCL) giáo dục đã và đang là xu thế chung nhằm khẳng định vị thế và chất lượng đào tạo của từng cơ sở giáo dục đại học (ĐH). Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý chất lượng- Bộ GDĐT, tính đến ngày 30/6/2021, có 160 cơ sở giáo dục ĐH và 10 trường CĐ Sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Trong khi đó, cả nước có 242 trường ĐH và 236 trường CĐ. Như vậy còn nhiều cơ sở giáo dục ĐH chưa tham gia KĐCL giáo dục. Mục tiêu mà Bộ GD&ĐT hướng tới là đến năm 2020, 100% các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm được kiểm định. Luật Giáo dục đại học năm 2019 cũng quy định rõ các chương trình đào tạo không được kiểm định sẽ dừng tuyển sinh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn khá nhiều cơ sở giáo dục đại học chưa được kiểm định chất lượng.

Một trong những điểm mới của Luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2019 là trường ĐH không được tiếp tục tuyển sinh nếu chưa KĐCL. Tuy nhiên, đến nay cả nước vẫn còn không ít trường ĐH chưa được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; số lượng chương trình đào tạo được kiểm định chiếm tỉ lệ nhỏ so với số lượng chương trình đang tuyển sinh đào tạo. Vậy nguyên nhân do đâu?

Theo bà Nguyễn Mai Hương, Chủ tịch Hội đồng trường, ĐH Mở Hà Nội, một số trường ĐH chưa nhận thức đúng về sự cần thiết, tính tất yếu phải thực hiện kiểm định cơ sở giáo dục nên chưa chú trọng tới công tác này. Một số trường xác định được sự cần thiết nhưng ngại thay đổi, do để thực hiện kiểm định cơ sở giáo dục cần thay đổi từ tư duy đến hành động, chuyển mạnh từ tư duy quản lý định tính, hành chính sang tư duy quản lý chất lượng quá trình với các hồ sơ, minh chứng hoạt động cho tất cả lĩnh vực trong giai đoạn kiểm định…

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đại học- Bộ GDĐT nhấn mạnh, các trường phải xác định mục tiêu kiểm định không phải là để đạt hay không đạt mà là thông qua hoạt động kiểm định để nhận thức mình còn yếu chỗ nào, từ đó có kế hoạch tổng thể nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đó, KĐCL là một thủ tục có tính pháp lý nhưng rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay để các trường nhận ra “điểm nghẽn” của mình. Tất nhiên, để tạo được uy tín, vị thế của mình trong hệ thống giáo dục ĐH thì các trường phải làm rất nhiều việc khác, phải phát triển theo xu hướng thúc đẩy chất lượng.

Cần có chế tài đủ mạnh

Trong tháng 6 vừa qua, Bộ GDĐT đã quyết định cho phép 3 tổ chức KĐCL giáo dục nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Như vậy, bên cạnh 7 tổ chức KĐCL giáo dục trong nước, việc có thêm 3 tổ chức KĐCL giáo dục nước ngoài tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo ra sự cạnh tranh trong việc đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục ĐH.

Theo ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm- ĐH Đà Nẵng, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rõ rệt tới hoạt động của nhà trường và tổ chức kiểm định. Các cơ sở giáo dục ĐH đang phải thích ứng với việc triển khai hoạt động đào tạo trong điều kiện dịch bệnh và tìm cách hỗ trợ cho người học. Bên cạnh đó, số lượng các trung tâm kiểm định, kiểm định viên còn khá nhỏ so với nhu cầu kiểm định của hàng trăm cơ sở giáo dục ĐH và hàng ngàn chương trình đào tạo, trong khi chu trình kiểm định là 5 năm. Hiện nay, các trường thuộc nhóm đầu tiên kiểm định như Trường ĐH Sư phạm- ĐH Đà Nẵng, ĐH Giao thông Vận tải… đang bước vào chu kỳ kiểm định thứ 2.

Nhưng như đã đề cập ở trên, tâm lý “né” KĐCL là có thật. Mặc dù, Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản quy định nghiêm ngặt trong việc đảm bảo chất lượng của cơ sở đào tạo. Tuy nhiên cho đến nay, một số cơ sở giáo dục ĐH đội ngũ giảng viên không đảm bảo về số lượng lẫn chất lượng. Thậm chí là tìm cách đối phó bằng các hình thức đi thuê bằng TS, ThS để mở ngành, duy trì ngành để đáp ứng tạm thời các yêu cầu về xác định chỉ tiêu tuyển sinh từng ngành. Một số nơi, chương trình đào tạo được gắn mác, gắn sao nhưng thực học thì không có sao nào…

Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa- ĐH Đà Nẵng, hiện vẫn chưa có chế tài bắt buộc các cơ sở GDĐH phải thực hiện KĐCL giáo dục. Ngoài ra, tâm lý chung khi chọn trường, ngành, thí sinh chủ yếu tập trung vào độ “hot” của ngành, “thương hiệu” của nhà trường một cách cảm tính. Còn thông tin các chương trình đào tạo đã được đánh giá ngoài, được công nhận bảo đảm chất lượng ra sao, gần như thí sinh và phụ huynh không quan tâm nhiều.

TS Nghiêm Xuân Huy, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng cần có quy định và chế tài mạnh mẽ gắn với việc giám sát quá trình thực hiện trách nhiệm giải trình của trường ĐH. Đồng thời với đó là giải pháp để nâng cao vai trò và năng lực chuyên môn của các trung tâm kiểm định chất lượng; cần có cơ chế, nguồn lực để các trung tâm này toàn tâm toàn ý cho sứ mệnh đánh giá chất lượng giáo dục của mình, thay vì quá phải lo lắng cho sự cạnh tranh, tồn tại hay “sống sót” của mình.

Cũng theo TS Huy, song song với hoạt động kiểm định, Bộ GDĐT cũng như các bên liên quan khác cần có chính sách và giải pháp hỗ trợ để  cơ sở giáo dục ĐH xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong. Làm sao phổ biến được văn hóa chất lượng trong các mặt hoạt động của trường ĐH. Khi mọi hoạt động của trường ĐH được thực hiện đúng theo các nguyên tắc bảo đảm chất lượng thì việc KĐCL sẽ không còn là “nỗi lo” lớn của trường ĐH nữa, thậm chí nó trở thành nhu cầu tự thân của trường.

(Nguồn: Dung Hòa - Báo Đại đoàn kết)

DMC Firewall is a Joomla Security extension!