TIN TỨC & SỰ KIỆN

Từ thực tiễn trong quá trình triển khai kiểm định quốc tế các chương trình giáo dục đại học, đại diện các trường đã chia sẻ các kinh nghiệm về quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm định hiệu quả.

Kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế đang là xu hướng tất yếu của các chương trình giáo dục đại học. Làm thế nào để các trường thực hiện hiệu quả hoạt động này là vấn đề được nhiều diễn giả đặt ra tại diễn đàn “Các giá trị của kiểm định quốc tế và câu chuyện thành công”.

Diễn đàn do Đại học Công nghiệp Hà Nội phối hợp cùng Đại học Bang Arizona (Mỹ) và dự án “Thúc đẩy hợp tác trường đại học-doanh nghiệp thông qua đổi mới và công nghệ” (BUILD-IT) tổ chức ngày 27/5. Trong đó, dự án BUILD-IT do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ-USAID tài trợ, Đại học Bang Arizona thực hiện.

Lựa chọn đơn vị kiểm định phù hợp

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 28/2, cả nước có 308 chương trình giáo dục đại học đạt kiểm định chất lượng trong nước. Số chương trình đạt kiểm định quốc tế thấp hơn với 232 chương trình của 39 trường đại học, chiếm số lượng rất nhỏ so với hàng trăm trường đại học trên cả nước.

Phó giáo sư Trần Đức Quý, Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội, cho rằng kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế có ý nghĩa rất lớn với các trường đại học trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Điều này cũng thúc đẩy sự phát triển của các trường, nâng cao chất lượng giáo dục, khẳng định thương hiệu và thu hút người học.

Ông Scott Danielson, đến từ Đại học Bang Arizone, người từng làm việc cho tổ chức kiểm định ABET (tổ chức kiểm định các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ Hoa Kỳ) cho biết mỗi tổ chức kiểm định đều có định hướng khác nhau. Ví dụ như kiểm định ABET định hướng đánh giá nội dung, cấu trúc chương trình và dành cho khối ngành kỹ thuật trong khi kiểm định AUN-QA (tổ chức đảm bảo chất lượng của Mạng lưới các trường đại học ASEAN) lại định hướng chất lượng và đánh giá tất cả các ngành đào tạo.

Mỗi tổ chức đều có nhiều tiêu chí với mức độ yêu cầu khác nhau, trong đó mỗi tiêu chí đều có vai trò quan trọng và không thể lấy lĩnh vực mạnh bù đắp cho lĩnh vực yếu. Việc kiểm định cũng không phải chỉ thực hiện một lần mà liên tục kiểm định lại. Vì thế, đòi hỏi nhà trường phải có rất nhiều nỗ lực.

Quan tâm đến các tiêu chí, giáo sư Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt vấn đề về cách thức có thể lồng ghép được các bộ tiêu chí của các đơn vị kiểm định khác nhau. Điều này có thể giúp các trường tận dụng thực hiện kiểm định của nhiều đơn vị khác nhau.

Tuy nhiên, theo ông Scott Danielson điều này khó thực hiện vì các tổ chức kiểm định khác nhau có cách tiếp cận khác nhau. “Ví dụ AUN-QA tiếp cận về chất lượng và cải tiến chất lượng liên tục trong khi ABET chỉ có một tiêu chí về vấn đề này là đánh giá chất lượng đầu ra của sinh viên. Vì vậy tôi nghĩ việc thực hiện kiểm định này trước rồi lấy các tiêu chí đó để thực hiện kiểm định sau là cách làm không tiết kiệm thời gian vì có nhiều nội dung khác nhau, cách viết và chuẩn bị các báo cáo cũng khác nhau. Trong khi việc chuẩn bị để đạt cho được một kiểm định chất lượng mất nhiều năm, nhiều công sức và cả tài chính,” ông Scott Danielson nói.

Cũng theo ông Scott Danielson, các trường cần chuẩn bị đầy đủ cả phần báo cáo và phần minh chứng cho các báo cáo đó vì các tổ chức kiểm định coi trọng cả hai nội dung này và sẽ thực hiện kiểm tra các minh chứng trực tiếp tại trường.

Do mỗi tổ chức kiểm định có yêu cầu khác nhau nên từ kinh nghiệm thực tế của đơn vị mình, giáo sư Võ Văn Tới, Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng trước khi quyết định thực hiện kiểm định quốc tế, các trường cần phải tìm hiểu rõ về các tổ chức kiểm định. Từ đó, trường sẽ đưa ra quyết định lựa chọn tổ chức kiểm định phù hợp với đặc thù, khả năng đáp ứng của mình và triển khai thực hiện các tiêu chí của đơn vị kiểm định đã chọn.

Đây cũng là lời khuyên của phó giáo sư Phạm Trần Vũ, Trưởng khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị đầu tiên của cả nước đạt kiểm định ABET. “Lãnh đạo trường phải xem ngành đào tạo định kiểm định là ngành gì, phù hợp với loại kiểm định nào. Ví dụ trường tôi là khối ngành kỹ thuật nên chúng tôi chọn kiểm định ABET,” ông Vũ nói.

Cần sự quyết tâm và đồng lòng

Chia sẻ về kinh nghiệm thực tế tại hội thảo, các diễn giả đều cho hay việc kiểm định chất lượng quốc tế cần sự quyết tâm rất lớn từ lãnh đạo nhà trường và sự đồng lòng của toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên. Để đạt kiểm định cần mất thời gian chuẩn bị khoảng ba năm hoặc nhiều hơn mới có thể đáp ứng được các tiêu chí, đồng thời phải liên tục duy trì các tiêu chuẩn này.

Ông Phạm Trần Vũ cho hay Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị cho kiểm định ABET từ năm 2008, khi kiểm định chất lượng giáo dục chưa là yêu cầu bắt buộc như hiện nay và còn ít được quan tâm, kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế lại càng xa vời hơn nữa. Và phải mất 6 năm, đến 2013 mới chính thức được ABET đánh giá.

“Khó khăn rất nhiều, phải có sự quyết tâm của ban lãnh đạo nhà trường vì mất nhiều thời gian, kinh tế, và cả rủi ro nếu không đạt kiểm định. Thứ hai là lãnh đạo khoa và bộ môn phải đồng hành cùng nhà trường. Tầng cuối là giảng viên và nhân viên. Vì các tiêu chí kiểm định liên quan đến tất cả các hoạt động của nhà trường nên nếu không có sự đồng lòng là rất khó,” ông Vũ nói.

Cũng theo ông Vũ, do là đơn vị tiên phong của cả nước, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh đã phải liên hệ chặt chẽ với tổ chức kiểm định ABET để được hướng dẫn đồng thời cử người sang một số trường đã đạt kiểm định này của Mỹ để học hỏi kinh nghiệm.

Cần sự đồng lòng và đội ngũ chuyên gia về kiểm định cũng là chia sẻ của giáo sư Võ Văn Tới. Ông Tới cho rằng cần có mối liên hệ chặt chẽ giữa ban lãnh đạo, các khoa, các giảng viên, nhân viên trong cả quá trình chuẩn bị để mỗi người đều hiểu rõ được vai trò, trách nhiệm của mình. “Khi tổ chức kiểm định sang đánh giá trực tiếp tại trường, họ sẽ có thể phỏng vấn bất kỳ một giảng viên, nhân viên và cả sinh viên về các tiêu chí và đánh giá nên nếu không có sự thống nhất sẽ rất phức tạp và dễ bị đánh trượt,” ông Tới chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Tới cho rằng đội ngũ chuyên gia am hiểu về các tiêu chí và các công tác chuẩn bị là rất quan trọng để quá trình thực hiện được đúng hướng và nhanh chóng hơn.

Đồng tình với quan điểm này, tiến sỹ Châu Minh Quang, Phó viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế và Sau đại học, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng nếu lãnh đạo trường quyết tâm thì việc triển khai sẽ thành công đến 90% vì hiệu trưởng là người quyết định các chính sách, nhất là các chính sách hỗ trợ.

Bên cạnh đó, với kinh nghiệm 6 năm triển khai kiểm định quốc tế và đang chờ kết quả, ông Quang đánh giá sự chung tay của tất cả giảng viên là rất quan trọng vì họ là những người thực hiện chính, và phải thực hiện liên tục trong thời gian dài. “Vì vậy, lãnh đạo phải phân tích để nhân viên, giảng viên hiểu ý nghĩa của kiểm định,” ông Quang nói./.

Our website is protected by DMC Firewall!